Sau khi Bộ GD-ĐT thông tin điểm thi các môn tốt nghiệp năm 2018, tôi thấy có nhiều nguyên nhân dẫn tới kết quả thi môn sử còn quá thấp (năm sau thấp hơn năm trước). Tất cả những nguyên nhân (chủ quan lẫn khách quan) đều xác đáng, đều đúng với thực trạng dạy và học môn này hiện nay trong nhà trường. Tôi xin được nêu một cách thẳng thắn một vài ý kiến nhằm thúc đẩy sự thay đổi toàn diện về việc dạy và học môn sử trong nhà trường phổ thông.
Trước hết nói về sách SGK bộ môn sử. Chúng ta thường nói trong nhà trường có môn sử thì chỉ đúng một phần nào, chứ thực chất chưa thật sự có môn sử đúng nghĩa. Từ bậc tiểu học tới THPT, môn sử đơn thuần là những bài tóm tắt diễn biến các cuộc khởi nghĩa (thời trước Cách mạng tháng 8 năm 1945) và những chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… Những con số ngày tháng, những “tương quan lực lượng”, những thống kê số liệu… rất rườm rà, thậm chí dài dòng nhưng cuối cùng, luôn luôn “ta thắng địch thua”! Do đó cần phải thay đổi toàn diện, bắt đầu từ khâu biên soạn SGK. Những người biên soạn cần có cái tài, cái tâm và sự dũng cảm của người viết lịch sử! Thứ hai, đội ngũ giáo viên dạy sử cũng cần rà soát, xem xét lại. Thử hỏi có bao nhiêu phần trăm theo học bộ môn này vì lòng đam mê thật sự? Có thể là một con số rất thấp. Theo tìm hiểu, chúng tôi biết đa phần là không chọn được bộ môn nào; trong lúc đó môn sử… ít người đăng ký nên dễ đậu ĐH, CĐ. Giáo viên sử mà không đam mê nghiên cứu; không thèm đọc tài liệu, tích lũy kiến thức liên môn thì khó mà dạy hay, dạy hấp dẫn được. Một mẩu chuyện lịch sử, một câu thơ song hành cùng trang sử, cùng sự kiện lịch sử mà cũng không nhớ, không thuộc… thì làm sao “truyền lửa” cho học sinh? Dạy bộ môn sử là một nghệ thuật chứ không phải là người cầm sách “đọc – chép”, cầm máy “chiếu – chép” cho học sinh. Giáo viên phải đắm mình trong từng sự kiện; để hồn cha ông, hồn sử Việt hóa thành máu thịt may ra mới có cảm hứng để truyền đạt kiến thức cho lớp trẻ. Thứ ba, đối với người học, cũng không nên đổ lỗi hoàn toàn cho kinh tế thị trường. Nhiều học sinh vẫn thích học sử, mong đến giờ sử để kiếm tìm, vun đắp cho mình những kiến thức mới mẻ, hấp dẫn (có khi cả ngoài SGK khô cứng). Một khi có SGK sử đúng nghĩa, có một đội ngũ giáo viên tài năng thì việc học sử không còn thực trạng buồn như hiện nay.
Lê Đức Đồng
(Sóc Trăng)
Bình luận (0)