Uống các viên bổ sung không những không cần thiết mà thậm chí còn gây bệnh. Thông tin chấn động này được New York Times công bố trong một bài báo xuất bản mới đây.
Khi còn là một bác sĩ trẻ, tiến sĩ Martha Gulati nhận thấy nhiều bác sĩ thường kê thêm vitamin E hoặc acid folic cho người bệnh. Các nghiên cứu sơ bộ vào đầu những năm 1990 từng cho rằng hai loại thuốc uống bổ sung này giúp hạ nguy cơ bệnh tim.
Bà Gulati, giờ đã là trưởng khoa tim Trường Medicine-Phoenix Đại học Azrizona, nhận ra bà đã tự thay đổi quan điểm sau khi các thử nghiệm y khoa lâm sàng nghiêm ngặt cho thấy cả viên bổ sung vitamin E lẫn acid folic đều không có tác dụng gì trong việc bảo vệ tim. Tệ hơn, các nghiên cứu còn cho thấy việc dùng vitamin liều cao còn dẫn tới nguy cơ bị suy tim, ung thư tuyến tiền liệt hoặc tử vong vì bất cứ nguyên nhân gì.
Tìm kiếm "thuốc tiên"
Không phải ai cũng nhận ra điều này. Chính các nghiên cứu ban đầu đã "nhồi" thêm niềm tin về tác dụng hứa hẹn của các viên thuốc bổ.
Theo đó, hàng triệu người vẫn tiếp tục "bồi dưỡng" cơ thể theo cách này. Họ tiếp tục uống ngay cả khi nhiều nghiên cứu khắt khe hơn, vốn mất nhiều năm để thực hiện, gần như chưa bao giờ tìm ra bằng chứng cho thấy những thuốc uống bổ sung đó có thể ngăn ngừa bệnh tật, trong một số trường hợp thậm chí còn gây hại.
"Lòng tin vào thuốc bổ của họ đã bất chấp chứng cứ" – bác sĩ JoAnn Manson, trưởng khoa y tế dự phòng của Bệnh viện Boston’s Brigham and Women’s Hospital ở thành phố Boston (Mỹ), nhận xét. Cũng theo bà Manson, chưa có một chứng cứ xác quyết nào cho thấy các viên uống bổ sung giúp ngăn ngừa bệnh tật kinh niên ở những người thông thường.
Còn theo bác sĩ Barnett Kramer – trưởng khoa phòng chống ung thư thuộc Viện Ung thư quốc gia Mỹ, mặc dù kể từ năm 1999 Viện Sức khỏe quốc gia đã bỏ ra hơn 2,4 tỉ USD cho các nghiên cứu về tác dụng của vitamin và khoáng chất, nhưng theo bác sĩ này, với "tất cả các nghiên cứu chúng tôi đã làm, chúng tôi cũng không có nhiều kết quả để chứng minh cho điều đó".
Theo bác sĩ Kramer, một nguyên nhân lớn có lẽ vì quá nhiều nghiên cứu dinh dưỡng đã dựa trên những định kiến sai lầm. Trong đó quan niệm rằng con người cần nhiều vitamin và khoáng chất hơn những gì một chế độ ăn thông thường cung cấp cho cơ thể; rằng những liều lượng cao luôn an toàn; và rằng các nhà khoa học có thể "cô" lại những lợi ích của các loại rau như bông cải xanh vào một viên thuốc uống mỗi ngày.
Trên thực tế đúng là những loại thực phẩm giàu vitamin có khả năng chữa được những bệnh liên quan tới tình trạng thiếu vitamin. Các loại quả chanh, cam từng nổi tiếng trong vai trò là "thuốc" phòng ngừa bệnh scurvy cho những thủy thủ thế kỷ 18 thường xuyên thiếu hụt vitamin C trong các hải trình dài ngày. Nghiên cứu từ lâu cũng chứng minh rằng những người ăn nhiều rau, quả sẽ khỏe mạnh hơn những người khác.
Nhưng theo bác sĩ Kramer, khi giới nghiên cứu cố gắng dồn các thành tố chính yếu của một chế độ ăn lành mạnh vào một viên thuốc, mọi nỗ lực của họ gần như luôn thất bại.
Theo bà Marjorie McCullough – giám đốc chiến lược về dịch tễ học dinh dưỡng của Hội Ung thư Mỹ, rất có thể vì các hóa chất có ở trái cây và rau trong bữa ăn đã có những phản ứng tương tác với nhau theo các cách thức nào đó mà giới khoa học không thực sự hiểu hết, và cũng không thể thay thế điều đó bằng một viên thuốc.
Bổ quá cũng… khổ
Việc đưa vào cơ thể một liều lượng lớn các vitamin cùng khoáng chất sẽ gây rắc rối cho sức khỏe.
Bác sĩ Edgar Miller, giáo sư y khoa Trường y Johns Hopkins, lý giải: ở những liều lượng nhỏ cung cấp qua trái cây và rau củ, beta carotene cùng những chất tương tự có vẻ sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi quá trình oxy hóa vốn gây hại cho các tế bào khỏe mạnh.
Ấy thế nhưng các chuyên gia sức khỏe đã bất ngờ khi hai nghiên cứu lớn, quy mô vào những năm 1990 lại phát hiện các viên uống bổ sung beta carotene thực sự làm tăng tỉ lệ ung thư phổi ở người dùng.
Cũng tương tự, một thử nghiệm lâm sàng công bố năm 2011 cho thấy một chất chống oxy hóa khác là vitamin E đã làm tăng nguy cơ bị ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới lên 17%.
Những nghiên cứu kiểu như vậy đã nhắc nhở các nhà nghiên cứu một điều quan trọng, quá trình oxy hóa thực sự không hoàn toàn xấu. Nó giúp tiêu diệt các vi khuẩn và tế bào ác tính, loại bỏ chúng trước khi chúng có thể phát triển thành những khối u, bác sĩ Miller giải thích.
Sự bùng nổ không thể kiểm soát, nhất là trên mạng xã hội, của các thông tin liên quan tới sức khỏe đang dẫn tới nhiều nhận thức sai lầm. Người dân có xu hướng tin tưởng với những tài khoản có hàng ngàn lượt "like" và "follow" và những câu chuyện cảm động đánh vào trực giác với thông điệp "tốt cho sức khỏe" trên mạng xã hội thay vì những thông tin khoa học "khô khan" và lý trí khác.
Tranh cãi
Giống như trong nhiều vấn đề khác của y học, không phải mọi chuyên gia đều đồng ý với việc cho rằng các viên thuốc bổ không có tác dụng.
Bác sĩ Walter Willett – giáo sư Trường Y tế cộng đồng The Harvard T.H. Chan, Đại học Harvard – cho rằng việc uống một viên vitamin tổng hợp mỗi ngày "để phòng ngừa" là điều hợp lý.
Theo ông Walter Willett, sở dĩ các thử nghiệm lâm sàng đánh giá thấp lợi ích thực sự của viên uống bổ sung vì thời gian nghiên cứu chưa đủ lâu, thường chỉ kéo dài từ 5-10 năm. Trong khi có thể phải mất nhiều thập kỷ mới có thể nhận ra tỉ lệ mắc ung thư hay các bệnh về tim mạch thấp hơn ở những người sử dụng các viên uống bổ sung vitamin hằng ngày.
D.KIM THOA/ TTO
Bình luận (0)