Tôi thấy báo chí và Bộ GD-ĐT vào cuộc thật nhanh chóng về hiện tượng bất thường trong điểm thi THPT của tỉnh Hà Giang. Sau nhiều tránh né thì ông Vũ Văn Sử (Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Giang ) cũng phải trần tình với báo chí nhưng qua cách lý giải theo kiểu “học tài thi phận” thì dư luận càng mất niềm tin vào sự trong sáng của ngành, đặc biệt là tại địa phương do ông ấy quản lí!
Nói không chừng toàn bộ bài thi của một số hội đồng ở tỉnh Hà Giang được chấm kiểm tra lại một cách nghiêm túc thì những điểm 9, điểm 10 có khi “dựng ngược” thành điểm 6, điểm 1? Trước khi điều đó xảy ra hoặc không xảy ra thiết nghĩ Bộ GD-ĐT nên có hình thức khen thưởng cho ngành giáo dục Hà Giang vì đã có thành tích thật xuất sắc trong đào tạo các môn khoa học tự nhiên, vượt mặt các đơn vị khác lâu nay đã có thành tích tốt là Hà Nội, TP.HCM và Nam Định.
Bất kể kết quả điểm thi sau khi rà soát như thế nào, người ta vẫn nhớ ngay đến một học sinh đạt điểm 10 môn vật lý nhưng điểm 0 môn toán của tỉnh Nghệ An hai năm trước! Rồi mọi chuyện cũng gác lại, đều được kết luận là một kì thi an toàn và thành công đối với những người làm quản lí giáo dục nhưng với học sinh của tỉnh ít nhiều sẽ nhận những điều tiếng không tốt từ phía xã hội! Thật bất công cho những học sinh học hành một cách đàng hoàng sẽ hàm oan chung một cách khó lí giải chỉ vì một vài tắc trách nhỏ của những người làm quản lí giáo dục của địa phương trong việc tổ chức thi! Chỉ một trường hợp đó thôi Nghệ An đã được nêu tên lên “bảng đen” trong đầu nhiều người dân trong cả nước! Hãy thử tưởng tượng nếu kết quả thi THPT tỉnh Hà Giang không được như mong muốn theo kết quả công bố vừa qua, tôi nghĩ những người quản lí của Sở GD-ĐT sẽ nuối tiếc biết chừng nào nếu để những chuyện mập mờ không đáng có xảy ra!
Tôi tin rằng Bộ GD-ĐT không thể bỏ mặc ngành giáo dục Hà Giang với những vô lí và bất công cho các em thủ khoa, phải trả lại cho các em cái vinh dự mà nếu các em thực chất đạt được phải được vinh danh! Tôi rất hiểu những nỗ lực, cố gắng của toàn ngành giáo dục Hà Giang có thể sẽ bị “đổ sông đổ biển” khi dư luận yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang công bố việc xác minh toàn bộ học sinh đạt điểm cao trong kì thi THPT năm nay có mối quan hệ như thế nào với các “thủ trưởng” của các đơn vị ban ngành của địa phương.
Người dân không trông vào những đề án cải cách thi cử, sách giáo khoa nghìn tỉ của ngành giáo dục mà họ chỉ mong vào sự công bằng cho tất cả học sinh và đạo đức trong quản lí đào tạo! Họ đang chờ kết luận của thanh tra Bộ GD-ĐT và cũng mong muốn dư luận mấy hôm nay: “thủ khoa” tăng là nhờ “thủ trưởng” không phải là sự thật!
Trần Tín Nghị
Bình luận (0)