Khi năm học mới được bắt đầu, khoảng 10.000 giáo viên đã về hưu sẽ tiếp tục đứng lớp trong ít nhất một năm theo chính sách của Bắc Kinh nhằm giảm nghèo và thu ngắn tình trạng bất bình đẳng về giáo dục ở những vùng hẻo lánh của Trung Quốc.
Một ngôi trường làng chỉ có 3 học sinh ở tỉnh Cam Túc. CHỤP TỪ CLIP SCMP
Tờ SCMP hôm 29.7 cho biết các giáo viên giỏi đã về hưu hoặc đang tiếp cận tuổi hưu (ngưỡng 65 tuổi) sẽ tiếp tục được ký hợp đồng giảng dạy tại các trường thuộc khu vực nông thôn.
Đây là một phần của chính sách nhằm xóa nghèo và thu ngắn tình trạng bất bình đẳng về giáo dục ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh và kém phát triển, bao gồm vùng thiểu số và biên giới như Tân Cương.
Dù hoan nghênh động thái trên, một số chuyên gia giáo dục của nước này nghi ngờ về tính hiệu quả của phương pháp này trong việc cố gắng kéo gần khoảng cách giáo dục giữa nông thôn và thành thị.
Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến phản đối việc tận dụng nguồn nhân lực từ giáo viên về hưu với lý do là phần lớn số người cao tuổi không phù hợp tiếp tục đứng lớp vì kiến thức và tư duy đã lỗi thời.
Động lực đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng đang tạo nên ảnh hưởng khủng khiếp cho môi trường giảng dạy ở nông thôn.
Trong vài thập niên gần đây, hàng triệu người nông thôn di cư đến các thành phố lớn ở miền đông Trung Quốc để tìm việc làm, và đa số họ đều mang theo con cái.
Hậu quả là tỷ lệ nhập học tại các trường nông thôn giảm sút, khiến giới hữu trách gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực giảng dạy tại trường làng.
Phi Yến/TNO
Bình luận (0)