Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Viết tiếp bài “Phương án nào cho Hội thi GV dạy giỏi?” (ngày 16-9): “Bị” đi thi

Tạp Chí Giáo Dục

Thi giáo viên dạy giỏi là công việc thường xuyên của ngành giáo dục trong mấy chục năm qua. Trên lý thuyết, hội thi có mục tiêu, ý nghĩa rất hay. Thế nhưng, thực tế hội thi đem đến nhiều điều phiền toái cho giáo viên và cho cả nhà trường.

Về phía giáo viên dự thi, chủ trương của ngành giáo dục là động viên, khuyến khích giáo viên tham dự hội thi nhưng hầu hết giáo viên dự thi là bị bắt buộc phải dự thi, nói khéo là được động viên tham gia. Vì sao giáo viên không tích cực, chủ động tham gia hội thi? Giáo viên có kiến thức tốt, chuyên môn vững nhưng dễ mất bình tĩnh khi có đông người dự giờ sẽ không dám thi thố. Giáo viên có giọng nói không truyền cảm, không tự tin về ngoại hình của bản thân… cũng không dám dự thi. Giáo viên có đầy đủ các yếu tố để dự thi: kiến thức tốt, chuyên môn vững, bình tĩnh, tự tin cũng không đăng ký dự thi vì tham gia tốn quá nhiều thời gian, công sức mà không mang lại một lợi ích gì cho bản thân, cho nghề nghiệp ngoài sự khen thưởng. Tham gia hội thi, giáo viên không chỉ chuẩn bị tốt cho các tiết dạy mà còn phải tìm hiểu thêm các kiến thức để thi viết, thi thuyết trình, phải viết sáng kiến kinh nghiệm, soạn giáo án, phải làm đồ dùng dạy học phù hợp cho tiết dạy, phải dạy thử nhiều lần… Để làm những điều đó, giáo viên dự thi chắc chắn phải bỏ bê các tiết dạy chính khóa của mình. Sau hội thi, giáo viên tham gia phải trở về lớp “chạy bài” cho kịp chương trình của học sinh. Đi thi, giáo viên có giải thì còn được an ủi. Nếu không đoạt giải, công sức, thời gian của các thầy cô ấy trở thành hoang phí. Các tiết dạy của hội thi giáo viên dạy giỏi thực tế là “biểu diễn”. Một tiết dự thi, thầy cô phải mất nhiều thời gian dạy đi dạy lại nhiều lần để rút kinh nghiệm, để được góp ý sửa chữa, làm sao cho thật nhuần nhuyễn để không có sơ sót khi dự thi. Chính vì thế, giáo viên thường nói vui khi thấy thầy cô đi thi là: “Hôm nay “đóng phim” phải không? Nhớ diễn giỏi nha!”.

Về phía nhà trường cũng không ít khó khăn khi đến mùa thi giáo viên dạy giỏi. Nếu không giáo viên nào đăng ký dự thi, ban giám hiệu nhà trường phải “khản cổ” động viên thầy cô đăng ký. Động viên không được, nhà trường phải “ép” bằng nhiều hình thức: giáo viên đăng ký chiến sĩ thi đua phải thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên là đảng viên, đoàn viên phải thi giáo viên dạy giỏi, mỗi khối lớp phải có 1 giáo viên đăng ký dự thi… Các trường nhỏ có khoảng mười mấy lớp càng khổ sở hơn vì hội thi diễn ra thường xuyên. Nhiều thầy cô tham dự hội thi năm nay, vài năm sau lại bị ép đi thi nữa vì không có nguồn. Vậy là có nhiều giáo viên… bị thi giáo viên giỏi hoài, thậm chí từng đoạt giải cao rồi, cũng bị đi thi nữa. Theo quy định, nhà trường phải tổ chức thi cấp trường, từ đó mới cử giáo viên thi cấp quận/huyện. Giáo viên đoạt giải cấp quận/huyện mới được cử dự thi cấp tỉnh/thành. Vậy là nhà trường phải lập ban giám khảo chấm thi. Theo đó, ban giám khảo cũng phải chấm bài lý thuyết, sáng kiến kinh nghiệm, dự giờ… Ai sẽ đoạt giải để dự thi cấp quận/huyện là điều đã biết trước vì phải chọn người có khả năng biểu diễn tự nhiên nhất khi đi thi nhưng phải tổ chức thi cho đúng thủ tục. Sau đó, ban giám hiệu nhà trường, tổ trưởng chuyên môn, các giáo viên có chuyên môn vững vàng cùng chăm lo cho người dự thi cấp quận/huyện. Vậy là cả trường cùng bỏ thời gian, bỏ lớp, bỏ công sức cho một, hai người dự thi cấp quận/huyện.

Mọi thứ từ hồ sơ dự thi, đồ dùng dạy học cho đến giáo án dạy đều có sự đóng góp của nhiều người. Giáo viên dự thi chỉ cần thuộc giáo án (chúng tôi thường nói đùa là “thuộc tuồng”), bình tĩnh, tự tin khi dạy (chúng tôi thường gọi là “diễn giỏi”) là có thể tham gia thi giáo viên dạy giỏi.

Giáo viên đoạt giải cao trong hội thi thực chất chỉ là giáo viên có sự chuẩn bị tốt nhờ sự hỗ trợ của nhiều người để có tiết dạy biểu diễn thu hút.

Theo tôi (một giáo viên có hơn 30 năm dạy học), trong thực tế không có giáo viên dạy giỏi chỉ có giáo viên có nhiều tiết dạy thành công.

Lê Phương Trí

 

Bình luận (0)