Từ cuối tháng 2 đến nay, nhiều ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động. Đặc biệt từ ngày 15-3, khi quyết định số 313 và 314 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực thì số lần các ngân hàng giảm lãi suất cũng tăng lên. Theo đó không ít ngân hàng có mức giảm tới hơn 2,5%/năm…
Nhân viên ngân hàng đang tư vấn cho khách hàng
Lãi suất từ 9%/năm trở thành hàng hiếm
Cuối năm 2022 và đầu năm 2023, mức lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng liên tục lập đỉnh. Thậm chí có một số ngân hàng có mức lãi suất huy động vượt 10%/năm. Mức lãi suất từ 9,5%/năm cũng không phải là ít, còn từ 9%/năm thì nhiều vô kể. Mức lãi suất có lợi cho người gửi này kéo dài đến đầu tháng 2-2023 thì bắt đầu giảm. Theo đó, các ngân hàng chia nhiều đợt để giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm/đợt.
Chị Dương Thị Hương (Q.4) cho biết: “Vợ chồng tôi đều là nhân viên Petrolimex nên chỉ gửi tiết kiệm ở Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank). Cuối tháng 11-2022, tôi gửi tại quầy với lãi suất 9,5%/năm/kỳ hạn 12 tháng. Đầu tháng 2-2023, tôi cũng gửi tại quầy với lãi suất 9,5%/năm/kỳ hạn 12 tháng, ngoài ra còn có tiền lì xì vì thời điểm đó là sau Tết. Ngày 22-3, khi tôi tới Phòng giao dịch PGBank ở Q.4 thì ghi nhận mức lãi suất giảm sâu – chỉ có 8%/năm/kỳ hạn 12 tháng. Một nhân viên tại đây cho biết, từ gần cuối tháng 2 đến nay, ngân hàng đã nhiều lần điều chỉnh hạ lãi suất huy động. Cụ thể với kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,5%/năm xuống 8,7%, 8,5%, 8,2% và từ ngày 22-3 là 8%/năm… Như vậy là chỉ trong vòng hơn 1 tháng mà PGBank giảm tới 2,5%/năm/kỳ hạn 12 tháng”.
Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng có mức giảm mạnh từ đầu tháng 2 đến nay. Cụ thể, ở kỳ hạn 12 tháng, hồi đầu tháng 2-2023, ngân hàng này có mức lãi suất huy động “khủng” – lên tới 11,1%/năm; đến ngày 10-2 thì giảm còn 9,45%/năm. Ngày 5-3, vẫn giữ mức lãi huy động này nhưng đến ngày 10-3 thì giảm còn 8,75%/năm và từ ngày 21-3 là 8,4%/năm. Như vậy là sau 1 tháng 20 ngày, NCB đã giảm 2,62%/năm/kỳ hạn 12 tháng.
PVcomBank cũng từng có mức lãi suất “khủng” cho kỳ hạn 15 tháng lên tới 12,8%/năm (đầu tháng 2-2023); kỳ hạn 12 tháng là 10,5%/năm. 10 ngày sau, ngày 10-2, kỳ hạn 12 tháng giảm 1%/năm còn 9,5%/năm. Đến ngày 13-3 thì mức lãi suất này đã không còn được áp dụng mà giảm còn 8,75%/năm; từ ngày 21-3 còn 8%/năm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 1-2, số ngân hàng có mức lãi suất từ 9,5%/năm/kỳ hạn 12 tháng rất nhiều như NCB – 11,1%, PVcomBank – 10,5%, SCB – 9,95%, Hong Leong – 9,6%, DongA Bank – 9,5%… Đến ngày 1-3 thì hầu như không còn ngân hàng nào có mức lãi suất hơn 9,5%/năm/kỳ hạn 12 tháng. Số ngân hàng có mức lãi suất 9,5%/năm còn rất ít như BAOVIET Bank, SCB, DongA Bank, PVcomBank, VietABank. Đến ngày 20-3 thì số ngân hàng có mức lãi suất từ 9%/năm bắt đầu giảm mạnh, chỉ có một số ít như SCB, OceanBank, BAOVIET Bank, VietABank – 9%/năm. Sau ngày 20-3 thì BAOVIET Bank còn 8,9%/năm, VietABank – 8,2%, ABBank từ 9,1%/năm (trước ngày 20-3) giảm còn 8,4%…
4 big bank (VietinBank, Agribank, Vietcombank, BIDV) cũng đồng loạt giảm lãi suất kéo dài từ trước Tết Nguyên đán là 7,4%/năm/kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2%/năm (áp dụng gửi tại quầy).
