Liên tiếp các vụ bạo lực học đường xảy ra trong trường học thời gian qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Ở đó những áp lực, mâu thuẫn của học sinh được lắng nghe và hóa giải một cách kịp thời…
Nhà trường phải tổ chức nhiều sân chơi trải nghiệm cho học sinh, qua đó sẽ ngăn ngừa được tình trạng bạo lực học đường (ảnh minh họa)
Bạo lực học đường xuất phát từ đâu?
Hiện nay, “bạo lực học đường” có lẽ là cụm từ gây ám ảnh với nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh học sinh. Thậm chí, nếu quan sát những vụ bạo lực trong trường học thời gian gần đây có thể thấy dường như đang ở mức dã man hơn, không còn chỉ đơn thuần là học sinh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Theo các nhà giáo dục, bạo lực học đường thường xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân của học sinh và thiếu sự can thiệp kịp thời của gia đình, thầy cô và nhà trường. Mạng xã hội phát triển, tự do cá nhân lên ngôi đang là “mồi lửa” khiến cho bạo lực học đường luôn sẵn sàng manh nha và có đất sống. “Nếu làm một thống kê thì gần như 100% học sinh bậc THCS, THPT đang sử dụng mạng xã hội. Các em sống trong môi trường mạng còn mạnh mẽ hơn môi trường thật, với những tương tác bạn bè, thể hiện cá tính. Cũng trong môi trường ảo này, những mâu thuẫn sẽ dễ phát sinh hơn vì nó giấu mặt. Mâu thuẫn đôi khi chỉ từ một bình luận, một bức ảnh, một dòng trạng thái đăng tải… Song, điều đáng nói là chính những mâu thuẫn ảo này lại được học sinh mang ra ngoài đời thực, trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường”, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) nhìn nhận. Ngoài ra, thầy Phú phân tích thêm, lứa tuổi học sinh THCS, THPT đang trong giai đoạn định hình cái tôi cá nhân, các em luôn muốn chứng tỏ bản thân, thể hiện mình. Vì vậy, một mâu thuẫn nhỏ cũng có thể được đẩy lên cao trào nếu không có sự can thiệp kịp thời của người lớn. “Tác động trong môi trường sống từ gia đình, xã hội cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến phát sinh bạo lực học đường”, thầy Phú nói.
Tương tự, hiệu trưởng một trường THCS ở Q.1 (TP.HCM) cũng cho hay, hiện nay học sinh khó kiềm chế được cảm xúc của bản thân, các em dễ bị kích động với những điều không vừa ý mình. “Điều này có thể xuất phát từ môi trường giáo dục của gia đình khi các em được nuông chiều, bảo bọc quá kỹ. Các em lấy môi trường giáo dục tại nhà và mang lên trường để cư xử với bạn bè. Tại trường, từng có tốp học sinh chỉ vì… nhìn không ưa mà hẹn nhau để nói chuyện”, vị hiệu trưởng cho biết.
Vị hiệu trưởng trên cũng khẳng định, có rất nhiều nguyên nhân để dẫn đến bạo lực học đường, song điều quan trọng là bạo lực vẫn cứ nhen nhóm từ chính môi trường giáo dục, từ phía gia đình, nhà trường. Khi học sinh không được lắng nghe, không được chia sẻ, thấu hiểu thì dù chỉ một mâu thuẫn rất nhỏ cũng trở thành nguyên nhân phát sinh bạo lực.
Ngăn ngừa bạo lực bằng tình yêu thương, sự chia sẻ
Một giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng “liều thuốc” để ngăn ngừa và triệt tiêu bạo lực học đường không gì khác đó là bằng tình yêu thương, sự chia sẻ, quan tâm từ phía gia đình, nhà trường. Trong gia đình, trong trường học, trước khi dạy dỗ cần phải làm bạn với học sinh để các em “cởi” được lòng mình, chia sẻ những điều bản thân đang gặp phải. “Ngăn ngừa bạo lực học đường phải đến từ hai phía, nhà trường và gia đình, cùng chung tay giáo dục học sinh. Cha mẹ thay vì tạo áp lực lên đứa trẻ thì hãy quan tâm đến cảm xúc của con khi học ở trường; với thầy cô, nhà trường, trước khi dạy học sinh những bài học trong sách vở thì hãy làm bạn với các em, dạy các em những bài học về sự yêu thương, quan tâm, chia sẻ… Trường học hạnh phúc không phải là hô khẩu hiệu, không đến từ những điều “đao to búa lớn” mà xuất phát từ những sự giản đơn như vậy”, giảng viên này nhận định.
Từ kinh nghiệm tổ chức, xây dựng những mô hình, sân chơi cho học sinh với sự tham gia nhiệt tình của giáo viên, cô Hoàng Thị Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, TP.Thủ Đức) đánh giá, tác động mà mô hình “giáo viên cùng học, cùng chơi” với học sinh mang lại hiệu quả giáo dục rất lớn. “Đến thời điểm này, toàn trường có 13 câu lạc bộ dành cho học sinh sinh hoạt. Trong đó, 9 câu lạc bộ có sự hỗ trợ của giáo viên, 4 câu lạc bộ do cựu học sinh hỗ trợ. Vào giờ ra chơi, các câu lạc bộ luân phiên hoạt động, thu hút đông đảo học sinh, giáo viên trong trường tham gia. Chính các sân chơi này đã kéo học sinh ra khỏi điện thoại, game, mạng xã hội để các em cùng vui chơi với thầy cô, bạn bè, từ đó gắn kết mối quan hệ thầy cô, bạn bè để hạn chế các mâu thuẫn phát sinh, ngăn ngừa bạo lực học đường”, cô Hảo chia sẻ.
Cô Hảo cho biết thêm, nhiều học sinh khối 10 khi mới vào trường rất rụt rè, nhút nhát, các em không dám đến gần thầy cô bộ môn, Ban Giám hiệu nhà trường. Thế nhưng, qua các sân chơi như đá cầu, chơi cầu lông, ca hát, kéo co với bạn bè, thầy cô, các em đã mạnh dạn hơn rất nhiều. “Bây giờ, thậm chí nhiều em còn sẵn sàng đặt vấn đề, thẳng thắn bày tỏ mong muốn với nhà trường về việc tạo thêm các sân chơi cho học sinh. Điều vui mừng nhất là từ các sân chơi này, học sinh đã chịu cởi mở, chia sẻ với thầy cô về những cảm nhận, về các vấn đề bản thân đang gặp phải để thầy cô, nhà trường kịp thời hỗ trợ, gỡ khó cho các em”, cô Hảo vui mừng nói.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho rằng các sân chơi gắn kết giữa thầy cô với học sinh là mô hình rất cần thiết cần được nhân rộng trong nhà trường, góp phần quan trọng trong việc giáo dục học sinh. Các mô hình này sẽ tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, thầy cô cùng học, cùng chơi với học sinh sẽ xóa nhòa ranh giới, khoảng cách thầy trò, kéo học sinh đến gần với bạn bè, thầy cô hơn. “Khi thầy cô làm bạn với học sinh, các em sẽ chia sẻ những câu chuyện từ học hành, gia đình, bạn bè của bản thân cho thầy cô biết. Có khi, các câu chuyện này học sinh không chia sẻ với gia đình nhưng lại sẵn sàng chia sẻ với thầy cô. Môi trường học đường thân thiện là cách để đẩy lùi bạo lực học đường”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)