Những năm gần đây, kỳ thi THPT quốc gia luôn luôn thay đổi. Ngành giáo dục xem đó là một phần thành công của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Chúng tôi, những giáo viên trực tiếp giảng dạy thì thấu hiểu sâu sắc đó là một kỳ thi gò học sinh vào một cái khuôn cho phù hợp với các kiểu ra đề của bộ. Mỗi năm mỗi kiểu khiến quá trình dạy và học nhọc nhằn hơn bao giờ hết!
Thí sinh ra về sau buổi thi môn văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Yến Hoa |
Chỉ xin đơn cử môn văn – môn mà chúng tôi trực tiếp giảng dạy hơn 30 năm qua.
1. Môt chặng dài, đề thi văn có biểu điểm 10 cho một bài nghị luận văn học ở dạng đề tổng hợp. Người dạy phải hướng dẫn học sinh đọc kỹ đề, gạch chân những từ quan trọng, phân tích đề, tìm ý, tìm dẫn chứng tiêu biểu, xác định thể loại… Với dạng đề này học sinh phải biết tổng hợp kiến thức, phải có tư liệu văn học phong phú tích lũy cả một quá trình học. Để đạt điểm khá giỏi, học sinh phải có kiến thức và cao hơn nữa là có năng khiếu về môn văn.
Công cuộc đổi mới đề thi bắt đầu từ khoảng năm 2000 (năm đầu tiên của thế kỷ mới), đề thi có thêm câu giáo khoa 2 điểm, bài nghị luận văn học 8 điểm. Câu giáo khoa chỉ hỏi ở nội dung văn học nước ngoài. Dạng câu hỏi tiểu sử tác giả, tóm tắt tác phẩm, nêu ý nghĩa tác phẩm… nên việc học để đạt 2 điểm trong đề thi không quá khó, vả lại chỉ khoanh vùng trong 5 tác giả văn học nước ngoài cùng phép loại trừ khiến việc ôn tập nhẹ nhàng. Thầy và trò có một chút thở phào trong không khí đổi mới.
Đổi mới nâng thêm một bước nữa ở những năm tiếp theo là câu hỏi giáo khoa không dừng lại ở văn học nước ngoài mà cả văn học Việt Nam. Thế là mỗi kỳ ôn thi, giáo viên phải rà soát không dưới 50 câu hỏi các loại. Để có 2 điểm cả thầy và trò bắt đầu chiến dịch dò bài “Tác phẩm sáng tác năm nào? Nhà văn sinh năm nào? Quê hương ở đâu? Tựa đề có ý nghĩa gì?… Trò khổ học và thầy lại khổ dò!
2. Đổi mới thêm một lần nữa phần nghị luận văn học 8 điểm trong kỳ thi ĐH chia làm 2 bài (bài luận 5 điểm kiến thức lớp 12, bài luận 3 điểm kiến thức lớp 11). Cách thức ra đề không còn dạng tổng hợp mà ra những kiến thức nhỏ trong tác phẩm (phân tích nhân vật, phân tích đoạn thơ, phân tích giá trị tác phẩm…). Với dạng đề này trò chỉ cần học thuộc bài giảng của thầy, hoặc bài văn mẫu, nếu trúng là có điểm cao. Vì vậy, đã có tranh cãi về bài văn đạt điểm 10 sau khi báo đăng thì phát hiện ra đó là bài văn mẫu… Thêm một lần nữa đổi mới được đánh giá là toàn diện hơn khi đưa văn bản nhật dụng, đọc hiểu và nghị luận xã hội vào đề thi văn. Cấu trúc đề thi gồm văn bản đọc hiểu (3 điểm), bài nghị luận xã hội (3 điểm ), nghị luận văn học (4 điểm). Với cấu trúc đề này, việc dạy và học không chỉ dừng lại ở học tác phẩm văn học trong nhà trường mà cần mở rộng kiến thức xã hội. Giờ học văn, giáo viên có thể cùng học sinh đọc một tờ báo, kể một câu chuyện về từ đời sống, câu chuyện danh nhân… Khi bài nghị luận văn học chỉ còn thang điểm 4 thì trò không phải vật vã học và luyện các bài giảng của thầy hay bài văn mẫu. Trò có thể trình bày ý kiến của mình về một vấn đề trong đời sống dưới dạng một bài văn nghị luận xã hội theo khuôn mẫu đáp án của Bộ GD-ĐT. Bài văn phải có 3 phần (mở bài, thân bài và kết luận, phần thân bài gồm nhiều đoạn văn thể hiện các thao tác trong văn nghị luận giải thích, chứng minh, bàn luận, mở rộng…). Dẫu là khuôn mẫu nhưng với cấu trúc đề thi như lần đổi mới này thì việc dạy và học văn đã hướng đến toàn diện hơn. Trò làm quen với việc trình bày ý kiến của mình và khi ra đời sống có thể viết một văn bản nhật dụng đạt yêu cầu. Thầy và trò đang làm quen với cấu trúc đề thi mới, thì công cuộc đổi mới “hai chung” hay “ba chung” lại thêm một lần nữa đề thi thay đổi.
