Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bảo chứng cho đường dài

Tạp Chí Giáo Dục

Khoảng thời gian này, các em học sinh lớp 12 và gia đình đang từng ngày băn khoăn với câu chuyện chọn lựa nghề nghiệp tương lai. Một trong những câu hỏi được đặt ra là: Với bối cảnh thị trường lao động như hiện tại, có còn cần học đại học hay không? Bài viết này, trên quan điểm cá nhân của một người trực tiếp tham gia giảng dạy đại học nhiều năm, trình bày một số lập luận ủng hộ việc nên học đại học. Tất nhiên, tùy vào sở trường, năng lực, niềm yêu mến, hoàn cảnh gia đình của từng cá nhân người học, và tùy vào đặc thù, tính chất của mỗi lĩnh vực nghề nghiệp mà chúng ta có thể đưa ra câu trả lời khác nhau cho câu hỏi “Có cần học đại học không?”. Tuy vậy, dù muốn dù không, học đại học, với thời điểm hiện nay, trong số đông trường hợp vẫn là bảo chứng cho đường dài phát triển của tương lai mỗi người. Nếu bước vào đời với bậc học nghề, hoặc cao đẳng, trong tương lai chúng ta rất có thể phải đứng trước áp lực bắt buộc phải học liên thông đại học, thậm chí sau đại học để đảm bảo yêu cầu cần thiết của công việc, của quá trình thăng tiến nghề nghiệp, hay có khi chỉ để không bị… đào thải khỏi thị trường lao động. Nhưng khi ấy, việc học tất yếu trở nên khó khăn gấp bội, phần vì có thể vướng bận gia đình (vợ chồng, con cái…), phần vì sức học, sự tiếp thu kiến thức của não bộ đã không còn giữ được tính nhanh nhạy như thời xuân trẻ khi vừa mười tám, đôi mươi. Thêm nữa, trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhất là sự tiến bộ như vũ bão của khoa học kỹ thuật đang làm tốc độ thay đổi của cuộc sống thêm phần kịch tính, thì áp lực nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cấp bản thân càng trở nên bức thiết, khó lòng tránh khỏi. Đứng yên tại chỗ cũng chính là chúng ta đang thụt lùi. Vậy nên, vạch xuất phát của hành trình vào đời rất cần khởi động ở vị trí ưu tú nhất có thể. Lùi một bậc học ngay từ đầu, là lùi nhiều quãng dài trong hành trình về sau. Mặt khác, học đại học cũng cung cấp cho người học nền tảng vững vàng để dễ dàng phát huy sự tự học, tinh thần phản biện, óc tư duy logic, tâm thế tự tin với cuộc sống. Trong khi đó, chương trình đào tạo của học nghề, học cao đẳng thường tập trung ngay vào khâu thực hành, thực tiễn, mà đôi khi hạn chế tầm quan trọng của lý thuyết, của tư duy nền tảng. Học nghề, học cao đẳng ưu điểm là ra trường sớm, nhanh chóng có thu nhập cao, nhưng đồng thời cũng là nhược điểm, nhanh mà đôi khi khó bền vững.

Nói lời rẽ bước với con đường đại học, dường như chỉ khi chúng ta vướng víu những nỗi niềm về gia cảnh hoặc tài chính không đủ khả năng chu toàn. Còn thì, nếu đã sẵn sàng tài chính, sẵn sàng kiến thức, hãy chọn bước vào cánh cửa đại học để chặng đường tương lai giữ được sự vững bền dài lâu.

Trn Xuân Tiến

Bình luận (0)