Song song với việc ổn định dạy và học, các trường học ở TP.HCM đang tăng cường phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an TP.HCM tổ chức tập huấn về PCCC và CHCN cho đội ngũ giáo viên và nhân viên nhằm góp phần đảm bảo các điều kiện an toàn trong các cơ sở giáo dục.
Giáo viên Trường THCS Đức Trí (quận 1) tham gia tập huấn về PCCC
Tuyên truyền phù hợp với từng cấp học
Đề cập đến công tác tuyên truyền PCCC ở trường học, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.HCM nhắc lại sự cố vào ngày 9-8-2019 tại xã Duy Minh (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Đó là việc cô giáo Trường Mầm non tư thục Tuổi Thơ trong giờ dạy về kỹ năng phòng chống cháy nổ đã dùng cồn đổ vào trong mâm làm giáo cụ, rồi châm lửa để dạy trẻ cách dập lửa. Không may gió thổi tạt cồn đang cháy vào 3 cháu nhỏ khiến các em bị bỏng nặng phải nhập viện cấp cứu. Theo nhận định của cơ quan chức năng, việc “tập huấn” PCCC của nữ giáo viên là không phù hợp khi chọn giáo án từ các phương tiện truyền thông không chính thống; không có sự hướng dẫn, giám sát của cơ quan chức năng để hướng dẫn kỹ năng phòng chống cháy nổ nên làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh.
Thượng tá Huỳnh Quang Tâm (Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an TP.HCM) khuyến cáo, đối với học sinh mầm non, cô giáo chỉ nên dạy trẻ tránh xa những vật dụng có thể cháy nổ, nhận biết tác dụng của lửa, dấu hiệu khi có cháy. Đồng thời, giáo viên cần hướng dẫn các em kỹ năng thoát hiểm khi có cháy nổ, tuyệt đối không dạy cách chống cháy nổ theo cách của cô giáo ở cơ sở mầm non tư thục Tuổi Thơ. Đây cũng là hồi chuông báo động về việc nâng cao ý thức đảm bảo an toàn PCCC đối với cán bộ, công nhân viên tại các cơ sở giáo dục nhằm tránh những sự cố đáng tiếc tương tự.
Để đảm bảo an toàn, công tác tuyên truyền PCCC cần được thực hiện bởi cơ quan chức năng chuyên ngành mà ở đây là lực lượng PCCC ở các địa phương. Theo đó, để thực hiện công tác này, đòi hỏi người báo cáo viên phải là người am hiểu kiến thức về PCCC và CNCH, hiểu và nắm bắt tâm lý học sinh để chủ động trong mọi tình huống phát sinh xảy ra.
Quán triệt tinh thần này, nên hoạt động tuyên truyền phòng chống cháy nổ tại các trường học ở TP.HCM luôn có sự hướng dẫn và giám sát của các chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH. Trong đó ở khối mầm non, các giáo viên và nhân viên được tập huấn các kiến thức căn bản và thực hành về PCCC và CNCH, trong đó chú trọng kỹ năng thoát hiểm cho học sinh và người lớn, kỹ năng dập tắt đám cháy khi có đám cháy xảy ra trong trường học, kỹ năng sử dụng gas an toàn, cách xử lý rò rỉ gas… Tương tự ở khối THCS, đội ngũ giáo viên và nhân viên Trường THCS Đức Trí (quận 1) đã tích cực tham gia chương trình tập huấn các kỹ năng PCCC và CNCH, thực hành kỹ năng sử dụng các dụng cụ chữa cháy, thực hành chữa cháy bằng bình chữa cháy và vòi phun nước ngay tại sân trường. Ở khối THPT, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) cũng đã tổ chức chương trình tập huấn cho toàn thể giáo viên, nhân viên nhà trường. Tại buổi tập huấn, chiến sĩ Đỗ Tấn Tài (Đội cảnh sát PCCC và CNCH quận 5) đã hướng dẫn nguyên tắc PCCC và CNCH; nguyên nhân gây cháy; cách kiểm tra an toàn PCCC tại cơ sở; các biện pháp phòng cháy; các bước xử lý khi xảy ra cháy nổ; kỹ năng thoát nạn trong đám cháy. Sau phần tập huấn lý thuyết, các chiến sĩ đã hướng dẫn cho giáo viên và nhân viên thực hành những kỹ năng PCCC căn bản, kỹ thuật buộc dây thoát hiểm, cách thoát hiểm an toàn…
Chủ động PCCC là tiêu chí hàng đầu
Bên cạnh công tác tập huấn PCCC tại trường học, thì ký túc xá cũng là cơ sở rất quan tâm đến công tác này. Đó là lý do Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận 5 phối hợp với Trường Đại học Y Dược TP.HCM tổ chức tuyên truyền và thực hành kỹ năng PCCC và CNCH cho gần 250 cán bộ quản lý, sinh viên tại ký túc xá của trường (số 540 Ngô Gia Tự, phường 9, quận 5). Nội dung tập huấn gồm các nguyên nhân gây cháy và giải pháp đề phòng; việc chấp hành các nội quy PCCC; tiêu lệnh chữa cháy; kỹ năng thoát nạn khi có cháy nổ… Theo ông Nguyễn Hữu Thái (Giám đốc ký túc xá), trong năm 2017, ký túc xá Trường Đại học Y Dược TP.HCM đã từng xảy ra cháy. Mặc dù lửa được dập tắt kịp thời, nhưng đây cũng là bài học lớn của trường. Vì vậy, ban quản lý mong muốn mỗi cán bộ quản lý và sinh viên là một “chiến sĩ PCCC” bằng các việc làm thiết thực, nâng cao ý thức phòng ngừa hỏa hoạn và đủ năng lực để xử lý nếu có sự cố xảy ra.
Chiến sĩ Đỗ Tấn Tài lưu ý, khi cháy nổ xảy ra, những người tiếp cận đầu tiên là lực lượng cơ sở, nên kỹ năng và kinh nghiệm PCCC và CNCH sẽ giúp giảm thiểu tổn thất vật chất và nhất là về con người. Tại Việt Nam, việc phổ cập kiến thức, kỹ năng PCCC đã được quy định cụ thể tại Điều 2a của Luật Phòng cháy và chữa cháy Số 40/2013/QH13 ngày 22-11-2013: “Cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về PCCC vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng ngành học, cấp học”. Tương tự, Nghị định 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 của Chính phủ quy định: “Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về PCCC để lồng ghép vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường và cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng cấp học, ngành học”. Do đó, công tác giáo dục, tuyên truyền về PCCC thường xuyên được cơ quan chức năng và các cơ sở giáo dục phối hợp triển khai thông qua các chương trình tập huấn, ngoại khóa vào đầu năm học, chương trình “Học kỳ PCCC và CNCH”, chương trình “Một ngày làm lính cứu hỏa” trong các dịp hè. Để đẩy mạnh công tác này một cách rộng khắp, Công an TP.HCM yêu cầu công an các quận huyện tiếp tục tăng cường tổ chức tập huấn, trang bị kỹ năng PCCC và CNCH cho người dân, trong đó chú trọng các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động…
Vũ Phương
Bình luận (0)