Thay vì làm công ăn lương, nhiều bạn trẻ đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp. Tuy nhiên, hành trình từ lúc khởi nghiệp đến khi thành công vô cùng gian nan thử thách, đòi hỏi các bạn phải trang bị cho mình hành trang vững chắc mới có thể vượt qua. Vậy hành trang đó là gì?
Anh Hoàng Văn Việt (người sáng lập đồng thời là Giám đốc Laha Cà phê) chia sẻ tại Hội thảo khởi nghiệp “Công nghệ – “vũ khí” làm chủ cuộc chơi?” tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM mới đây
Nhiều thứ phải chuẩn bị trước khi khởi nghiệp
Vượt qua rất nhiều khó khăn để khởi nghiệp thành công với mô hình bán cà phê, anh Hoàng Văn Việt (người sáng lập đồng thời là Giám đốc Laha Cà phê) cho biết, những người muốn khởi nghiệp thường sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Để làm được điều này, đầu tiên các bạn nên xác định lĩnh vực mà mình muốn khởi nghiệp, sau đó đi tìm cho mình “người thầy” ở lĩnh vực đó để hướng dẫn. “Người thầy” này sẽ chỉ đường, giúp mình biết bắt đầu từ đâu, về phương hướng, cách tiếp cận với những thứ mà mình muốn thực hiện. “Trong quá trình khởi nghiệp, nếu gặp khó khăn, các bạn nên tìm những người ủng hộ mình để họ cho lời khuyên, động viên tinh thần để vực dậy bản thân. Bên cạnh đó, người khởi nghiệp cũng phải tìm cho mình động lực; nếu không có động lực thì khi gặp khó khăn sẽ mau nản chí. Ngược lại, động lực sẽ giúp mình vượt qua khó khăn để thực hiện tâm huyết, phấn đấu đạt được điều mình muốn”, anh Việt chia sẻ.
Khởi nghiệp thành công với ứng dụng giao thông công cộng tại Việt Nam, bạn Lê Yên Thanh (người sáng lập Phenikaa MaaS) cho rằng muốn khởi nghiệp các bạn phải lên ý tưởng, sau đó kiểm tra lại ý tưởng của mình. Chẳng hạn, các bạn muốn khởi nghiệp bán đồ ăn, nước uống có thể mang sản phẩm ban đầu tìm đến đối tượng khách hàng của mình để trao đổi, lấy ý kiến. Nếu nhận được tín hiệu khả quan, các bạn triển khai sản phẩm để kêu gọi vốn hoặc bán để có doanh thu. Muốn đi xa, các bạn phải xây dựng cho mình một đội ngũ với những người cùng chung chí hướng. Những người này sẽ tiếp thêm sức mạnh để sản phẩm khởi nghiệp của mình phát triển và thành công.
Thành công với thương hiệu bánh mì “Má Hải” khi có mặt ở 40 tỉnh/thành trên cả nước, chàng trai 9X Đoàn Văn Minh Nhựt (đồng sáng lập thương hiệu trên) chia sẻ, những bạn muốn khởi nghiệp phải chuẩn bị cho mình tinh thần sẵn sàng. Bởi vì khởi nghiệp không chỉ có thành công mà còn những gian truân, thử thách đòi hỏi tinh thần sẵn sàng, dấn thân, kiên trì và biết chấp nhận lăn xả mới có thể vượt qua. Bên cạnh đó, các bạn phải có tinh thần luôn học hỏi. “Một cánh én không làm nên mùa xuân”, một dự án khởi nghiệp muốn thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố và bản thân chúng ta dù giỏi cỡ nào cũng không thể biết hết mọi thứ. Do đó, các bạn phải biết lắng nghe để tìm giải pháp cho mình, giúp dự án khởi nghiệp ngày càng hoàn thiện và thành công hơn. “Việc khởi nghiệp không quan trọng tuổi tác, ngay các bạn học sinh, sinh viên cũng có thể khởi nghiệp với mô hình kinh doanh nhỏ hoặc làm theo những mô hình đi trước để tích lũy thêm kinh nghiệm, sau đó phát triển mô hình lớn dần hoặc trở lại mô hình ban đầu mà chúng ta dự định. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham gia một vài dự án nào đó với tư cách là nhân viên hoặc tình nguyện viên để tìm hiểu xem họ giải quyết bài toán về thị trường như thế nào. Từ đó chúng ta sẽ có được những góc nhìn về ý tưởng mà mình đang làm. Việc này sẽ giúp các bạn giảm được rủi ro và thành công nhiều hơn”, Minh Nhựt phân tích.
