Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cơm Má!

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình ông Tân ở cái vùng quê đầy sông nước này là một trang dài của những câu chuyện đau lòng. Ông Tân – trụ cột gia đình, ông bị tai nạn chìm ghe lúa khi bé Cảnh mới 2 tuổi. Ông để lại chị Nhạn, người vợ tào khang với một thân hình vừa gầy, vừa ốm yếu. Gia tài gói trong chữ nghèo với một người phụ nữ góa chồng và ba đứa con thơ.

Ba chị em của Cảnh sinh năm một nên đều cách nhau mỗi người một tuổi. Một nách ba con quần quật từ sớm đến tối, nhà lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Có một miếng ruộng làm không đủ trang trải, chị Nhạn phải làm thêm giờ ở các quán ăn để lo tiền học hành, tiền thuốc thang, tiền sữa tả đã khiến đôi vai của chị Nhạn nặng trĩu những nỗi lo toan.

Thời gian thấm thoát trôi qua, đôi vai chị Nhạn gầy hơn, gương mặt hóp lại hơn và nụ cười khô héo trên môi. Ông Tân trên bầu trời xanh chắc có thấu cho lòng chị. Khi hai cô gái vừa học xong lớp 12 là đi lấy chồng về nơi chốn xa y như cái lệ của vùng An Giang này vậy. "Gái mười tám lấy chồng là đúng. Trai mười chín nách bồng đúng hai con". Tuy gánh nặng giảm bớt nhưng chị Nhạn lại đứt ruột, nát gan khi để các con theo chồng về xứ xa, để mỗi buổi trưa nghe câu hát ru "Mẹ già ở túp lều tranh. Đói no không biết, rách lành không hay" nước mắt chảy vào trong. Ngày vu quy của từng đứa, chị Nhạn nước mắt ràn rụa trong nỗi lòng đau xót thương hai con thân gái dặm trường nơi góc bể chân trời. Dặm ngàn xa xôi biết đến bao giờ gặp lại con thơ. Bao nhiêu tình thương bây giờ chị dành cho Cảnh, với hi vọng mai sau con đỗ đạt bác sỹ, kỹ sư để đời con không như ba má nó.

Năm Cảnh lên học 12, nhà gặp một thiên tai, đất lỡ cuốn trôi hết tất cả và chị Nhạn không may bị gãy xương đùi. Do không kịp chữa trị nên chị bị tật từ đây. Cuộc sống hai mẹ con ngày càng cùng cực. Thế rồi, ánh sáng lóe lên như sấm ngang trời đêm, Cảnh đậu vào trường đại học Kinh tế danh giá chốn Sài thành. Chị Nhạn lại khăn gói, đùm túm, chống nạng bằng đôi chân tật nguyền lên thành phố, ngày bán vé số chiều xuống đi làm Osin để chắt chiu nuôi con thành tài. Con chim nhạn đã bay khỏi vùng quê về nơi đô thành. Cánh nhạn ấy có sướng hơn chăng?

Bốn năm trôi qua, Cảnh tốt nghiệp và xin được vào một công ty bất động sản. Lương Cảnh khấm khá, trau chuốt mã bề ngoài lán cón. Chị Nhạn giờ tóc đã pha màu sương mây. Body sáu múi, dáng chuẩn như một nam thần, Cảnh không khó cưới được Cẩm -con gái rượu của chủ tịch hội đồng quản trị công ty. Vì chị Nhạn đã lớn tuổi, da nhăn đen đúa, xấu xí với cọc vé số và đôi chân không lành lặn lê lết khắp phố phường. Cảnh nhận ra rằng chị Nhạn sẽ làm dơ đi cái đám cưới của mình nên chọn thuê một căn nhà để thành hôn và dõng dạc nói rằng mình mồ côi từ nhỏ. Chị Nhạn thương và hiểu cho con nên trong ngày vui ấy chị đứng bên đường lấy nón lá rách che đi khuôn mặt rồi len lén nhìn xe hoa đi ngang mà hạnh phúc!…

Sau ngày cưới viện lý do công việc, giao tiếp đối tác nên bỏ chị Nhạn côi cút một mình. Về thăm má, Cảnh lén lút như đi trộm gà, trộm vịt của ai. Cứ vài tuần ghé cho vài trăm. Nhưng tần suất ấy cứ thưa dần, thưa dần và rồi chẳng ai còn thấy Cảnh về căn phòng trọ ngày nào của hai má con. Chị Nhạn vẫn lầm lũi mỗi ngày đi bán vé số để tự lo cho cái thân tật nguyền của mình và chị vẫn không quên đêm đêm thắp nhang cầu Phật Trời độ cho các con được bình yên và hạnh phúc ở nơi nào. Cánh chim ấy nay đã hoàn toàn trơ trọi.

