Không phải đợi đến khi gần tốt nghiệp cấp 3 mới ráo riết nghĩ đến chuyện chọn ngành nghề, học sinh New Zealand đã được mọi nguồn lực xã hội hỗ trợ hướng nghiệp từ rất sớm. Đó là lý do tình trạng thất nghiệp hàng loạt hay chuyện sinh viên cất bằng cử nhân đi làm công nhân không diễn ra tại quốc gia này.
New Zealand đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai |
Giáo dục định hướng nghề nghiệp là cấp thiết
Mỗi cá nhân là một tế bào của xã hội, cá nhân có định hướng đúng đắn thì xã hội mới phát triển vững mạnh. Với tầm nhìn này, Chính phủ New Zealand đã có những bước chuẩn bị về giáo dục định hướng nghề nghiệp từ rất sớm. Theo đó, quốc gia này không có sách giáo khoa cho bậc tiểu học, mà chính phủ cho phép giáo viên tự biên soạn giáo trình phù hợp với năng lực và sở thích của từng học sinh. Phương pháp giáo dục này đã giúp kích thích trí tò mò, trang bị kỹ năng tự khám phá bản thân và bồi dưỡng niềm đam mê học tập cho học sinh ngay từ nhỏ, giúp các em dần tự tìm ra định hướng của mình.
Nhận biết vai trò quan trọng của giáo viên trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, Chính phủ New Zealand đã đầu tư đến 40 triệu đô để nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên; đồng thời thu hút nhân tài trong ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) tham gia vào lĩnh vực giáo dục, giúp học sinh trang bị những kỹ năng quan trọng để ứng phó với môi trường lao động đang dần bị thay thế bởi robot và trí tuệ nhân tạo.
Tầm nhìn xa của giáo dục New Zealand còn thể hiện ở những cải cách mang tính chiến lược. Trong đó không thể không nhắc đến cú chuyển mình ngoạn mục vào năm 2002, khi chính phủ nước này quyết định thay đổi chương trình trung học truyền thống sang hệ thống chứng chỉ quốc gia NCEA (tương đương bằng tốt nghiệp THPT ở Việt Nam). Theo học NCEA, học sinh cấp 3 sẽ học dưới hình thức chọn tín chỉ, mỗi học kỳ các em chỉ phải học từ 5 – 6 môn. Ngoài 3 môn bắt buộc là toán, tiếng Anh và khoa học, còn lại học sinh được chọn những môn mang tính thực tiễn, phù hợp với sở thích, năng khiếu của mình.
Em Trương Khánh Linh (học sinh lớp 12 Trường Trung học Mount Albert Gammar) chia sẻ: “Ở New Zealand, dù chọn học nghề hay học ĐH đều được xem trọng như nhau. Vì vậy, các bạn học sinh đăng ký các môn tự chọn như nấu ăn, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang rất đông. Em thích nhất là học môn kinh doanh, vì em đã được tự tay thực hiện một dự án bán hàng thật sự. Với cách học thực tiễn này, em có thể dễ dàng tìm ra định hướng phù hợp với mình”.
Gia đình, nhà trường và doanh nghiệp cùng chung tay
Muốn người trẻ có một định hướng tốt, gia đình cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng. Theo chia sẻ của ông John Laxon (Giám đốc khu vực Nam Á, Đông Nam Á, Trung Á của Cơ quan giáo dục New Zealand – ENZ), việc định hướng nghề nghiệp tại xứ Kiwi là cuộc thảo luận bình đẳng giữa giáo viên, học sinh và phụ huynh. Vì vậy, muốn việc giáo dục định hướng có hiệu quả, phụ huynh phải phối hợp chặt chẽ cùng nhà trường. Đó là lý do Bộ Giáo dục đã thiết kế nhiều website để phụ huynh có thể giúp con học đọc, viết và làm toán. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ con có một cái nhìn đúng đắn về thị trường lao động, phụ huynh còn có một trợ lý đắc lực là phần mềm Outlook Occupation – ứng dụng cung cấp cho phụ huynh thông tin một cách toàn diện về triển vọng nghề nghiệp ở hầu hết các ngành nghề, bao gồm: thu nhập, tỉ lệ việc làm, gợi ý học tập…
Môi trường học tập đa trải nghiệm Không chỉ có gia đình, nhà trường, chính các doanh nghiệp New Zealand cũng chủ động bắt tay hỗ trợ học sinh trong việc định hướng tương lai. Bằng chứng là không ít các nhà lãnh đạo từ nhiều doanh nghiệp lớn đã nhận lời mời giảng dạy tại các cơ sở giáo dục trung học của New Zealand trong các môn học thực tiễn như: Kinh doanh, kế toán, quản trị khách sạn hay nấu ăn… Với việc được tiếp cận người thật, việc thật, được tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm thực tế, học sinh có được góc nhìn trực diện về ngành nghề mình chọn. Bằng mối quan hệ chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, hình thức giáo dục Gateway (hình thức mà học sinh cấp 3 được học nghề tại chính các doanh nghiệp 1 buổi/tuần) cũng chính thức được đưa vào chương trình NCEA. Theo đó, học sinh không chỉ được học lý thuyết mà còn được bắt tay vào làm việc thực tế ngay tại doanh nghiệp dù chỉ mới là học sinh cấp 3.
Định hướng giáo dục từ sớm cũng là bệ phóng vững chắc để New Zealand vươn lên vị trí số 1 thế giới về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai (theo báo cáo của Economist Intelligence Unit). Cộng thêm ưu thế về chất lượng sống, quốc gia này hiện nay trở thành điểm đến giáo dục lý tưởng của rất nhiều học sinh Việt Nam ngay từ THPT. Mọi thông tin chi tiết về giáo dục New Zealand xem tại: https://www.studyinnewzealand.govt.nz. |
Được khích lệ từ những chính sách thiết thực của chính phủ, các cơ sở giáo dục ở nước này cũng không ngừng đưa ra những sáng kiến thiết thực, góp phần giúp học sinh tìm ra định hướng đúng đắn. Một sáng kiến nổi bật có thể kể đến là Trung tâm hướng nghiệp NPGHS của Trường Trung học Nữ sinh New Plymouth – nơi giúp kết nối một học sinh với một người có chuyên môn trong lĩnh vực mà các em đang chọn. Với những lời khuyên hữu ích và các thông tin cụ thể về ngành nghề từ người đồng hành, học sinh sẽ dễ dàng đưa ra một quyết định chính xác cho tương lai.
Ngọc Thanh
Bình luận (0)