Số đông trẻ nhỏ vẫn chơi Facebook bằng cách khai tuổi lớn hơn, do chúng có nhu cầu giao tiếp, tìm hiểu thế giới mạnh mẽ trong khi cha mẹ thường bận bịu và để trẻ cô đơn trong nhà.
Chuyện này thật phổ biến trên thế giới mạng: bạn đăng một tấm hình vui vẻ, viết một câu vô thưởng vô phạt. Thế rồi có vài ba người nhảy vào bình luận ác ý hoặc chê bai, bới móc, hoặc quy chụp. Thậm chí, người vốn sẵn tị hiềm sẽ đặt điều nói xấu bạn, đe dọa cho bạn “sáng chói” với dẫn chứng suy diễn, lắp ghép từ những gì bạn đăng tải… Bạn vững vàng đến mấy thì tinh thần, cảm xúc cũng bị ảnh hưởng. Mệt mỏi, bực bội, lo lắng, sợ hãi…
Tôi có cô cháu gái xinh đẹp, học giỏi, là hoa khôi của trường, cháu đâu biết mình có biết bao bạn cùng trang lứa ngấm ngầm ganh ghét. Trang Facebook của cô bé cả ngàn người theo dõi. Rồi trên mạng, tình cờ cháu quen một anh chàng họa sĩ đẹp trai, thường trao đổi, đùa giỡn, ca ngợi lẫn nhau. Có lần anh ta nói rất muốn được vẽ chân dung của bé…
Thế rồi một ngày, cháu tôi nhận được hàng chục tin nhắn với những bức hình khỏa thân anh họa sĩ vẽ cháu. Tất nhiên là hình ghép, song những tin nhắn, bình luận chửi mắng, phỉ báng, đặt điều ào ào. Có kẻ còn kêu gọi đám đông đưa chuyện này lên ban giám hiệu. Cháu tôi không kịp tỉnh trí để xử lý vấn đề, cũng không tin vào những lời động viên của bạn bè nên uống thuốc tự tử. May mà gia đình phát hiện và cứu kịp thời.
Trang Facebook yêu cầu trẻ trên 13 tuổi mới được đăng ký tài khoản, để ngăn con trẻ bước vào “xã hội mạng” quá sớm, khi chưa có đủ hiểu biết và bản lĩnh để chọn lọc thông tin từ thế giới bên ngoài. Nhưng thực tế, số đông trẻ nhỏ vẫn chơi Facebook bằng cách khai tuổi lớn hơn, do chúng có nhu cầu giao tiếp, tìm hiểu thế giới mạnh mẽ trong khi cha mẹ thường bận bịu và để trẻ cô đơn trong nhà. Từ cô đơn trong nhà, chúng trượt sang “cô đơn trên mạng”. Thế giới mạng đông đúc đó, bạn bè đó, nhóm này nhóm kia đó, nhưng khi có sự cố, bất cứ ai cũng có thể thành miếng mồi cho các “anh hùng bàn phím” cắn xé.
Vậy nên, chỉ còn một cách: cha mẹ đừng để con trẻ cô đơn dù trong nhà hay trên mạng, bởi biết đâu có một ngày “tai họa mạng” bỗng đâu ập xuống đầu chúng.
Chị Thu Hòa (giảng viên Trường đại học Bách khoa, TP.HCM): Đừng can thiệp thô bạo vào Facebook con Tôi có hai con trai. Để cho phép các cháu dùng Facebook, chính tôi cũng phải bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu và “chơi” Facebook. Tôi làm ngành hóa thực phẩm nên đã tham gia vào một nhóm làm bánh trên mạng. Trong nhóm, có cô bé kia lấy hình bánh của người khác khoe và bị bạn bè bóc mẽ. Các thành viên lại xúm vào ném đá, sỉ nhục bé rất kinh khủng. Sinh viên trường tôi cũng vậy. Có khi vài câu nói vui, khích bác nhau, thế mà thành chuyện lôi nhau ra ngoài đánh lộn cả nhóm. Lúc đầu các con không kết bạn với tôi vì muốn có không gian riêng. Tôi đã phải thuyết phục cháu bằng sự tôn trọng và chia sẻ những điều hay tôi tìm được từ thế giới mạng. Bây giờ, tôi yên tâm phần nào vì ngay trên Facebook chúng tôi cũng bên cạnh nhau, có cha mẹ, có anh em… Tôi nghĩ cha mẹ đừng can thiệp thô bạo, chỉ nên tìm cách lắng nghe, sẵn sàng lắng nghe thôi. |
Chị Lan Hương (hẻm 24 đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM): Trẻ nói chuyện ngoài sức tưởng tượng của người lớn Ở trường học của con gái tôi, đường truyền internet không giới hạn, học sinh được mang theo điện thoại, máy tính bảng tới trường. Mạng xã hội nguy hiểm vì mọi thông tin trên đó phát tán rất nhanh. Nếu có gì xảy ra với con cái mà cha mẹ không kịp thời nắm bắt sẽ rất nguy hiểm. Tôi quản lý Facebook của con, một vài lần bước bào thế giới của bọn trẻ, tôi thật sợ hãi. Chúng bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, chuyện của người lớn. Chúng nói những chuyện vượt qua hình dung của mình, văng tục, chửi thề rất kinh khủng. Chính những điều đó khiến tối hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình với con. |
Thúy Trâm/Phunuonline
Bình luận (0)