Xu hướng giảm lãi suất huy động của các ngân hàng sẽ còn tiếp tục trong những ngày sắp tới. Tuy nhiên, tùy từng phòng giao dịch mà mức lãi suất huy động có thể cao hơn so với niêm yết của toàn hệ thống. Chẳng hạn một phòng giao dịch của LienVietPostBank ở đường Nguyễn Thị Thập (Q.7) treo bảng lãi suất cao nhất tiền gửi VND là 9,3%/năm; hay như HDBank Phòng giao dịch Cách Mạng Tháng 8 (Q.1) treo biển lãi suất cao nhất 9,5%/năm…
Giảm lãi huy động để giảm lãi cho vay
Có thể nói, thời điểm 2 tháng cuối năm 2022 và tháng 1 năm 2023 là cuộc đua marathon về lãi suất huy động của các ngân hàng. Và đương nhiên lãi suất huy động cao thì lãi vay cũng cao. Theo đó những người vay tiền mua nhà, mua xe trả góp; các doanh nghiệp vay tiền để kinh doanh – sản xuất đều phải than trời.
Anh Đoàn Nguyên Khôi (Q.8) cho biết, năm 2019, vợ chồng anh vay ngân hàng mua căn hộ chung cư. 12 tháng đầu lãi suất ưu đãi chỉ có hơn 7%/năm, đến tháng thứ 13 thì phải trả theo lãi suất thả nổi.
“Vợ chồng tôi vay ngân hàng hồi tháng 6-2019 nên bắt đầu từ tháng 7-2020 là phải trả theo lãi suất thả nổi – hơn 11%. Thời gian đó công việc và thu nhập của 2 vợ chồng đều ổn định nên mỗi tháng bỏ ra hơn 10 triệu đồng trả ngân hàng cũng không phải là gánh nặng. Đến năm 2021 thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh, công việc của vợ tôi bị ảnh hưởng nặng. Mọi khoản chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào lương của tôi. Vì vậy việc trả lãi ngân hàng trở thành một gánh nặng. Đến cuối năm 2022, lãi vay tăng mạnh nên mỗi lần đến thời hạn đóng tiền lãi là hai vợ chồng lại mất ăn mất ngủ. Bây giờ lãi suất huy động đang giảm mạnh, tôi hy vọng lãi vay cũng được giảm để người vay như tôi bớt lo lắng”, anh Khôi tâm tư.
Lãi suất huy động của các ngân hàng đồng loạt giảm
Tháng 2 vừa qua, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và các doanh nghiệp, nhiều chủ doanh nghiệp đã bức xúc, với lãi suất vay cao ngất ngưởng, lời của các công ty chỉ đủ trả lãi cho ngân hàng, chẳng khác nào doanh nghiệp làm cho ngân hàng “ăn”…
Để lãi suất ngân hàng không còn là “lưỡi hái tử thần” đối với những người đi vay tiền kinh doanh – sản xuất, mua nhà…; gần đây nhất, ngày 14-3-2023, Ngân hàng Nhà nước đã có Quyết định số 313 /QĐ-NHNN. Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Cũng trong ngày 14-3, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 314/QĐ-NHNN. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ.
Kim Anh
Bình luận (0)