Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Ý nghĩa từ một câu hát ru

Tạp Chí Giáo Dục

Người Nam bộ có bài ca dao khá hay, nói về nỗi lòng của người con với mẹ: “Má ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ”. Tương tự như thế, người miền Trung cũng có bài hát mà tôi từng được mẹ ru từ nhỏ: “Mẹ ơi đừng đánh con đau/ Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ/ Bắt ốc, ốc nhảy lên bờ/ Hái rau, rau héo, mẹ nhờ chi con”. Đây có thể là hiện tượng “dị bản” – một đặc trưng tiêu biểu của ca dao Việt Nam, bởi vì cả hai bài đều na ná giống nhau. Nhưng xét về nội dung và cấu tạo thì bài sau dài hơn hai câu, và gần với hình thức của một bài ca dao đối đáp giữa người con và mẹ. Cái thú vị của hai bài ca dao là ở chỗ, dù là lời của người con (bài 1), hay là lời của con và mẹ (bài 2), thì nó đều là hiện tượng “phân thân” của người mẹ (người ru), người mẹ đã “nhập vai” vào lời hát để hát ru con, để nói thay “tiếng lòng” của con. Trong lời hát, người con như tự thấy mình có lỗi với mẹ và van nài mẹ đừng đánh con đau nữa, để con “lập công, chuộc lỗi” với mẹ bằng những việc làm dù nhỏ nhặt nhưng rất thiết thực, rất đặc trưng của đời sống thôn quê trước đây.

Xét về ý nghĩa của lời van nài, có thể thấy người con ở đây chưa thật sự đã lớn, đã trưởng thành, song cũng không còn vụng dại nữa, chí ít là trong suy nghĩ của chính bản thân mình. Đây được xem là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm của một đứa trẻ: cái tuổi dở dở ương ương, chưa thật chín chắn, không làm gì nên việc, bạ đâu hư đó, nhưng bao giờ cũng muốn tỏ ra hăng hái, nhiệt tình. Chính vì vậy mà trong lời ru của người mẹ đã hàm theo cả ý nghĩa vừa răn đe, vừa cảm thông, thấu hiểu; vừa muốn phủ nhận sự trưởng thành “chín non” của con, chỉ cho con thấy rằng con hãy còn nhỏ, con cần phải cố gắng nhiều hơn; vừa trân trọng sự cố gắng, khuyến khích con trưởng thành nhiều hơn.  

Điều đáng bàn là, hiện nay có nhiều cha mẹ quá cực đoan trong việc giáo dục con cái: hoặc là quá khắt khe, độc đoán với con, không muốn và không thấy được sự cố gắng trưởng thành của con. Vì thế dễ tạo ra mâu thuẫn, xung khắc với con; hoặc là có thái độ bỏ mặc, thiếu khuyên răn, uốn nắn một cách khéo léo, khôn ngoan. Vì thế trẻ dễ bị hư hỏng, dễ bị “chín háp”…

Chính vì thế mà lời ru của bài ca dao trên là sự đa nghĩa, mang vẻ đẹp tinh tế, giàu nhân bản, và còn nguyên tính thời sự về ý nghĩa giáo dục cho các bậc phụ huynh ngày hôm nay.

Trn Nhân Trung

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)