Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM không thể thiếu sự góp mặt của lĩnh vực mỹ thuật. Đây là một trong những lĩnh vực thiết yếu trong đời sống, không chỉ làm đẹp cho con người mà còn góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức và thị hiếu thẩm mỹ cho mọi người.
GS.TS Trương Quốc Bình (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) chia sẻ về mỹ thuật trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Đó là khẳng định của các đại biểu tại tọa đàm “Mỹ thuật trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” do Hội Mỹ thuật TP.HCM tổ chức mới đây.
Nét đẹp văn hóa
Để tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân TP.HCM, tạo nguồn sức mạnh đặc thù của con người TP mang tên Bác, Đảng bộ TP đã đưa ra nghị quyết xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Một trong những lĩnh vực góp phần tạo nên thành công cho việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không thể không nói đến lĩnh vực mỹ thuật, nhất là mỹ thuật trong không gian công cộng.
NGND.GS.TS Nguyễn Xuân Tiên (Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM) nhìn nhận – mỹ thuật trong không gian công cộng chính là nét đẹp văn hóa, thẩm mỹ của mỗi đô thị, vùng miền, là điểm tiếp cận đầu tiên với cộng đồng, du khách khi tới địa phương. Trong khi đó, TP.HCM – nơi hội tụ nhiều dòng chảy nghệ thuật, là trung tâm kinh tế, văn hóa… với nhiều tài năng lớn có sức ảnh hưởng, lan tỏa trong cả nước và khu vực Đông Nam Á. TP còn là nơi lưu đậm hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước tại Bến Nhà Rồng, nơi được mang tên Bác khi miền Nam hoàn toàn giải phóng và cũng là tiền đề xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Do vậy, mỹ thuật công cộng càng trở nên quan trọng trong không gian đô thị.
Khách tìm hiểu về triển lãm “Về nơi lưu dấu chân Người” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TP.HCM)
Với góc độ của mình, GS.TS Trương Quốc Bình (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) khẳng định, về mặt vật thể Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP.HCM bao gồm những công trình, địa điểm ngưng đọng mọi sự sáng tạo của con người trên địa bàn TP. Là một TP trẻ với 300 năm lịch sử nhưng TP.HCM đã xây dựng và sở hữu một nền văn hóa phong phú, đa dạng với không ít công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị. Bên cạnh đó, TP còn nhiều di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Cho đến nay, TP có 185 di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 125 di tích cấp TP. Từ năm 2020 đến nay, TP.HCM đã xếp hạng được nhiều di tích như: Trụ sở UBND TP (Q.1), đình Linh Đông, đình Thái Bình (TP.Thủ Đức), đình Bình Trị Đông (Q.Bình Tân)… “Những di tích này không chỉ góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa cho TP mà còn là dấu ấn của từng địa phương, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, tinh thần của người dân”, GS.TS Bình khẳng định.
Nâng cao tác phẩm mỹ thuật
TS. Nguyễn Thái Giao Thủy (Khoa Văn hóa và Du lịch, Trường ĐH Sài Gòn) nhìn nhận, hiện nay tại TP.HCM các công trình chủ yếu là tượng đài, rất ít công trình có chất lượng. Hầu hết các công trình được xây dựng ở những nơi di tích lịch sử thuộc các quận, huyện ngoại thành hay trong khuôn viên các bảo tàng, công sở, trường học chủ yếu là các sự kiện hay các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam. Dù có nhiều công trình nhưng vẫn thiếu điểm nhấn mang đậm tư tưởng và văn hóa cốt lõi cho Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. “Để Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có điểm nhấn và đặc trưng rõ nét, TP nên lập thêm nhiều không gian mở, tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật trực quan sinh động. Về các tác phẩm trưng bày công cộng phải đưa ra phác thảo thiết kế phù hợp đặt ở những không gian sang trọng, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa mang lại hiệu quả tuyên truyền, giáo dục về văn hóa, lịch sử. Ở những không gian thay đổi linh hoạt cần phải thông qua hội đồng kiểm duyệt trước khi trưng bày tác phẩm để phát huy giá trị nghệ thuật, đảm bảo nhu cầu thưởng thức cho người dân. Thời gian tới, những hình ảnh, hiện vật về cuộc đời của Bác phải được thể hiện sâu sắc, ấn tượng để đến gần hơn với người dân và mở rộng ra ở các quận, huyện…”, TS. Thủy góp ý.
PGS.TS Trần Thị Biển (Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) nói: “Như vậy, từ những trại sáng tác điêu khắc, những nhà điêu khắc tài năng, từ những cuộc thi sáng tác thiết kế không gian môi trường công cộng sẽ giúp cho các nhà quản lý mỹ thuật, văn hóa, kiến trúc thiết lập Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ngày càng hoàn thiện hơn”. |
Để hướng tới Không gian văn hóa Hồ Chí Minh có tính mở, hòa nhập, hiện đại rất cần những giải pháp mang tính tích cực. PGS.TS Trần Thị Biển (Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) cho rằng, chúng ta cần khai thác những địa điểm có kiến trúc phù hợp để tăng cường đặt để những tác phẩm điêu khắc đương đại; trùng tu, thay thế những tác phẩm điêu khắc đã hư hỏng, kém chất lượng bằng những tác phẩm phù hợp với không gian cảnh quan kiến trúc. Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến đội ngũ sáng tác cũng như những tiêu chí xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để lựa chọn những tác phẩm phù hợp với cảnh quan kiến trúc và không gian văn hóa. Cần xây dựng những dự án nghệ thuật có sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân để hoàn thiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cả về chất và lượng.
Theo NGND – họa sĩ Uyên Huy (nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM), nhiều năm qua có người nghĩ đơn giản rằng nơi nào có tượng hay chân dung Bác Hồ thì đó là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Điều này đã vô tình hình thành nên quan niệm hời hợt, duy hình thức, nặng về tuyên truyền chính trị mà bỏ quên cái hồn và cái xác của công trình, chưa tạo thành một di sản văn hóa và di tích văn hóa tâm linh đúng nghĩa, trọn tình. “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải được coi là một công trình kiến trúc, một tác phẩm mỹ thuật với đầy đủ ý nghĩa, nét riêng. Hy vọng sau khi hoàn thiện công trình này nó trở thành một di sản văn hóa của dân tộc mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong thời đại Hồ Chí Minh”, NGND – họa sĩ Uyên Huy bày tỏ.
Hồ Trinh
Bình luận (0)