Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Mạng xã hội phát giác tiêu cực

Tạp Chí Giáo Dục

Cho đến thời điểm này tất cả những ai có chút quan tâm và cả hiểu biết về ngành giáo dục chắc chẳng thể đứng ngoài cuộc và không quan tâm trước những tiêu cực tại Hà Giang trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua. Dù các quan chức có con cháu được nâng điểm tìm cách cố chứng minh sự vô tư và tỏ thái độ không đồng tình thì vẫn không thuyết phục được dư luận. Nếu còn được phanh phui thêm tiêu cực ở các địa phương khác thì đây không chỉ là một vụ tiêu cực mà là nhiều lỗ hổng từ trước tới nay có một số người cố tình che đậy. Chắc chắn đây là lời cảnh báo nghiêm khắc không chỉ cho giáo dục mà cho tương lai đất nước không chỉ dừng ở một mùa thi, một kỳ thi.

Điều đáng nói là sự phát hiện ấy không phải từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức phản biện xã hội, báo chí chính thống mà chính mạng xã hội. Những người tìm ra sự bất minh ấy là các nhà giáo bình thường. Họ là một nhóm giáo viên đang công tác tại trường phổ thông ở Hà Nội. Với con mắt nhà nghề tinh tường và sự công tâm, các thầy cô đã nhìn thấy sự bất thường của bảng thống kê điểm và cảm thấy băn khoăn với một cái gì đó bất ổn nên đã nêu ra vấn đề trên mạng xã hội facebook. Ban đầu phạm vi còn rất hẹp chỉ thu hút được sự chú ý của các học sinh rồi sau đó sức lan tỏa rộng lớn hơn là sự quan tâm của báo chí và cả xã hội vào cuộc. Thử hỏi không có mạng xã hội, liệu họ có điều kiện và can đảm để báo các cơ quan chức năng có thẩm quyền không? Cho dù họ đủ can đảm báo cáo thì hiệu quả thế nào? Tiêu cực trong thi cử không phải là chuyện mới mà nhiều năm trước đã có manh nha ở một số địa phương trên cả nước. Nhưng chưa có vụ tiêu cực nào được “vào cuộc quyết liệt” để giải quyết rốt ráo.

Có thể nói bên cạnh những mặt tiêu cực, rõ ràng mạng xã hội đôi lúc cũng phát huy được tác dụng của nó, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

H Văn Hoàng
(Phòng GD-ĐT Hương Khê, Hà Tĩnh)

 

Bình luận (0)