Không chỉ giờ cao điểm, cảnh k qua cầu Kênh Tẻ diễn ra bất cứ lúc nào và trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân.
Kẹt xe ở đường dẫn lên cầu Kênh Tẻ
Đi 4km mất 2 giờ
Chuyện nghe như đùa nhưng là sự thật không còn xa lạ gì đối với người dân ở huyện Nhà Bè, Q.7… mỗi ngày vào TP làm việc và học tập. Sống từ nhỏ ở xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè, TP.HCM), nay ông Nguyễn Văn Trọng đã ngoài 80 tuổi nhưng lần có việc đi trung tâm TP là ông lắc đầu ngao ngán. “Không chỉ kẹt xe ở giờ cao điểm mà kẹt ở bất cứ ngày giờ nào. Có lần tôi đi từ nhà qua Q.4 thăm cháu ngoại, quãng đường chỉ hơn 4km nhưng mất hơn 2 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Trước giờ có kẹt cũng chỉ 1-1,5 tiếng vào giờ cao điểm rồi thôi, còn bây giờ đã kẹt là dính chùm hàng giờ, không biết thoát ra bằng đường nào”, ông Trọng nói.
Thỉnh thoảng có công việc phải đi như ông Trọng đã ngán, đằng này mỗi ngày chị Bùi Mai (ngụ xã Phước Kiển) phải đưa đón con đi học ở Q.1 là nỗi ám ảnh. Cám cảnh các con phờ phạc mặt mũi, đến trường đã vào tiết 2, thậm chí tiết 3, chịu không thấu cảnh kẹt xe ngửi mùi khói bụi hàng giờ, vợ chồng chị Mai quyết định cho thuê nhà sang Q.4 thuê lại một căn nhà khác để ở tránh kẹt xe.
Để né kẹt xe, anh Nguyễn Văn Phong (ngụ P.Tân Quy, Q.7) phải ra khỏi nhà từ 6 giờ sáng và nơi anh tá túc để chờ đến 7 giờ 45 vào cơ quan làm việc không đâu khác là quán cà phê. Anh Phong cho biết: “Những ngày triều cường dâng thì cũng phải bì bõm lúc 5-6 giờ sáng để mong thoát khỏi Q.7 để sang Q.4 hoặc Q.1”.
Đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ chân cầu Kênh Tẻ (P.Tân Hưng) đến ngã tư Nguyễn Văn Linh (P.Tân Phong, Q.7) là tâm điểm kẹt xe. Anh Nguyễn Văn Vĩnh (tài xế công ty dịch vụ vận tải logistics) nói: Nếu như trước đây, từ các ngã Lâm Văn Bền, Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Văn Linh… dễ dàng qua cầu Kênh Tẻ để về trung tâm Sài Gòn. Nếu bị ùn tắc có thể di chuyển theo hướng cầu Him Lam qua Trung Sơn (huyện Bình Chánh) để ra cầu Nguyễn Văn Cừ. Nhưng nay mật độ xe càng dày lên, không còn chỗ chen và nếu đã qua đến cầu Kênh Xáng (Q.8) hoặc đường Nguyễn Văn Cừ cũng bị ùn ở đó.
Đâu là thủ phạm gây kẹt xe?
Cầu Kênh Tẻ nối Q.7 và Q.4 được xem là huyết mạch dẫn vào trung tâm Sài Gòn bởi rút ngắn quãng đường di chuyển. Đường Nguyễn Hữu Thọ rộng nhưng đến cầu Kênh Tẻ thì bị thắt cổ chai khiến các phương tiện di chuyển lên cầu khó khăn.
Để giải quyết tạm thời tình trạng kẹt xe tại đây, Sở Giao thông vận tải TP cho phá dỡ thành cầu để mở rộng phía đường dẫn lên cầu (từ 12m lên 14m) và phần cầu chính sau mở rộng từ 14 lên 16,5m. Đến nay, việc phá dỡ mở rộng vẫn chưa hoàn tất.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ đường Khánh Hội, Q.4) bày tỏ lo ngại: “Giải pháp mở rộng cầu của Sở Giao thông vận tải TP là chưa ổn bởi khi phá thành cầu thì người đi bộ phải xuống lòng đường, trong khi chưa thể giải quyết được tình trạng kẹt xe lại thêm nguy cơ tai nạn giao thông”.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Khiêm (Tổng công ty Thái Sơn) cho rằng, việc xây dựng nhà cao tầng trên địa bàn Q.7, huyện Nhà Bè là chưa phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện tại. Nguy hiểm hơn, khi quỹ đất dành mở rộng đường không được quan tâm đến. Đó là nguyên nhân chính gây kẹt xe trong thời gian qua.
Kẹt xe ở đường dẫn lên cầu Kênh Tẻ
T.Anh
Bình luận (0)