25 năm đi qua chị Nhạn giờ đây là một bà cụ 67 tuổi tật nguyền còm cỏi, chân run, vẫn như ngày nào lê tấm thân già cô đơn rong rủi từng con hẻm của Sài Gòn bán vé số để mưu sinh.

Một ngày nọ, biến cố tài chính và thị trường bất động sản bị sụp đổ. Ông chủ tịch hội đồng quản trị (cha vợ Cảnh) lâm vào nợ nần. Thế là vợ con cao bay ra nước ngoài, phút chốc nhà cửa tan hoang rồi chuyện gì đến sẽ đến, Cảnh xộ khám tại trại giam tỉnh Bình Phước. Những ngày tháng ở khám, Cảnh có đủ thời gian để ngẫm lại những gì mình đã làm. Cơm tù khiến Cảnh rớt nước mắt mà nhủ thầm "Cơm người khó lắm con ơi. Không như cơm má chỉ ngồi xuống ăn". Mỗi đêm nước mắt cứ tuôn trào, phần thì biết vợ con có người khác chăm sóc, phần ăn năn và ray rức về cách ghẻ lạnh với chính má của mình. Tiếc nuối và tiếc nuối…10 năm không biết má mình còn không và giờ lưu lạc chốn nào!

Hơn 2 tuần tìm kiếm , dò la khắp nơi để tìm chị Nhạn, Cảnh đến chân cầu thang một chung cư cũ ở Q8. Thoạt gặp bà lão tật nguyền Cảnh ngờ ngợ là má, nhưng bà Nhạn không thể nào nhận ra Cảnh vì đã nhiều năm không gặp và cái lẩn thẩn của tuổi già. 

– Má ơi, má ơi con là Cảnh đây, thằng con trai của má nè má ơi…

Bà Nhạn quay lại nhìn thật kĩ, thật lâu. 

– Con nè má! Con bất hiếu của má nè má ơi, má ơi má có nhận ra con không má…

Bà Nhạn run run trong dòng nước mắt đầm đìa, đôi chân tật nguyền lết lại ôm chầm Cảnh vào lòng, nước mắt tuôn trào và nấc nghẹn! 

Ngày đoàn viên tựa như chưa hề có cuộc chia ly. Bà lau nước mắt rồi lẩn thẩn đi dọn cơm ăn. Vẫn như ngày nào tay run bà gắp miếng trứng chiên cho Cảnh. Nước mắt lưng tròng Cảnh thật hạnh phúc "Con dẫu lớn vẫn là con của má". 

– Thôi về đây ở với má, tìm cách làm ăn rồi cưới vợ để có con lo cho tuổi xế chiều, chứ má sống nay chết mai ai mà lo cho con. 

Tối đến hai má con hàn huyên, bà rón rén mở tủ quần áo lục lọi rồi đem đưa cho Cảnh một sổ tiết kiệm. 

– Con coi lấy tiền mần ăn và nhớ tìm hai chị con cho mỗi đứa một ít làm vốn. 

Cảnh xem sổ rồi khóc nức nở không hiểu sao mà má dành được số tiền ngoài sự tưởng tượng của mình. 

– Mấy chục năm nay bán vé số má tằn tiện để dành cho mấy đứa. Má biết sẽ có ngày các con cần, con cố gắng tìm nghề đàng hoàng, chân chính. Lớn thuyền lớn sóng con à. Mình không thể lấy cổ thụ làm bonsai, con nên chọn cây nhỏ tạo dáng cũng đẹp!

Cảnh dúi đầu vào lòng má, để được yêu thương và được nghe những lời vàng son rất quý báu.

– Con có lỗi nhiều lắm má ơi! Cuộc đời này, kiếp này con nợ má những năm tháng cô đơn hiu quạnh, nợ má một ân tình tựa biển khơi. 

Chị Nhạn xoa đầu con trai rồi hát ru:

"Ầu ơi! Chim trời ai dễ đếm lông,

Nuôi con ai dễ kể công tháng ngày"

Cảnh ngủ thiếp đi trong lòng của má!

Th.S Huỳnh Thanh Phú
(Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du, Q10, TP.HCM)

 

Bình luận (0)