Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang dần về đích, đem lại nhiều triển vọng cho giao thông đô thị của TPHCM. Còn tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) đang được cơ quan chức năng quyết liệt giải phóng mặt bằng (GPMB) để dự án (DA) có thể khởi công vào năm 2021.
Người dân vui vẻ chấp thuận
Những ngày qua, tại đường Trường Chinh và Cách Mạng Tháng Tám, nhất là khu vực gần ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), người dân tất bật tháo dỡ nhà để bàn giao mặt bằng cho DA metro số 2. Người dân ở đây cho biết, sau khi được thống nhất về phương án bồi thường, địa phương vận động để dân tháo dỡ kiến trúc, nhà cửa. Nhận bồi thường, nhiều hộ dân bàn giao mặt bằng, tu sửa nhà cửa và ổn định cuộc sống.
Gia đình ông Trần Văn Hiền (57 tuổi, quê Quảng Nam) ngụ đường Trường Chinh (phường 11, quận Tân Bình) đã lâu, căn nhà rộng 4m. Thi công tuyến metro số 2, nhà của ông Hiền bị “gọt” mất 10m chiều dài, còn lại 120m2. Với chủ trương lớn của Nhà nước, gia đình ông vui vẻ chấp thuận phương án bồi thường của địa phương.
Ông Trần Văn Hiền chia sẻ: “Dù giá bồi thường không cao như giá thị trường, nhưng tôi đồng tình. Sẵn tiền bồi thường, gia đình chỉnh trang lại căn nhà cho khang trang, sạch đẹp để kinh doanh. Để phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông của thành phố, người dân chúng tôi sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác GPMB”.
Người dân quận Tân Bình chỉnh trang nhà cửa sau khi giao mặt bằng để triển khai dự án metro số 2
Bà Đặng Thị Thịnh (84 tuổi) đã gắn bó với ngôi nhà ở cạnh hẻm 927 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 4, quận Tân Bình) từ năm 1956. Giờ phải tháo dỡ phân nửa ngôi nhà để giao mặt bằng, bà Thịnh cũng thấy buồn.
Bà Thịnh tâm sự: “60 năm trước, con đường trước nhà chỉ toàn xe ngựa và xe thô sơ lưu thông. Giờ, người dân nhường mặt tiền để Nhà nước thi công đường sắt đô thị, giúp đi lại thông suốt, chúng tôi thấy sự chia sẻ của mình rất ý nghĩa”.
Những ngày này, người lưu thông trên tuyến đường Trường Chinh và Cách Mạng Tháng Tám kéo dài hàng kilômét, sẽ dễ dàng bắt gặp hàng trăm nhà dân đã đồng loạt tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Hàng loạt xe tải nhỏ, xe ba gác ngược xuôi chở xà bần làm sạch mặt bằng, chuẩn bị thi công DA. Một số hộ cũng tiến hành chỉnh trang nhà cửa để ổn định cuộc sống.
Ý nghĩa lớn của sự đồng thuận
Theo ghi nhận, công tác bàn giao mặt bằng để thi công DA metro số 2 đã được tiến hành từ đầu năm nay. Từ tháng 9 đến nay, nhờ sự quyết liệt của các cơ quan chức năng nên việc bàn giao được đẩy nhanh tiến độ. Quận Tân Bình là một trong các quận tích cực triển khai bồi thường và bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR).
Theo ông Nguyễn Tấn Tài, Trưởng ban Bồi thường GPMB quận Tân Bình, toàn quận có 324/356 hộ thuộc diện phải di dời, cơ bản mọi người đều đồng thuận với phương án đền bù mà thành phố đưa ra. DA metro số 2 đi qua địa bàn quận có 6 nhà ga, trong đó 2 nhà ga (ga Phạm Văn Bạch và ga S10) đã bàn giao mặt bằng trong tháng 6; 4 nhà ga còn lại (S7 – Nguyễn Hồng Đào, S8 – Nguyễn Thượng Hiền, S9 – Bà Quẹo và S6 – Phạm Văn Hai), dự kiến sẽ bàn giao 100% mặt bằng trong quý 4-2020.
Theo các chuyên gia đô thị, sau khi các tuyến metro hình thành, giá trị về kinh tế lẫn tiện ích kèm theo sẽ được nâng cao hơn, khi đó đối tượng thụ hưởng đầu tiên chính là người dân sinh sống tại khu vực đó. Việc hợp tác để DA sớm hoàn thành và đi vào hoạt động cũng là cách để tự nâng cao giá trị tài sản của chính gia đình mình. Không chỉ vậy, nó cũng góp phần hình thành nên một đô thị khang trang, hiện đại hơn.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia về kiến trúc và quy hoạch đô thị nhận định, năm 2020 là năm TPHCM dồn lực để đưa DA metro hoàn thành đúng kế hoạch. TPHCM đang phát triển rất mạnh, mật độ lưu thông của các phương tiện giao thông ngày càng cao, việc sớm hoàn thiện các tuyến metro kết nối với nhau mang ý nghĩa rất quan trọng.
Với những gì đang diễn ra tại DA metro số 2 đã chỉ ra một phương án khả thi cho giai đoạn sau của DA này và nhiều dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khác. Đó là sự vào cuộc sát sao, liên tục từ lãnh đạo Thành ủy TPHCM, UBND TPHCM, chính quyền các cấp và các cơ quan hữu quan, kịp thời tháo gỡ các thủ tục hành chính. Đó còn là quá trình làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm từ các đơn vị chuyên môn liên quan trong công tác thẩm định giá trị, bồi thường và quan trọng nhất là đặt mình vào vị trí của người dân bị ảnh hưởng để đưa ra những quyết sách có lợi nhất cho dân.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, thuộc MAUR cho biết, công tác bồi thường, GPMB tuyến metro số 2 cơ bản hoàn tất thủ tục bồi thường, đạt khoảng 97%, trong đó các quận Tân Bình, Tân Phú, quận 1… đã đạt 100%. Rút kinh nghiệm từ DA metro số 1, khi chưa hoàn thành GPMB đã khởi công dẫn đến phát sinh chi phí rất lớn. Với DA metro số 2, thành phố chủ trương phải hoàn thành GPMB trước khi giao đất cho nhà thầu. Hy vọng, với sự đồng thuận cao của người dân, công tác GPMB cho tuyến metro số 2 sẽ sớm hoàn tất cuối năm 2020.
|
ĐỨC TRUNG (theo SGGP)
Bình luận (0)