Với việc chính thức khởi công phần cơ sở hạ tầng dùng chung của dự án Bến cảng Liên Chiểu mang đến kỳ vọng về cơ hội phát triển ngành logistics, vận tải, thương mại và kinh tế biển cho TP.Đà Nẵng và cả khu vực miền Trung…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công phần cơ sở hạ tầng dùng chung dự án Bến cảng Liên Chiểu
Cảng Tiên Sa – Chiếc áo đã chật
Nằm ở vị trí trung tâm của khu vực miền Trung với đầy đủ lợi thế đường giao thông bộ, đường sắt và đường biển, TP.Đà Nẵng dần khẳng định thế mạnh của một TP năng động, thiên về phát triển kinh tế biển trong nhiều năm qua. Hơn 20 năm thành lập, Đà Nẵng phát triển vượt bậc về không gian, cơ sở hạ tầng và kinh tế xã hội (KT-XH).
Sau năm 1975, Công ty CP Cảng Đà Nẵng tiếp quản hạ tầng cảng biển tại TP.Đà Nẵng gồm 700m cầu cảng tại cảng Sông Hàn và 800m cầu cảng tại cảng Tiên Sa. Từ đó đến nay, cảng Tiên Sa được nâng cấp, mở rộng thành cảng hàng hóa chính của Đà Nẵng. Hiện cảng Tiên Sa có 1.700m cầu tàu, tiếp nhận tàu container đến 4.000 teus và tàu khách lớn 170.000 GT với thiết bị xếp dỡ và kho bãi đồng bộ cùng với khoảng hơn 1.000 nhân lực vận hành. Đây là một trong những cảng quan trọng nhất của khu vực Trung Trung bộ, đầu mối giao thông quan trọng của hành lang kinh tế Đông – Tây.
Với tốc độ tăng trưởng vượt bậc của Đà Nẵng và khu vực, việc khai thác hàng hóa qua cảng Tiên Sa vài năm trở lại đây đã gây ảnh hưởng đến giao thông vận tải đường bộ do hàng hóa phải vận chuyển qua trung tâm TP, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, mất an toàn trong những giờ cao điểm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường phát triển du lịch…
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng nhìn nhận: “Cảng Tiên Sa không thể phát triển mở rộng, đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại đặc biệt) do hạn chế về không gian phát triển lớn và điều kiện kết nối giao thông”. Vì vậy, thời gian qua đã có nhiều đề xuất, quyết định của Trung ương và địa phương về kế hoạch chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng phục vụ du lịch và tiến tới xây mới cảng Liên Chiểu để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, bắt nhịp với tốc độ phát triển. Theo quy hoạch cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 thì cảng Tiên Sa được quy hoạch có chức năng phục vụ liên vùng, vận chuyển hàng hóa cho Lào và đông bắc Thái Lan. Sau năm 2030, cảng Tiên Sa sẽ từng bước được chuyển đổi công năng thành bến cảng du lịch.
Kỳ vọng phát triển kinh tế biển từ cảng Liên Chiểu
Ông Lê Trung Chinh cho rằng, phương án đầu tư phát triển cảng Liên Chiểu dần thay thế cho cảng Tiên Sa và từng bước chuyển đổi công năng khu bến Tiên Sa thành bến cảng du lịch là phù hợp với tiến trình phát triển của TP. Chủ trương này đã được xác định rõ trong Nghị quyết 43-NQ-TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển TP.Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045; Quyết định số 393/QĐ-TTg ngày 18/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP.Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050…
Việc khởi công phần cơ sở hạ tầng dùng chung dự án Bến cảng Liên Chiểu mở ra kỳ vọng về một khu bến cảng quy mô giúp Đà Nẵng phát triển kinh tế
Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông – Tây, cảng Liên Chiểu nếu được xây dựng quy mô sẽ có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ cũng sẽ được hưởng lợi. |
Việc đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu của chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đồng thời cũng là mục tiêu xây dựng TP.Đà Nẵng trở thành trung tâm KT-XH lớn của cả nước và Đông Nam Á, là trung tâm logistics, TP cảng biển theo Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị. Trong đó, Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu – phần cơ sở hạ tầng dùng chung là tiền đề thu hút các nguồn lực khác đầu tư, phát triển bến cảng trong giai đoạn tới theo quy hoạch, giảm tải cho khu bến Tiên Sa, tăng cường kết nối vùng và liên vùng, góp phần phát triển bền vững KT-XH của Đà Nẵng và khu vực. Phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, cảng biển theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cảng Liên Chiểu nằm ở vị trí điểm cuối của các tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây. Lợi thế gần các tuyến đường bộ, đường sắt, đặc biệt là dự kiến cải tạo ga đường sắt Kim Liên thành ga hàng hóa sau cảng có tuyến xếp dỡ đường sắt trực tiếp trong cảng kết nối với tuyến đường sắt Bắc – Nam sẽ mở ra thuận lợi vận chuyển hàng hóa liên vùng từ cảng Liên Chiểu đi các nơi. Đây được xem là tiền đề nhằm thu hút sự quan tâm của các tuyến vận chuyển hàng hóa trên biển đến các nước trên thế giới.
Tại lễ khởi công phần cơ sở hạ tầng dùng chung dự án Bến cảng Liên Chiểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, đây là bước cụ thể rất thiết thực từng bước hiện thực hóa mục tiêu chiến lược tại Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế – xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ, TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên…
Với vị trí thuận lợi về độ sâu, kho bãi rộng, gần tuyến hàng hải quốc tế, thị trường hàng hóa dồi dào từ hành lang kinh tế Đông – Tây, cảng Liên Chiểu nếu được xây dựng quy mô sẽ có tiềm năng trở thành cảng biển hàng đầu khu vực Đông Nam Á, là điểm sáng tạo bứt phá không chỉ với ngành vận tải, logistics mà ngành du lịch và dịch vụ cũng sẽ được hưởng lợi.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)