Sáng 10/11, tại kỳ họp thứ 22 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TPHCM đã thảo luận và biểu quyết thông qua sáu tờ trình quan trọng của UBND TPHCM.
Đối với tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, UBND TPHCM phân tích, có các chương trình, dự án không thể sử dụng hết vốn do vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cần điều chỉnh giảm vốn; trong khi đó, với những dự án có tiến độ thực hiện tốt, đạt tỷ lệ giải ngân cao, cần điều chỉnh tăng vốn.
Phát hành trái phiếu được xem là giải pháp cần thiết để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội – Ảnh minh họa |
Do đó, UBND TPHCM đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho 153 dự án và một chương trình với tổng vốn điều chỉnh 603,02 tỷ đồng.
Về tờ trình về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2020, theo UBND TPHCM, tính đến hết ngày 30/10, tổng số vốn đã được giải ngân là 24.389,842 tỷ đồng, đạt 57,9%. Do nhu cầu sử dụng vốn thay đổi, tổng vốn ngân sách sau khi điều chỉnh là 33.952,364 tỷ đồng; tổng vốn ngân sách bổ sung do thay đổi khả năng huy động các nguồn là 2.860 tỷ đồng (có thể bổ sung cho các dự án có nhu cầu tăng vốn trong năm 2020).
UBND TPHCM kiến nghị HĐND TPHCM chấp thuận bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2020 từ nguồn vốn huy động tăng thêm với tổng vốn bổ sung là 1.921,830 tỷ đồng cho 53 dự án đã được HĐND TPHCM thông qua.
Với tờ trình về huy động vốn để đầu tư dự án Cải thiện môi trường nước TPHCM lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ giai đoạn 2 theo phương án vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ (khoản vay lần thứ tư), UBND TPHCM cho rằng, ngày 3/1/2020, Bộ Tài chính cho phép vay lại 100% khoản vốn vay lần thứ tư của Nhật Bản, sau đó, Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung vốn vay cho dự án giai đoạn 2 với giá trị 10.813 triệu yên Nhật, tương đương 2.378,860 tỷ đồng. Qua tính toán, UBND TPHCM đủ điều kiện vay lại.
Do đó, để hoàn chỉnh hồ sơ thẩm định khả năng trả nợ gửi Bộ Tài chính, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM cho phép huy động vốn để đầu tư dự án. Cụ thể, vay lại 10.813 triệu yên, tương đương 2.378,860 tỷ đồng, thời gian vay là 30 năm, nguồn trả nợ là từ ngân sách hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
Trên cơ sở tổng vay trong năm 2020 của TPHCM, hạn mức vay còn lại của năm 2020 tối đa là 3.943,034 tỷ đồng, để huy động nguồn vốn từ xã hội nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án, công trình trọng điểm, cấp bách, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020 với tổng khối lượng phát hành là 2.000 tỷ đồng, nguồn vốn thanh toán nợ gốc và lãi trái phiếu được đảm bảo từ nguồn thu ngân sách của thành phố.
Về điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ chính quyền địa phương năm 2020, UBND TPHCM cho rằng, dựa trên tổng mức vay mà TPHCM được giao là 14.190,900 tỷ đồng, hạn mức vay còn lại của năm 2020 tối đa là 3.943,034 tỷ đồng và dựa trên tờ trình đề án phát hành trái phiếu chính quyền địa phương năm 2020 với tổng khối lượng 2.000 tỷ đồng, UBND TPHCM trình HĐND TPHCM chấp thuận điều chỉnh nguồn vay của thành phố năm 2020 bao gồm: vay từ nguồn Chính phủ cho vay lại và vay trong nước, đảm bảo tổng số vay trong năm không vượt quá tổng mức vay của thành phố năm 2020 là 14.190,900 tỷ đồng.
Kỳ họp cũng đã thông qua tờ trình của UBND TPHCM về đề nghị công nhận xã Thạnh An, H.Cần Giờ là xã đảo. Trước đó, ngày 26/12/2014, UBND TPHCM đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ hồ sơ, nghị quyết của HĐND TPHCM thông qua đề nghị công nhận xã trên là xã đảo.
Theo Tuyết Dân/PNO
Bình luận (0)