Tôi dạy môn văn ở trường chuyên của tỉnh. Nhiều năm, tôi được phân công dạy những lớp chuyên toán, chuyên hóa hoặc chuyên Anh văn. Dạy môn văn nên ai cũng có một tâm hồn nhạy cảm! Vì vậy, mọi hành vi, cử chỉ của học sinh đối với người dạy, với môn văn (dù cố ý hay vô ý) luôn làm cho tôi phải băn khoăn, day dứt. Vài tuần đầu, các em còn chú ý lắng nghe, phát biểu nhưng càng về sau, đôi khi các em tỏ thái độ coi thường bộ môn ra mặt.
Ngay cả giáo viên dạy các môn KHTN cũng có thái độ coi thường môn văn và các môn KHXH nói chung. Có giáo viên toán từng nói với học sinh rằng: học mấy môn đó (môn KHXH) làm gì nhiều cho mất thời gian. Bài thi môn văn viết chừng một trang giấy là được hai điểm rồi, khỏi liệt là được!
Tôi cảm thấy mình bị xúc phạm và sự nhiệt tình, cảm xúc trong bài giảng cũng vơi dần theo thời gian. Tôi về nhà kể cho vợ nghe và được lời khuyên: học sinh thích học thì học, không thích học thì thôi, đừng bắt ép các em và cũng đừng la rầy vì biết đâu có cả gia đình, cha mẹ đã “định hướng” cho các em học như vậy!
Đến giờ văn, nhiều em vắng với nhiều lý do… chính đáng. Hoặc có ngồi học, các em luôn làm việc riêng, thậm chí đưa bài môn khác ra làm bài tập… Đã nhiều lần các em được tôi nhắc nhở, phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm làm việc nhưng cũng không thay đổi được tình hình.
Không riêng gì môn văn, các môn khác như sử, địa, giáo dục công dân cũng đều bị các em… không muốn học. Nhưng nhà trường vẫn đưa ra chỉ tiêu cuối năm phải đạt tỷ lệ bao nhiêu giỏi, bao nhiêu khá… cho giáo viên bộ môn. Thế là dù học khơi khơi nhưng cuối năm điểm tổng kết vẫn cao vời vợi; học sinh giỏi năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu giáo viên nào không đạt tỷ lệ đó thì khi xét “lao động tiên tiến” và các danh hiệu thi đua khác ở cuối năm học sẽ bị cắt.
Không biết bao giờ mới chấm dứt được sự học lệch trầm trọng này. Đã đưa vào chương trình phổ thông thì các môn học bình đẳng; không biết từ bao giờ có sự phân biệt môn chính, môn phụ. Học sinh học lệch dẫn đến giáo viên cũng dạy lệch. Dạy cho có, dạy cho qua “cửa ải”; điểm số thì cho một cách rộng rãi, thoải mái, không đúng với thực chất, với thái độ học tập của học sinh đối với bộ môn.
Theo tôi, nhà trường, thầy cô có đánh giá khách quan thì may ra học sinh mới chịu học. Vấn đề đặt ra là chương trình phải phù hợp, sách giáo khoa phải gọn, hấp dẫn và giáo viên giảng dạy cần có tâm, có tầm, có năng lực để biết cách khơi được mạch ngầm ham học hỏi, ham tìm hiểu của học sinh.
Lam Sơn (Sóc Trăng)
Bình luận (0)