Chúng ta biết rằng, cải cách sách giáo khoa (SGK) là một chủ trương đúng đắn để đưa giáo dục Việt Nam phát triển và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thật kỹ để lựa chọn những kiến thức đưa vào SGK phải thỏa mãn là mới ở hiện tại và không lạc hậu trong tương lai; tuổi đời của SGK phải dài còn không thì tốn tiền nhiều lắm.
Học sinh lớp 12 ôn tập môn toán chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Y.Hoa |
Theo tôi, một chương trình gọi là phù hợp với từng đối tượng học sinh thì mỗi bài học cần chia ra hai phần. Phần 1 là kiến thức cần đạt được, phần 2 là kiến thức mở rộng; những học sinh trung bình và yếu chúng ta chỉ dạy phần 1, những học sinh khá giỏi ngoài phần 1 ta dạy thêm phần 2. Khi đó, dư luận xã hội không thể lên án là quá tải hay non tải và học sinh cũng thấy rõ chỗ đứng của mình trong SGK. Là một giáo viên trong nghề và chứng kiến nhiều lần cải cách, tôi có một số vấn đề chia sẻ về lần cải cách này như sau:
Vấn đề 1. Chương trình toán của lớp 1 và lớp 2 hiện nay, học sinh làm toán mà có lập luận để lý giải là quá tải đối với các em. Vì lứa tuổi này, đầu óc các em còn non nớt đọc chưa thông viết chưa thạo thì làm sao suy nghĩ những bài toán như vậy. Tôi đề xuất chương trình cải cách môn toán của lớp 1 và lớp 2 chỉ học hai phép toán “cộng và trừ”; trong đó, lớp 1 thì cộng trừ trong phạm vi từ 1 đến 20, còn lớp 2 thì được mở rộng hơn và cả hai khối lớp này làm toán không cần lập luận. Từ lớp 3 học thêm hai phép toán “nhân và chia” và trình bày lời giải bài toán có lập luận nhưng ở mức độ đơn giản. Đối với bậc tiểu học với phương châm mỗi ngày đến trường là một niềm vui. Do đó, cần chú trọng dạy học làm người; nêu những gương người tốt, việc tốt trong đời sống hàng ngày nhằm hướng thiện cho các em; giáo dục các em biết chấp hành Luật Giao thông và chú trọng rèn kỹ năng sống.
Vấn đề 2. Tôi nhận thấy, môn tiếng Anh đưa vào giảng dạy ở phổ thông trên 30 năm nhưng phần đông học sinh không nói được. Không nói được tiếng Anh làm sao chúng ta hội nhập với thế giới và làm sao đáp ứng được thời đại 4.0. Lần cải cách này, tôi kiến nghị từ lớp 4 đến lớp 7 không cần thiết phải học nhiều môn như trong dự thảo mà tăng cường học tiếng Anh. Học hết lớp 7 phải nói và viết thành thạo tiếng Anh. Từ lớp 8 trở đi các môn khoa học tự nhiên phải dạy học bằng tiếng Anh. Nếu làm được như vậy thì trong vòng 10 năm chúng ta có một xã hội nói tiếng Anh như các nước trong khu vực. Học sinh nói được tiếng Anh có nghĩa là chúng ta trao cho các em chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tri thức nhân loại; không nói được tiếng Anh thì có giỏi mấy cũng quay về “ta tắm ao ta mà thôi”.
Vấn đề 3. Thay vì phân ban sau khi học xong lớp 10 như dự thảo, tôi đề nghị chuyển sang hướng nghiệp. Chỉ 60% học lên lớp 11, lớp 12 vào ĐH; 40% còn lại đi học nghề để tham gia thị trường lao động. Những em học lực yếu dù học hết lớp 12 thì cũng đi học nghề mà thôi, chúng ta hướng cho các em đi học nghề sớm hơn để khỏi tốn tiền của cho phụ huynh. Nhà nước tăng cường hệ thống trường nghề, mỗi khu vực có một trường ĐH với mục đích đào tạo nghề. Ngành nghề đào tạo phải đạt chuẩn của khu vực và thế giới; thời gian đào tạo nghề ít nhất là 3 năm; cam kết đầu ra để phụ huynh yên tâm khi cho con vào học. Không cần phải phân ban mà học đều các môn như hiện nay là được, nếu phân ban mà làm không tốt sẽ dẫn đến xáo trộn đội ngũ giáo viên theo từng năm.
