Kỳ kiểm tra cuối học kỳ I được các trường tại TP.HCM coi như hoạt động đánh giá định kỳ với học sinh, từ đó có sự điều chỉnh, đưa ra giải pháp phù hợp với từng đối tượng học sinh trong học kỳ II. Do vậy không tạo áp lực, căng thẳng với học sinh và phụ huynh.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, kiểm tra định kỳ cuối học kỳ I phải hướng tới vì sự tiến bộ của học sinh
Tăng cường tính vận dụng trong đề
Cô Lê Tường Quyên (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, Q.1) thông tin, kỳ kiểm tra cuối học kỳ I được nhà trường tổ chức tập trung ở các môn, mức độ kiến thức ra trong đề chủ yếu là nhận biết, thông hiểu, học kiến thức nào kiểm tra kiến thức đó chứ không đánh đố, làm khó học sinh. Riêng đối với khối 10 – khối lớp học Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đề kiểm tra được tăng cường tính thực tế, học sinh vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế. Ở môn ngữ văn, dữ liệu đề thi hoàn toàn không nằm trong sách giáo khoa. “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 không kiểm tra khả năng ghi nhớ máy móc kiến thức của học sinh mà kiểm tra khả năng vận dụng, ứng dụng những kiến thức đó để giải quyết các tình huống thực tế trong cuộc sống. Dù đề kiểm tra ra theo hướng mới, song các dạng đề này học sinh đã được giáo viên cho làm quen trong quá trình học trên lớp suốt thời gian qua nên các em cũng không gặp khó khăn gì”, cô Lê Tường Quyên chia sẻ.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, Q.1) cho biết, đề kiểm tra cuối học kỳ I được nhà trường ra theo hướng học gì thi đó, đặc biệt với khối 10 – đề kiểm tra nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho học sinh. Kết quả kỳ kiểm tra được nhà trường căn cứ để đánh giá khả năng của học sinh ở mỗi môn học, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh. “Hiện nay nhà trường thực hiện giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất học sinh ở các khối lớp, bao gồm khối 10 đang theo học chương trình mới. Do đó, đề kiểm tra cuối học kỳ I ở các khối lớp, đặc biệt là khối 10 được nhà trường tăng cường ra theo hướng vận dụng, kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức sách vở vào thực tế của học sinh”, cô Vũ Thị Ngọc Dung thông tin.
Tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kỳ với học sinh Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhấn mạnh, việc kiểm tra, đánh giá ở bậc tiểu học hướng đến vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh, giúp các em phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kỳ đối với học sinh, chỉ xem như một hoạt động đánh giá định kỳ thông thường hằng ngày dành cho các em. Theo đó, ông Nguyễn Bảo Quốc đề nghị các trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, có kế hoạch phụ đạo riêng cho học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm và gặp khó khăn trong học tập. Nhà trường cần thông báo lịch kiểm tra, phối hợp cùng gia đình nhằm chuẩn bị các điều kiện học tập thật tốt cho học sinh. Đặc biệt, nhà trường tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình. Việc tổ chức ôn tập phải được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập. Thời gian kiểm tra do Phòng GD-ĐT hướng dẫn các trường tiểu học sắp xếp cho hợp lý, phù hợp, cân đối giữa các khối lớp theo kế hoạch năm học. Phòng GD-ĐT có thể linh hoạt bố trí tránh cận các ngày lễ. Thời gian tổ chức kiểm tra định kỳ các môn học và hoạt động giáo dục ở bậc tiểu học được căn cứ vào phân phối chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng của từng khối lớp. |
Đặc biệt, cô Vũ Thị Ngọc Dung nhấn mạnh, dù đề kiểm tra ra theo hướng vận dụng song phải ở mức vừa sức với học sinh để các em không cảm thấy áp lực, có động lực học tập. Riêng khối 10, việc học nhóm môn tự chọn và làm quen với cách thức học theo hướng vận dụng ngay từ đầu năm học sẽ khiến nhiều học sinh chưa quen, việc tạo động lực cho các em thông qua đề kiểm tra là hết sức quan trọng. “Đề kiểm tra cuối học kỳ I có vai trò cực kỳ quan trọng, tác động lớn đến tâm lý của học sinh và phụ huynh khối 10. Nếu đề quá dễ, học sinh sẽ chủ quan nghĩ rằng mình giỏi, nhưng nếu đề quá khó thì lại tạo cảm giác chán nản, sợ hãi cho học sinh. Thậm chí có thể dẫn đến tình trạng căn cứ vào kết quả kiểm tra, học sinh sẽ đổ xô xin đổi nhóm môn học tự chọn”, cô Vũ Thị Ngọc Dung nhìn nhận.
Phụ huynh không nên lo lắng
Nhiều phụ huynh học sinh bậc tiểu học, nhất là phụ huynh có con theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bày tỏ sự lo lắng khi con sắp bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ I. Bởi ngoài việc học trên lớp, học sinh không được giao thêm bài tập về nhà nên nhiều phụ huynh “bối rối” không biết kèm con ra sao để chuẩn bị cho bài kiểm tra. Theo bà Lâm Hồng Lãm Thúy (Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM), phụ huynh học sinh không nên lo lắng khi con bước vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ I. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện kiểm tra, đánh giá học sinh theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT, coi trọng đánh giá thường xuyên và sự tiến bộ của học sinh theo hướng phát triển từng năng lực, phẩm chất cá nhân. Phụ huynh học sinh cần quan tâm đến đánh giá thường xuyên, hàng ngày để kịp thời phối hợp với thầy cô giúp các em hoàn thiện các năng lực, phẩm chất và kiến thức bài học. Kiểm tra định kỳ theo quy định, điểm số ở học kỳ I giúp thầy cô và học sinh đánh giá lại quá trình học tập để có giải pháp phù hợp hơn cho từng học sinh ở học kỳ II.
Để làm tốt điều này, bà Lâm Hồng Lãm Thúy chỉ rõ, giáo viên cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học đối với học sinh lớp 1, 2, 3. Hằng năm, ngay từ đầu năm học, nhà trường và giáo viên chủ nhiệm phải sinh hoạt, hướng dẫn kỹ Thông tư 27 cho phụ huynh học sinh trong phiên họp đầu năm, tránh để phụ huynh chưa nắm rõ sẽ lo lắng và hoang mang mỗi khi đến kỳ kiểm tra định kỳ, dẫn đến gây áp lực cho học sinh. “Đây là trách nhiệm của nhà trường, nhất là đối với phụ huynh học sinh đầu cấp. Việc xây dựng đề kiểm tra định kỳ phải tuân thủ đúng quy trình xây dựng ma trận đề trước khi tiến hành xây dựng đề kiểm tra; ma trận đề được cán bộ quản lý nhà trường nhận xét, góp ý, bảo đảm phù hợp với kiến thức học sinh đang được học, phù hợp với thời điểm kiểm tra”, bà Lâm Hồng Lãm Thúy nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)