Là biến chứng thường gặp của bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp nếu không được phát hiện kịp thời thì sẽ dẫn đến những cái chết không được báo trước. Vì thế cấp cứu kịp thời bệnh nhồi máu cơ tim sẽ cứu được mạng sống cho con người dù đó là nhồi máu cơ tim cấp.
BS đang hướng dẫn các kỹ năng cấp cứu nhồi máu cơ tim tại nhà |
Theo BS.CK1 Đỗ Thành Long – Viện Tim TP.HCM, thời gian cho phép của việc cấp cứu khẩn cấp bệnh nhồi máu cơ tim nằm trong khoảng thời gian dưới 12 tiếng đồng hồ trở lại. Nếu vượt quá thời gian đó việc chữa trị bệnh nhân nhồi máu cơ tim hầu như không mang lại kết quả khả quan nào.
Cái chết luôn đến gần
Về triệu chứng, BS Đỗ Thành Long cho biết, khi con người bị nhồi máu cơ tim cấp thì thường có triệu chứng trung thành hay còn gọi là triệu chứng phổ biến là những cơn đau thắt ngực. Đó là những cơn đau tưởng như không chịu nổi vùng giữa tim hay bên trái ngực. Ông Trần Xuân Khải, 78 tuổi ngụ ở P.Phú Trung, Q.Tân Phú vẫn còn nhớ mãi cơn nhồi máu cơ tim cấp cách đây 3 năm khi đi thăm nhà người quen ở TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng: “Trước đây tôi cũng đã có đôi lần bị đau nhói ở ngực nhưng chưa đến mức đau thắt như hôm đó. Dù đang ngồi trên ghế nhưng tôi có cảm giác một vật gì rất nặng đè lên người, ép chặt ngực làm cho mình thở không được vì có cảm giác tim đập rất nhanh không bình thường chút nào. Sau vài phút có cảm giác cái chết gần như đến nơi rồi phải nằm vật xuống”. Theo lời kể của ông Khải, nếu lúc đó người nhà không phát hiện kịp thời và đưa nhanh vào BV thì ông khó mà qua khỏi cơn nhồi máu cơ tim đột xuất này. BS Đỗ Thành Long cho biết, nguyên nhân chủ yếu nhồi máu cơ tim là xơ vữa động mạch vành. Mảng xơ vữa làm giảm khẩu kính lòng mạch và dần dần gây tắc mạch. Nguy hiểm hơn, mảng xơ vữa có thể không phát triển từ từ mà nứt, vỡ đột ngột, khi đó quá trình hình thành cục huyết khối được khởi động. Cục máu đông có thể hình thành ngay nơi đó gây tắc đột ngột động mạch vành.
Theo BS Long, tuổi thọ của mạch máu chỉ có khoảng 70 năm do cơ thể bị lão hóa vì thế bệnh nhồi máu cơ tim thường tập trung ở những người cao tuổi với tỷ lệ cao. Tuy nhiên hiện nay do cuộc sống hiện đại, nhiều bạn trẻ cũng đã trở thành bệnh nhân của bệnh nhồi máu cơ tim mà nguyên nhân chính là do stress, béo phì, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích hay chất gây nghiện… Hầu hết ở những người trẻ rất ít khi có triệu chứng nhận biết nên họ thường chủ quan vì thế không ít trường hợp đã “bất đắc kỳ tử” ở độ tuổi dưới 50 hoặc dưới 40 tuổi.
Mạng sống tính từng giờ
Việc cấp cứu nhồi máu cơ tim được tính từng giờ từng phút vì càng sớm thì càng dễ phục hồi mạch máu cơ tim hơn.
Như vậy việc cấp cứu nhồi máu cơ tim tại nhà cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc cấp cứu người bệnh. Đây là một trong những kỹ năng vô cùng quan trọng mà mỗi người nhà của bệnh nhân đều nên biết. Khi bệnh nhân gặp cơn nhồi máu cơ tim nếu không được cấp cứu nhanh và hiệu quả sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc các di chứng nghiêm trọng. Trước hết, người có tiền sử bệnh tim hoặc có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim nên tuân thủ đều đặn đơn thuốc mà bác sĩ đã kê để giảm thiểu các triệu chứng cũng như các biến chứng của bệnh nhồi máu cơ tim, đồng thời hạn chế các đợt nhồi máu cơ tim tái phát.
Khi bệnh nhân có những dấu hiệu nhận biết nhồi máu cơ tim như đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi, chóng mặt, lạnh chân tay…, người nhà cần gọi ngay xe cấp cứu và khẩn trương đưa bệnh nhân đến BV càng sớm càng tốt. Trong lúc chờ đợi xe cấp cứu đến, nên cho bệnh nhân dùng ngay thuốc nitroglycerin bằng phương pháp đặt dưới lưỡi bệnh nhân, giữ bệnh nhân ở trạng thái nửa nằm, nửa ngồi. Lưu ý, cần gọi xe cứu thương chuyên dụng như “cấp cứu báo động đỏ” cấp cứu 24/24 để bệnh nhân có thể được thở ôxy, truyền tĩnh mạch, làm điện tim và có thể bắt đầu điều trị ngay trên xe. Cách cấp cứu nhồi máu cơ tim bằng ép tim ngoài lồng ngực cho bệnh nhân trong thời gian chờ đợi xe cứu thương đến: biện pháp này đòi hỏi người thực hiện phải làm đúng thao tác như sau: bệnh nhân được để nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, người thực hiện ép tim quỳ gối bên trái người bệnh. Khi bắt đầu tiến hành ép tim, hai bàn tay người hỗ trợ chồng lên nhau rồi để trước tim bệnh nhân, ở khoang liên sườn 4-5 bên ngực trái, từ từ ấn sâu xuống khoảng 1/3 cho đến một nửa bề dày lồng ngực, rồi nới lỏng tay ra. Thực hiện động tác này liên tục 60 lần/phút. Sau đó người nhà có thể hô hấp nhân tạo nhằm giúp cho bệnh nhân được thở trở lại. Để nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí, nới rộng quần áo, kê đệm dưới cổ cho đầu hơi ngửa ra sau để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đường thở. Đẩy đầu bệnh nhân về phía sau, nâng hai cằm lên cho hai hàm răng gần như chạm nhau đồng thời lắng nghe hơi thở nạn nhân. Sau đó bịt mũi nạn nhân, dùng miệng ngậm kín miệng nạn nhân và thở hai hơi liên tiếp vào miệng nạn nhân. “Có như vậy không khí ở bên ngoài mới đi vào phổi và không khí ở bên trong được thoát ra ngoài thay thế cho hô hấp tự nhiên của bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim cấp trong thời gian khẩn cấp đưa họ đến BV” – BS Long trao đổi.
Bài, ảnh: Phương Đăng
Bình luận (0)