Vừa qua trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh thành đã xảy ra nhiều vụ TNGT đường thủy gây thiệt hại về người và tài sản. Nhằm đảm bảo ATGT đường thủy, cơ quan chức năng yêu cầu tăng cường các giải pháp an toàn trong mùa mưa bão.
Sở GTVT yêu cầu tăng cường xử lý nghiêm hành vi chở quá tải nhằm đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa mưa |
Hai vụ tai nạn trong 2 tháng
Vụ TNGT đường thủy xảy ra gần nhất vào sáng 18-7-2018. Nguồn tin từ Sở GTVT TP.HCM xác nhận vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 3 giờ 30 phút đối với sà lan tải trọng 473 tấn (BKS Long An – 00627) chở cát lưu thông từ hướng sông Sài Gòn vào Kênh Tẻ. Khi vừa qua cầu Tân Thuận 2 thì phương tiện này bất ngờ va chạm với sà lan (BKS Tiền Giang – 14527) chở đá có tải trọng 734 tấn lưu thông cùng chiều. Do lực va chạm khá mạnh nên sà lan Long An bị thủng mạn và bị chìm ở phía bờ quận 4, làm ảnh hưởng đến luồng tuyến lưu thông qua khu vực này, nhưng rất may không có thiệt hại về người. Được biết Khu quản lý Đường thủy nội địa (Sở GTVT TP) đang phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành trục vớt phương tiện và điều tra nguyên nhân của vụ tai nạn.
Tương tự, vào lúc 5 giờ sáng 4-7 tại khu vực vùng nước đối diện cảng ELFGAS trên sông Sài Gòn cũng xảy ra một vụ va chạm gây thiệt hại về người và tài sản. Vụ việc xảy ra ở khu vực gần bờ Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2), khi tàu PROSPER chở container (trọng tải 8.515 DWT, dài 119m) từ cảng VICT đi về phía hạ lưu sông Sài Gòn, đã va chạm với sà lan tải trọng 895 tấn, chở 600m3 cát (lưu thông từ cầu Phú Mỹ hướng về TP.HCM). Vụ tai nạn khiến cho sà lan bị chìm, một người bị thương nặng và 2 người mất tích. Hai người mất tích là thuyền trưởng Trần Văn Tặc (SN 1962) và thuyền viên Phạm Văn Nghĩa (SN 1986). Đến 13 giờ 35 ngày 5-7, thi thể của hai người đã được lực lượng chức năng tìm thấy. Khoảng hơn 2 tháng trước đó, vào ngày 19-4, trên sông Sài Gòn (đoạn gần cầu Phú Mỹ, quận 7) cũng xảy ra một vụ va chạm làm cho một sà lan chở hơn 200 tấn xi măng bị chìm xuống sông. Vụ tai nạn gây thiệt hại về tài sản, còn 3 thuyền viên may mắn được cứu hộ an toàn.
Lỗi của người điều khiển phương tiện
Sở GTVT TP.HCM chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa TP chú trọng công tác kiểm tra về điều kiện an toàn kỹ thuật. Đặc biệt đối với những phương tiện sắp hết hạn đăng kiểm, trung tâm cần yêu cầu chủ phương tiện thực hiện đăng kiểm một cách kịp thời, nhằm góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường thủy theo quy định chung. |
Theo nhận định của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, một trong những nguyên nhân gây ra các vụ TNGT đường thủy là do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Điều đáng nói là trong đó có một số người không có chứng chỉ bằng cấp chuyên môn, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm hoặc kém chất lượng. Ông Hoàng Văn Hùng (Chi cục trưởng Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam) lưu ý, giao thông đường thủy khu vực phía Nam ngày càng phát triển nhanh chóng, nên khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy là rất lớn. Tuy nhiên, mặt hạn chế là số lượng thuyền viên có chứng chỉ, bằng cấp về chuyên môn còn thấp. Nhằm khắc phục tình trạng này, ông Hùng cho rằng các địa phương cần nâng cao ý thức của các chủ phương tiện, người điều khiển thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật…
Riêng đối với TP.HCM, bên cạnh công tác tuyên truyền cho đội ngũ tham gia vận tải đường thủy được chú trọng một cách thường xuyên, Sở GTVT TP.HCM cũng đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn TP trong mùa mưa năm nay. Theo đó, Sở GTVT đề nghị công an TP chỉ đạo lực lượng cảnh sát đường thủy tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện. Trong đó, tập trung giám sát các phương tiện vận chuyển hành khách và phương tiện vận chuyển hàng hóa. Sở cũng yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như chở quá tải; không có giấy phép rời cảng, bến thủy nội địa; các bến thủy nội địa hoạt động không phép…
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng giao cho Cảng vụ Đường thủy nội địa TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, các điều kiện an toàn hoạt động bến thủy nội địa đưa – rước hành khách, khách du lịch, xếp dỡ vận chuyển hàng hóa… Sở khuyến cáo cảng vụ tuyệt đối không cấp giấy phép ra vào cảng hoặc các bến thủy nội địa không đảm bảo an toàn hoạt động hoặc chở quá trọng tải cho phép. Ngoài ra, Sở GTVT cũng chỉ đạo Trung tâm Đăng kiểm phương tiện thủy nội địa TP chú trọng công tác kiểm tra về điều kiện an toàn kỹ thuật. Đặc biệt đối với những phương tiện sắp hết hạn đăng kiểm, trung tâm cần yêu cầu chủ phương tiện thực hiện đăng kiểm một cách kịp thời, nhằm góp phần đảm bảo trật tự ATGT đường thủy theo quy định chung.
Đinh Vũ
Bình luận (0)