Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đừng chỉ dạy kiến thức, cần dạy cả sự văn minh

Tạp Chí Giáo Dục

Nếp sống văn minh không bỗng nhiên mà có. Những ứng xử đẹp cần được rèn luyện từ những thói quen tưởng chừng đơn giản trong đời sống thường nhật. Trong môi trường học đường, người thầy cần quan tâm đầu tư xây dựng những thói quen lịch sự cho người học. Ngoài việc truyền đạt kiến thức chuyên môn để dạy trẻ thành danh, người thầy còn gánh trên vai công việc dạy trẻ thành nhân, thành người văn minh.

Khi học sinh – sinh viên nộp bài kiểm tra, bài thi cần xếp hàng theo thứ tự ai làm bài xong trước nộp trước, ai làm xong sau nộp sau, không chen lấn, không cùng lúc ùa lên bàn giáo viên. Em nào thực hiện không nghiêm túc thì bị trừ điểm vào bài kiểm tra, bài thi. Ai cũng muốn về sớm, ai cũng xem thời gian của bản thân là quan trọng nhưng kỳ thực, nếu không xếp hàng, sẽ không có sự công bằng, và thời gian xử lý lại lâu hơn vì gặp trở ngại trong việc kiểm tra bài làm.

Thời gian vào học cũng phải được thực hiện nghiêm túc. Ở bậc ĐH, sinh viên thường mang tâm lý đã trên 18, đã trở thành công dân với đầy đủ bản lĩnh trách nhiệm và sự tự do nên thường cho phép bản thân hành xử có nhiều điều tùy tiện. Ngụy biện vào tư tưởng không gian sáng tạo, không gian tự do trong môi trường ĐH, nhiều sinh viên vào lớp học tự tiện, thoải mái như đi vào chốn không người, bất chấp sự không hài lòng của thầy cô và bè bạn. Câu chuyện tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lâu dần hình thành tư duy coi thường nề nếp, xem thường quy định xử sự nơi công cộng, thiếu sự tôn trọng đối với cộng đồng, tập thể. Đó là chưa kể đến những hệ lụy như người học không nắm kịp bài học hoặc bỏ sót những kiến thức quan trọng của môn học. Được biết, còn một số cơ sở đào tạo cũng khá thoáng về vấn đề ra vào lớp học vì cho rằng cần tôn trọng sinh viên – những người trẻ vừa đến độ tuổi trưởng thành với nhiều ước muốn tự do. Thiết nghĩ, cần đặt lại vấn đề, cách suy nghĩ này có hợp lý hay không.

Một vấn nạn của học đường cứ ngỡ nhỏ nhặt nhưng hệ lụy về mặt ý thức rất lớn đó là vẽ bậy trên bàn học, trên tường. Nhiều tác phẩm nghệ thuật thường đem tình huống vẽ bậy trên bàn học, trên tường làm thành những kỷ niệm mang tính chất hoài niệm riêng có của tuổi học trò nhiều thơ mộng, đáng yêu. Tuy vậy, bản chất của hành động này vẫn là thiếu tôn trọng, không giữ gìn tài sản và cảnh quan nơi công cộng. Vẽ bậy được ở trường thì sau đó là vẽ bậy ở các bức tường trên phố, ở các công trình công cộng… Không gian ĐH đề cao tính sáng tạo. Nhiều sản phẩm của sinh viên thực hiện trong quá trình học tập, thực hành như video, ấn phẩm in ấn, tranh ảnh… đã thể hiện sự sáng tạo đó của giới trẻ. Tuy vậy, còn có một số sản phẩm có chứa những từ ngữ nói lóng, những ngôn ngữ không phù hợp thuần phong mỹ tục. Nhà trường cần nhất quyết nói không với những ấn phẩm như vậy. Sự sáng tạo vẫn có những giới hạn, phạm vi của nó. Đó là giới hạn của sự văn minh. Đó là phạm vi của việc hành xử đẹp.

Tin rằng, thái độ nghiêm khắc trong các tình huống sư phạm đơn giản như những ví dụ vừa nêu sẽ dần hình thành ý thức và thói quen về một lối sống đẹp cho học sinh, sinh viên.

Trần Xuân Tiến
(Trường ĐH Văn Hiến)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)