Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài “Phương án nào cho Hội thi GV dạy giỏi?”(ngày 16-9): Bản lĩnh từ chối giá trị ảo

Tạp Chí Giáo Dục

Những năm mới ra trường, tôi dạy khá nhiều trường, trong đó có thỉnh giảng ở trường công. Một lần được chứng kiến nhà trường (trường công) vinh danh những giáo viên dạy giỏi cấp quận, cấp thành phố, tôi thích thú vô cùng. Tôi tìm hiểu và dự định sẽ đăng ký thi trong năm học tới. Tuy nhiên, khi hỏi kinh nghiệm từ những thầy cô là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền, tôi đành “vỡ mộng” vì thi giáo viên giỏi lại giống như tiết dự giờ, thao giảng (có điều là “đóng kịch” giỏi hơn) mà cả thầy và trò đều là… diễn viên.

Trước đó tôi nghĩ rằng, thi giáo viên dạy giỏi là một việc làm đẹp lắm, ý nghĩa lắm, trong đó người giáo viên sẽ dạy một lớp học ở trường mình đang dạy và cả ở trường khác mà không được chọn bài giảng, không có gì trao đổi trước. Nói tóm lại là diễn ra một cách tự nhiên, trong đó có những yếu tố bất ngờ. Những điều đó sẽ tạo ra giá trị thật, giá trị đẹp đáng trân trọng, đáng tôn vinh. Cả người được nhận giải thưởng, trường có giáo viên đạt giải, người trao giải… cũng tự hào về giá trị của ngành đạt được. Thế nhưng, tôi hoàn toàn… vỡ mộng.

Cách đây không lâu, tôi tham dự một chuyên đề chuyên môn cấp quận, một báo cáo viên đã phát biểu về những điều “chưa thật” khi làm giám khảo chấm thi. Vị này nói rằng, dự các tiết thi dạy giỏi thấy thầy trò “diễn kịch” rất nhiều. Những tiết thi dạy giỏi cứ “chạy theo mô típ có sẵn”, diễn ra trôi chảy trong sự nhàm chán. Thế mà hiện trạng này cứ tồn tại và phát triển từ năm này qua năm khác. Vị này cũng nói một cách tế nhị rằng, thầy cô là những người dạy học sinh tính trung thực nhưng lại làm điều không trung thực thì làm sao học sinh đặt niềm tin vào sự trung thực mà các em học từ thầy cô; đặc biệt đây lại là thi… giáo viên dạy giỏi. Sau đó ông đề xuất sang năm phải thay đổi, thi là phải thực chất, đừng để tiết thi giáo viên dạy giỏi (cũng như dự giờ, thao giảng)… ảo trước tâm hồn trong sáng của học sinh, đừng để thế hệ trẻ bị “nhiễm” sự trung thực trong gian dối từ những người thầy mà xã hội luôn đặt niềm tin.

Là một giáo viên, tôi nghĩ rằng, thầy cô cần có bản lĩnh để từ chối giá trị ảo trong việc thi giáo viên dạy giỏi. Thầy cô có quyền từ chối tham gia khi thấy mình không có khả năng… diễn kịch giỏi. Nếu như giáo viên bản lĩnh, có tài năng, có tâm và lòng tự trọng (tôi rất muốn nhấn mạnh về lòng tự trọng) thì không nên thi giáo viên dạy giỏi (nếu thi một cách trung thực thì dễ… rớt như chơi). Dẫu biết rằng việc từ chối thi giáo viên dạy giỏi cũng… khó nói, song không phải vì vậy mà giáo viên không kiên quyết từ chối.

Cái xấu của giá trị ảo trong việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cũng từ bệnh thành tích mà ra. Biết là giá trị ảo nhưng có được bao nhiêu trường (ngoại trừ trường tư), bao nhiêu cấp ở các nơi không tổ chức thi? Có bao nhiêu đơn vị tổ chức theo sự trung thực?

Tóm lại, là người giáo viên có lòng tự trọng, nhất quyết phải từ chối… diễn kịch nếu các trường vẫn tiếp tục tổ chức thi. Không cần chờ chỉ đạo mới… thôi diễn.

Thái Hoàng

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)