Công nghệ có phải là “vũ khí”?
Trước đây, công nghệ được xem như “của hiếm”, ai có được sẽ có những lợi thế đặc biệt. Nhưng ngày nay, công nghệ đã trở thành “vũ khí” phổ biến mà các doanh nghiệp cần phải trang bị nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Vậy “vũ khí” đó phải trang bị thế nào mới phù hợp với “cơ địa” của doanh nghiệp?
Theo các chuyên gia, giới trẻ muốn khởi nghiệp phải chuẩn bị hành trang thật vững chắc
Theo Đoàn Văn Minh Nhựt, công nghệ là công cụ quan trọng để tối đa hóa trải nghiệm khách hàng nhưng cũng có những mặt trái. Chứng minh điều này, Minh Nhựt đã chia sẻ bài học “xương máu” mà thương hiệu bánh mì “Má Hải” đã từng “vỡ trận” khi áp dụng rập khuôn mô hình công nghệ được áp dụng thành công ở mô hình công ty khác. “Khi chúng tôi đẩy xuống một mô hình công nghệ mới thì người trẻ làm được, còn người lớn tuổi làm không được, sau đó một số nhân sự quyết định rời đi”, Minh Nhựt cho biết. Trong khi đó, Lê Yên Thanh chia sẻ, trước đây chỉ cần startup chứng minh được năng lực công nghệ thì đã gọi vốn thành công. Hiện nay các quỹ, nhà đầu tư đòi hỏi nhiều hơn thế nên khởi nghiệp hiện gặp nhiều thử thách hơn. “Trước đây, các startup thường chỉ cần nghĩ đến việc có một công nghệ lõi và làm sao để kiếm tiền từ công nghệ đó. Hiện nay, mọi người phải chọn công nghệ nào phù hợp để tồn tại và phát triển. Một trong những điểm rất quan trọng là áp dụng công nghệ tối tân như thế nào, và chúng ta cũng cần nhớ rằng ra được một sản phẩm hay mà thị trường không đón nhận thì mọi thứ cũng vô nghĩa”, Yên Thanh nói.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hằng (Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM) cho biết: “Bản thân tôi trong quá trình tư vấn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đã chứng kiến nhiều startup dùng “vũ khí” công nghệ hiện đại nhưng quá sức của mình. Quan điểm sự phù hợp của công nghệ rất quan trọng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đặt trọng tâm yếu tố trải nghiệm khách hàng, sử dụng “vũ khí” công nghệ như công cụ để đạt được mục tiêu này”.
Nhiều bạn trẻ khởi nghiệp thành công cũng thống nhất quan điểm, dù có nghiên cứu, ứng dụng bất cứ công nghệ gì vào kinh doanh cũng cần xuất phát từ góc nhìn của đội ngũ vận hành và nhu cầu của khách hàng là đối tượng thụ hưởng. Để kinh doanh bền vững, chiến lược kinh doanh phải xoay quanh việc mang lại trải nghiệm khách hàng tốt nhất, am hiểu tường tận cách thức vận hành của doanh nghiệp để biết ứng dụng công nghệ vào khâu nào sẽ giúp phát huy tốt nhất lợi thế của “vũ khí” công nghệ. Vì mục tiêu cuối cùng của công nghệ là mang lại cuộc sống tốt đẹp cho mọi người và sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Bài, ảnh: Hồ Kiều Trinh
Bình luận (0)