Xã hội hiện đại đổi thay, việc dạy và học cần phải thay đổi để có một lớp trẻ đáp ứng yêu cầu của thời đại. Những đổi mới của thi cử như cách đổi mới môn văn, chúng tôi nghĩ sẽ đánh mất sự sáng tạo của người dạy và học! |
3. Điều đáng nói lần đổi mới trong hai năm gần đây với biểu điểm là: đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Phần nghị luận xã hội chỉ còn là một đoạn văn khoảng 200 từ. Và đã có những tranh cãi (đoạn văn có phải là một bài văn thu nhỏ gồm giải thích, bàn luận, mở rộng… hay đoạn văn có được chấm xuống dòng không hay viết hơn 200 từ có được không? Khoảng như thế nào thì đạt 200 từ…). Và thực chất học sinh viết kiểu gì cũng được, đạt yêu cầu hay không tùy người chấm bài và thậm chí nhìn qua là đã có thể phán điểm trong chấm thi ở phần này. Trò thì bảo “em viết được” mà giám khảo bao giờ cũng chỉ cho 1 điểm hoặc 1,25 điểm. Như vậy là thước đo kỹ năng và tri thức của học sinh ở phần đoạn văn chưa ổn. Chưa kể vừa năm trước dạy viết bài văn nghị luận phần thân bài gồm nhiều đoạn văn, năm sau lại sửa lại chỉ viết một đoạn văn không được chấm sang hàng trong phần nghị luận xã hội… Và kết quả điểm văn kỳ thi THPT quốc gia năm nay phần nào phản ánh những bối rối trong đổi mới đề thi của Bộ GD-ĐT.
Bài nghị luận văn học 4, hay 5 điểm các dạng đề cũng thay đổi chủ yếu kiến thức lớp 12, hay có khoảng bao nhiêu phần trăm lớp 11…, và đã có những gượng ép trong kết hợp đối chiếu so sánh như đề thi vừa qua. Giáo viên dạy lớp cuối cấp thường đùa với nhau là bị quay “chóng mặt luôn”, cứ chờ đề thử nghiệm rồi mới biết dạy như thế nào?…
4. Điểm qua những dạng đề thi văn suốt trong gần hai thập kỷ qua để thấy thực chất việc đổi mới dạy văn của giáo dục nước nhà chỉ là “kỹ xảo” ở phần ngọn, không mang tính đột phá phù hợp với sự đổi thay có ý nghĩa của xã hội. Việc dạy và học văn ở trường THPT thực chất chỉ ứng phó với kỳ thi quốc gia.
Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi khao khát đổi mới bằng nhiều thử nghiệm như nâng cao văn hóa đọc bằng việc sắp xếp lại cấu trúc chương trình để thêm tiết đọc sách cố định, dạy học theo dự án, dạy học thuyết trình…, nhưng chỉ áp dụng cho học sinh lớp 10 và lớp 11. Lớp 12 bắt buộc phải ngừng lại mọi đổi mới, sáng tạo để đón gió đổi mới đề thi từ thông tin của Bộ GD-ĐT. Xã hội hiện đại đổi thay, việc dạy và học cần phải thay đổi để có một lớp trẻ đáp ứng yêu cầu của thời đại. Những đổi mới của thi cử như cách đổi mới môn văn, chúng tôi nghĩ sẽ đánh mất sự sáng tạo của người dạy và học!
Nguyễn Thị Ngọc
(Giáo viên Trường THPT Giồng Ông Tố, Q.2, TP.HCM)
Bình luận (0)