Vấn đề 4. Hiện nay, số lượng các bài kiểm tra định kỳ và thường xuyên của bậc THCS và bậc THPT là quá nhiều. Tuần nào cũng có bài kiểm tra nên học sinh suốt ngày vật lộn với thi cử dẫn đến áp lực. Song song với cải cách SGK thì ta cũng cải cách số lượng bài kiểm tra. Tôi đề nghị các môn có từ 3 tiết trở lên trong một tuần thì mỗi học kỳ là hai bài kiểm tra 1 tiết, hai bài 15 phút và một cột điểm miệng; các môn có 2 tiết trong một tuần thì mỗi học kỳ là một bài kiểm tra 1 tiết, một bài 15 phút và một cột điểm miệng; các môn có 1 tiết trong một tuần thì mỗi học kỳ là hai bài 15 phút và cột điểm miệng với tỷ lệ 2/3 của lớp. Hiện nay, học sinh quá lệ thuộc vào máy tính dẫn đến mất đi khả năng thao tác. Hôm nào, các em quên đem máy tính thì loay hoay trông giống như gà bị mắc thóc vì tính bằng tay không được. Do đó, tôi kiến nghị học sinh bậc THCS không cho dùng máy tính, bậc THPT cho dùng máy tính với chức năng đơn giản. Hãy nhìn vào đất nước Nhật Bản, nền giáo dục của họ hiện đại như vậy mà có cho học sinh dùng máy tính đâu.
Vấn đề 5. Chúng ta sống trong thời đại công nghệ thông tin và sắp bước vào công nghệ 4.0. Nhưng giáo viên gồng gánh bao nhiêu loại hồ sơ, sổ sách như thập niên 80 của thế kỷ trước. Cải cách SGK thì Bộ GD-ĐT cũng cải cách hồ sơ, sổ sách để giáo viên đỡ khổ. Tôi đề xuất bỏ sổ điểm lớn vì có điểm lưu trên phần mềm, bỏ học bạ truyền thống vì có học bạ điện tử cuối năm in ra đóng dấu giáp lai rồi ký xác nhận, bỏ sổ kế hoạch cá nhân vì đầu năm in để nộp mà có dùng đâu. Sổ chủ nhiệm nên tinh giản hơn vì có một số nội dung trùng lắp với các loại sổ khác. Hồ sơ thi THPT quốc gia còn nhiều nhiêu khê lắm, như: phải photo hộ khẩu, bằng nghề, bằng tốt nghiệp và các giấy tờ ưu tiên khác; trong khi những thứ này chỉ một bảng tổng hợp có xác nhận của hiệu trưởng là xong.
Bộ GD-ĐT hô hào giảm tải mà thi chương trình cả ba năm; phải chăng chúng ta quá nặng nề về thi cử mà quên nghĩ rằng học sinh học được gì và vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống như thế nào? |
Vấn đề 6. Thi THPT quốc gia với hai mục đích là công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường ĐH. Đây là chủ trương đúng đắn được toàn xã hội đồng thuận trong những năm qua. Tuy nhiên, do lấy kết quả của lớp 12 nên các trường nâng điểm học sinh cao ngất ngưởng, chỉ cần không bị điểm liệt là các em hiển nhiên đỗ tốt nghiệp. Bộ GD-ĐT cứ tưởng bài tổ hợp để học sinh khỏi học lệch nhưng thực tế các em vẫn học lệch bình thường; học sinh chỉ đầu tư cho các môn xét tuyển ĐH, các môn còn lại là điểm trung bình môn trong năm lo rồi; những ai đang ôn thi THPT quốc gia sẽ thấy rõ điều đó. Mặt khác, một số trường ĐH lo sợ không có nguồn tuyển lại chuyển sang hình thức xét tuyển bằng học bạ, một số trường ĐH khác lại có bài thi năng lực riêng, chỉ còn lại vài trường lấy kết quả thi THPT quốc gia dẫn đến kỳ thi chẳng có ý nghĩa gì. Do đó, tôi đề xuất hai hướng như sau: Hướng 1, trả kỳ thi THPT quốc gia về cho các sở GD-ĐT, mỗi sở ra một kỳ thi nhẹ nhàng để công nhận tốt nghiệp là xong. Khâu tuyển sinh thì giao cho các trường ĐH xét tuyển nhưng có sự giám sát của Bộ GD-ĐT. Hướng 2, vẫn duy trì kỳ thi THPT quốc gia như hiện nay nhưng chỉ ra trong phạm vi chương trình lớp 12 và kết quả năm học lớp 12 chiếm 25%, còn kết quả thi chiếm 75%. Thi theo hình thức trắc nghiệm với lộ trình năm nay có chương trình lớp 11 và sang năm có chương trình lớp 10. Tôi sợ học sinh học không nổi vì thi trắc nghiệm nên khó mà định lượng được câu hỏi của người ra, chỉ cần trong đề minh họa có 1 câu hỏi của lớp 10 và lớp 11 thì chúng tôi ôn cho học sinh cả một chương có liên quan đến câu hỏi đó. Dẫn đến học sinh học vất vả, còn thầy cô ôn thi cũng mệt theo. Những ai có con đang ôn thi THPT quốc gia và những ai đang trực tiếp ôn thi cho các em sẽ thấy rõ điều đó; Bộ GD-ĐT hô hào giảm tải mà thi chương trình cả ba năm; phải chăng chúng ta quá nặng nề về thi cử mà quên nghĩ rằng học sinh học được gì và vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống như thế nào? Để giáo viên có trọn hai tháng nghỉ hè thì kỳ thi THPT quốc gia nên tổ chức từ ngày 12 đến 15-6 hàng năm là hợp lý.
ThS. Nguyễn Quang Thi
(Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng)
Bình luận (0)