Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM huy động hơn 7.000 nhân viên y tế tham gia chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 15-4, Sở Y tế TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi họp trực tuyến về việc triển khai kế hoạch tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố.


TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mũi 1 từ 16-30/4

Chiến dịch tiêm mũi 1 từ 16-30/4

Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, mũi 1 từ ngày 16-4 đến 30-4. Trong đó, ngày 16-4 sẽ khởi động chiến dịch tiêm với trẻ từ 11 đến dưới 12 tuổi, học sinh lớp 6.

Hai loại vắc xin được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng lần này theo quy định của Bộ Y tế là vắc xin Pfizer và Moderna. Trong đó, vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi còn vắc xin Moderna chỉ áp dụng tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi. Khi tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chỉ sử dụng cùng một loại vắc xin để tiêm đủ 2 mũi cho cùng 1 đối tượng trẻ. Không tiêm trộn.

Thống kê của Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 14-4 cho thấy, ngày 16-4 có 16 quận huyện tổ chức tiêm với tổng điểm tiêm là 105, bàn tiêm là 179 với tổng số trẻ tiêm là 37.460 trẻ trong độ tuổi từ 11 đến dưới 12 tuổi. Các địa phương còn lại đang sắp xếp, trí kế hoạch tiêm vào ngày 16-4.

Ngày 18-4, có 21 quận, huyện tổ chức tiêm với tổng số điểm tiêm là 192 điểm, tổng số bàn tiêm là 331 bàn và số trẻ dự kiến tiêm là 78.971 trẻ. Riêng huyện Củ Chi không tổ chức tiêm.

Tổng số điểm tiêm đã lập để triển khai chiến dịch tiêm chủng lần này trên toàn thành phố là 1.326 điểm tiêm. Tổng số trẻ dự kiến tiêm trong 3 ngày đầu (16-18/4) là 160.758 trẻ với 685 bàn tiêm tại 404 điểm tiêm. Theo quy định, tốc độ tiêm sử dụng cùng 1 loại vắc xin chỉ cho phép tiêm tối đa 100 trẻ/bàn tiêm/buổi tiêm.

Để triển khai chiến dịch tiêm chủng đảm bảo an toàn, TP.HCM đã huy động 74 xe cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115, đồng thời phối hợp với 3 bệnh viện nhi đồng thành phố để xử lý các trường hợp phản vệ sau tiêm.

Để tiêm cho 898.537 trẻ trong suốt chiến dịch, ngành y tế huy động 604 đội tiêm với hơn 7.000 nhân viên y tế. Ngoài lực lượng tại chỗ của từng quận, huyện, Sở Y tế cũng huy động thêm 193 đội tiêm từ các bệnh viện, phòng khám đa khoa.

Tuyệt đối không chạy theo tiến độ tiêm chủng

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng lưu ý, chiến dịch tiêm vào ngày 16/4 sẽ chỉ khởi động với đối tượng học sinh lớp 6 tại một số trường được các quận, huyện lựa chọn để được đánh giá an toàn có sự điểu chỉnh (nếu có). Từ ngày 18/4, chiến dịch sẽ được triển khai đại trà.

Qua thực tế kiểm tra giám sát chiến dịch tiêm cho trẻ từ 12-18 tuổi, ông Nguyễn Hữu Hưng cho rằng trong chiến dịch tiêm chủng lần này cần rút kinh nghiệm: Tuyệt đối không áp lực thời gian mà chạy theo tiến độ tiêm chủng mà phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ, đặt an toàn tiêm chủng cho trẻ lên trên hết, phải được sự đồng thuận của phụ huynh mới tiêm.  

“Kế hoạch tiêm mũi 1 kéo dài trong 14 ngày (từ 14-30/4) chỉ mang tính tương đối, vẫn có thế kéo dài. Chúng ta tuyệt đối không chạy theo áp lực thời gian mà đưa nhiều trẻ đến cùng 1 buổi tiêm/ bàn tiêm. Đối với điểm tiêm thì tuyệt đối không thay đổi nếu vì lý do nào đó mà thay đổi thì phải báo cáo. Nếu địa phương thay đổi điểm tiêm mà không báo cáo thì khi có trường hợp cần cấp cứu 115 không biết, có thể sẽ không cấp cứu kịp thời”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh.


TP.HCM lưu ý tuyệt đối không chạy theo tiến độ tiêm chủng, đặt an toàn tiêm chủng cho trẻ lên trên hết

Theo lãnh đạo Sở Y tế, giám đốc Trung tâm Y tế quận, huyện sẽ là đầu mối đảm bảo an toàn tiêm chủng và an toàn phỏng chóng COVID tại các điểm tiêm trên địa bàn, đảm bảo các điểm tiêm thực hiện đúng theo quy trình 1 chiều, bố trí cấp cứu, sắp xếp bàn hướng dẫn.. phải rà soát thật kỹ. Nếu điểm tiêm nào chưa được giám sát, kiểm tra an toàn tiêm chủng thì không được tổ chức tiêm.

Tùy theo quận, huyện các điểm tiêm nên thiết kế phù hợp lứa tuổi của trẻ để ổn định tâm lý trẻ. Công tác phân luồng phải được quản lý kỹ, tuyệt đối không để trường hợp trẻ tiêm 2 mũi/buổi tiêm.

“Vai trò của phụ huynh trong việc tiêm chủng lần này là cực kỳ quan trọng. Phụ huynh phải ổn định tâm lý trước tiêm cho trẻ, giám sát quan tâm đến trẻ sau tiêm, nhất là trong 3 ngày đầu”, ông Nguyễn Hữu Hưng lưu ý.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng thông tin, đến thời điểm này lực lượng ngành giáo dục đã được tập huấn nhập liệu, tổ chức điểm tiêm.

Dù vậy, ông đề nghị các phòng giáo dục quán triệt các cơ sở đã được lực chọn làm điểm tiêm phối hợp thật nhịp nhàng với ngành y tế để tổ chức tiêm an toàn. Chú trọng sự đồng thuận tiêm của phụ huynh, chỉ khi phụ huynh đồng thuận mới tổ chức tiêm cho trẻ.

Các nhà trường khi được bố trí làm điểm tiêm thì phải đặc biệt lưu ý công tác phối hợp với ngành y tế, trung tâm y tế đảm bảo buổi tiêm diễn ra an toàn, có sự phối hợp giám sát giữa giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh. Với các đơn vị không được tiêm tại trường thì phải bố trí thầy cô giáo đi theo hỗ trợ học sinh. Đặc biệt, phải theo dõi trong quá trình tiêm, sau tiêm..

“Trong quá trình tiêm, không nhất thiết chạy theo tốc độ mà trên hết là đảm bảo an toàn tiêm chủng cho trẻ. Các đơn vị phải phối hợp với y tế quận huyện xây dựng kế hoạch tiêm hoàn chỉnh nhất. Hạn chế tối đa điều chỉnh kế hoạch tiêm, không dồn điểm tiêm. Khi tổ chức điểm tiêm các trường mầm non, tiểu học lưu ý bố trí phù hợp với tâm lý trẻ tạo cho trẻ sự thoải mái. Thủ trưởng đơn vị nhà trường sẽ chịu trách nhiệm trong suốt quá trình tiêm của trẻ đơn vị mình vì thế cần phải có sự phối hợp thật chặt chẽ với ngành y tế…”, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh.

Yến Hoa

Bình luận (0)