Ngày 7/3/1960, tàu sân bay Kearsarge của Mỹ đã cứu sống những người lính Xô Viết trôi dạt trong đại dương suốt 49 ngày mà không có thức ăn nước uống. Sự kiện này đã trở nên nổi tiếng thế giới, làm lu mờ hầu hết các dòng tin chính trị khi đó.
Tàu sân bay USS Kearsarge.
Tháng 1/1960, xà lan tự hành T-36 đã hoàn thành vai trò của một điểm trung chuyển nổi gần đảo Iturup, Nam Kuril. Con tàu này hoạt động ở tốc độ tối đa 9 hải lý/giờ, di chuyển khoảng 300 mét từ bờ biển để cung cấp đạn dược và thức ăn cho các tàu lớn không thể tiếp cận bờ đá của hòn đảo này.
Vào đêm 17 /1/1960, một cơn bão xuất hiện đã phá vỡ neo đậu của T-36 và cuốn phăng chiếc xà lan ra biển. Thủy thủ đoàn gồm 4 người đã không được cảnh báo về cơn bão cũng như không được cung cấp các khẩu phần ăn cần thiết trong 10 ngày.
Đối mặt với những con sóng cao tới 15 mét, tất cả các nỗ lực để trở về của T-36 đều không thành công. Thông điệp cuối cùng từ T-36 trước khi thiết bị radio bị phá hỏng là: “Chúng tôi lâm thảm họa, không thể về bờ được”.
Khi gió bão lặng xuống, cuộc tìm kiếm chiếc xà lan bị mất tích bắt đầu. Trên bờ, các mảnh vỡ từ T-36 đã được tìm thấy, khiến cho đội cứu hộ tin rằng xà lan đã bị đánh chìm. Người thân của những người lính mất tích được thông báo về cái chết của họ.
Trôi dạt trong đại dương
Một chiếc phà cùng loại với phà T-36. Ảnh: warhistory
Trong khi đó, cứ mỗi giờ, T-36 lại trôi xa hơn ra khỏi quần đảo Kuril về phía đông nam. Sau cùng, con tàu lọt vào dòng hải lưu nóng Kuroshio, mà ngư dân Nhật Bản gọi là “dòng hải lưu đen”. Do dòng hải lưu này chảy với tốc độ cao, lên đến hơn 120 km/ ngày, nên không có cá ở khu vực này.
Thủy thủ Askhat Ziganshin nhớ lại, “Chúng tôi đã không bắt được một con cá nào, vì dòng hải lưu quá mạnh”. Ngoài ra, T-36 giờ đã nằm trong khu vực mà Liên Xô đã lên kế hoạch thử tên lửa. Do vậy không có tàu nào khác xuất hiện trong khu vực nguy hiểm.
Vào ngày thứ hai, các thủy thủ thu gom tất cả các thực phẩm còn lại trong xà lan. Họ chỉ còn 15-16 thìa ngũ cốc, một ổ bánh mì, một hộp thịt, một ít khoai tây nhưng lại bị dính đầy dầu diesel. Nước ngọt chỉ có trong các hệ thống làm mát của động cơ, nhưng nó lẫn toàn bùn và gỉ.
Mặc dù ban đầu 4 anh lính chỉ ăn hai ngày một lần, toàn bộ thực phẩm vẫn nhanh chóng hết sạch. Mỗi thủy thủ sụt ít nhất 30 kg trước khi họ được giải cứu. Để "đánh lừa dạ dày" trong khi chờ đợi, Askhat Ziganshin nghĩ ra cách ăn những thứ gần như không thể ăn được như thắt lưng da, bốt, xà phòng và kem đánh răng.
Ziganshin giải thích: “Chúng tôi cắt nhỏ thắt lưng thành mì, và bắt đầu đun sôi thứ súp đó. Sau đó chúng tôi ăn cả dây đeo từ bộ đàm và bắt đầu tìm kiếm những món đồ da khác. Tôi tìm thấy vài đôi bốt. Nhưng chúng không dễ ăn, quá khó. Chúng tôi ủ chúng trong nước biển, sau đó cắt thành từng mảnh, ném vào lửa, nơi chúng biến thành thứ gì đó như than, và nó cũng được ăn hết. ”
Tàu USS Kearsarge vào năm 1965. Ảnh: warhistory
Vì trời lạnh, thủy thủ T-36 buộc phải ngủ chung trên một chiếc giường, ủ ấm cho nhau. Dù trong cảnh hoạn nạn, họ chưa bao giờ phá kỷ luật
Cứu hộ bất ngờ
Vào ngày 7/3/1960, vào ngày thứ 49 trôi dạt không kiểm soát được, chiếc xà lan được hãng tàu sân bay Kearsarge của Mỹ nhận thấy khi đang di chuyển từ Nhật Bản sang California.
Ziganshin nhớ lại, “Chúng tôi nằm kiệt sức trong buồng lái. Tôi nghe thấy tiếng động và đi ra ngoài để nhìn. Hóa ra là có một chiếc trực thăng trên đầu. Chúng tôi vẫn không hiểu đó là ai nhưng cố gắng giải thích rằng chúng tôi cần thức ăn, nhiên liệu và bản đồ. Chúng tôi có thể tự đi".
Hai lần máy bay trực thăng của Mỹ tìm cách đưa 4 thủy thủ lên, nhưng các binh sĩ Liên Xô từ chối vì lo sợ họ có thể bị coi là kẻ phản bội tại quê hương mình. Nhưng khi con tàu quay trở lại vào ngày hôm sau, họ quyết định lên tàu vì quá sợ hãi.
Trên tàu sân bay, những anh lính Liên Xô đã được cung cấp thực phẩm. Các thủy thủ Mỹ rất ngạc nhiên khi những người đàn ông đói khát duy trì khả năng tự kiểm soát và ăn rất ít – họ cảm thấy có thể chết nếu ăn quá nhiều. Ziganshin bất tỉnh trong khi đang tắm và không thức dậy trong 3 ngày.
Sau này anh kể lại: “Trong những ngày đầu tiên sau khi giải cứu, tôi nghiêm túc nghĩ đến việc tự sát. Nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi muốn lao ra bỏ thân, hoặc treo cổ lên đường ống".
Những người lính Xô Viết được giải cứu cuối cùng được đưa đến San Francisco, nơi họ được trao quần áo dân sự, tham gia họp báo và trả lời nhiều cuộc phỏng vấn. Mỗi người còn được tặng 100 đô la để đi thăm thú thành phố.
Bốn thủy thủ Liên Xô sau khi trở về quê hương.
Tất cả những người được giải cứu đều được đề nghị cấp tị nạn chính trị, nhưng họ từ chối. Sau đó, họ được đưa đến New York và từ đây trở về châu Âu trên con tàu Queen Mary.
Trở về Liên Xô, 4 thủy thủ được vinh danh như những người anh hùng và tham dự một buổi đón mừng có sự tham gia của Tổng bí thư Nikita Khrushchev và Bộ trưởng Quốc phòng Rodion Malinovsky.
Thu Hằng/Báo Tin tức
Bình luận (0)