Để có được hòa bình, biết bao xương máu của cha ông đã phải đổ xuống. Do đó, các cháu phải biết ơn sự hy sinh của họ và không ngừng ra sức học tập, rèn luyện để dùng trí tuệ của mình đưa đất nước ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Nhân chứng lịch sử chia sẻ tại buổi giao lưu
Đó chính là lời nhắn nhủ của những nhân chứng lịch sử trong chương trình giao lưu kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức tại Đường sách TP.HCM vào sáng 5-1.
Những người may mắn còn sống trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 nay đã già yếu nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong họ.
Bà Vũ Minh Nghĩa (chiến sĩ Biệt động Sài Gòn) vẫn còn nhớ như in về trận đánh Dinh Độc Lập vào mùng 2 Tết Mậu Thân. Bà Nghĩa kể, bà là người phụ nữ duy nhất trong số 15 chiến sĩ được giao nhiệm vụ đánh Dinh Độc Lập năm ấy. Do là nữ nên bà không chỉ chiến đấu mà còn phụ trách nhiệm vụ cứu thương. Để chuẩn bị cho trận chiến, ngày mùng 1 Tết bà đã đi mua nhiều dụng cụ như: Thuốc, băng… nhưng tất cả đều hết sạch chỉ sau một ngày chiến đấu. Khi thủ trưởng của bà bị thương thì không còn dụng cụ y tế để băng bó, chữa trị. Để cầm máu, bà đã lấy chiếc khăn rằn của mình để băng bó vết thương cho thủ trưởng. Do vết thương quá nặng, vị thủ trưởng của bà đã hy sinh. “Lúc đó, anh ba (thủ trưởng bà Nghĩa – PV) nhờ tôi kêu anh em tập họp lại và trăng trối: Anh không thể cùng các em chiến đấu đến cùng, các em ở lại cố gắng bám trận địa, chiến đấu để tiêu diệt kẻ thù. Sau đó anh ba ngã lên vai tôi và tắt thở. Đối với chúng tôi đó là mệnh lệnh cuối cùng của anh ba”, bà Nghĩa nghẹn ngào kể.
Bà Nghĩa cho biết, trận chiến năm đó khiến 8 đồng đội của bà hy sinh. Mỗi khi nhắc lại bà vô cùng xúc động và không bao giờ quên một quá khứ hào hùng nhưng cũng nhiều mất mát. “Tôi sẽ không bao giờ quên đi ký ức của mình cũng như công lao của các đồng đội. Qua đây, tôi cũng muốn nhắn nhủ đến thế hệ trẻ rằng, chúng ta có được hòa bình như ngày hôm nay biết bao xương máu của cha anh đã đổ xuống. Cho nên các cháu còn trẻ, khỏe phải sống sao cho xứng đáng với những hy sinh của người đi trước. Bên cạnh đó, các cháu phải ra sức học tập, rèn luyện để mang tư duy, trí tuệ của mình cống hiến cho đất nước”, bà Nghĩa gửi đến thế hệ trẻ.
May mắn sống sót trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Nguyễn Văn Thừa (chiến sĩ Biệt động Sài Gòn) kể, ông tham gia kháng chiến từ năm 1968. Thời điểm đó ông cùng với các đồng đội đóng quân ở Thuận Kiều – Bà Điểm (huyện Hóc Môn ngày nay). Ông vẫn nhớ như in đêm kinh hoàng bị địch truy sát khiến 2 đồng đội cũng là hai người em họ của mình hy sinh. “Tôi luôn nhớ hình ảnh hai người em của mình mất. Trận chiến quá ác liệt, đến nay dù đã 55 năm nhưng hài cốt 1 trong 2 người em của tôi vẫn chưa được tìm thấy”, ông Thừa rưng rưng nước mắt mỗi khi nhắc lại.
Đại biểu chụp ảnh cùng các nhân chứng lịch sử
Ông Thừa chia sẻ: “Nhớ lại những mất mát tôi rất đau lòng. Càng đau lòng tôi phải càng phải sống sao cho xứng đáng với những người đã hy sinh. Vì lẽ đó, dù nay đã lớn tuổi nhưng tôi vẫn sinh hoạt ở địa phương, thường xuyên đi giao lưu, chia sẻ với những bạn trẻ về một thời hào hùng để giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước, biết đóng góp sức mình cho đất nước”.
Thắng lợi của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thể hiện sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Cuộc chiến để lại nhiều bài học kinh nghiệm mang giá trị lý luận và thực tiễn. Đó là khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, là niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong hoạch định đường lối và chỉ đạo chiến lược đấu tranh cách mạng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành biểu tượng của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, khí phách kiên cường, đánh dấu một bước phát triển mới về nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Hồ Trinh
Bình luận (0)