Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ (Giám đốc ĐH Đà Nẵng), kỳ thi THPT quốc gia những năm qua đã tạo ra một cơ sở dữ liệu rất tốt để các trường ĐH làm căn cứ xét tuyển. Vì vậy, cần giữ ổn định cách thi và xét tuyển qua các năm. Tuy nhiên, để hạn chế tiêu cực trong thi cử thì cần có các giải pháp kỹ thuật để hạn chế tối đa điều đó.
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Q.3, TP.HCM) hướng dẫn học sinh làm hồ sơ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Y.Hoa |
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho biết giai đoạn 5 năm qua là thời gian có nhiều thay đổi lớn trong công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH. Công tác tổ chức thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH được cải tiến dần qua các năm. Năm 2017 có thể nói là năm ngành giáo dục đã đạt được những tiến bộ rõ rệt và theo lộ trình thì kinh nghiệm này được tiếp tục duy trì trong 3 năm tiếp theo trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Những đổi mới thi cử của Bộ GD-ĐT trong thời gian qua đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ xã hội, nhìn chung là tích cực. Kỳ thi THPT quốc gia đã đạt được mục tiêu giảm số lần thi cử và áp lực di chuyển đến trường thi. Từ 4 kỳ thi mỗi năm trước đây, bây giờ thí sinh chỉ dự thi 1 kỳ thi duy nhất. Tuy cá biệt có xảy ra tiêu cực gần đây tại một số địa phương khiến dư luận xã hội lo lắng về tính công bằng, khách quan của kết quả thi nhưng phải thừa nhận một cách tổng thể rằng kỳ thi THPT quốc gia đánh giá đúng năng lực của thí sinh. Kết quả thi là căn cứ tốt nhất trong bối cảnh hiện nay để các trường ĐH xét tuyển.
Từ những phân tích đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng Bộ GD-ĐT cần giữ ổn định cách thi và xét tuyển qua các năm, tránh tình trạng thay đổi liên tục gây tâm lý hoang mang trong thí sinh và xã hội. Tuy nhiên, cũng cần rút kinh nghiệm thực tiễn về những bất cập còn tồn tại để đề ra những giải pháp kỹ thuật nhằm loại trừ tiêu cực trong thi cử.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, thay đổi lớn nhất trong tuyển sinh năm 2018 là các trường có quyền tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia và trong xét tuyển theo học bạ. Đây là một chủ trương phù hợp của Bộ GD-ĐT trong lộ trình tăng quyền tự chủ của các trường ĐH. Theo đó, các trường ĐH buộc phải tự xác định vị trí của mình thông qua điểm sàn để khẳng định với xã hội. Quy chế tuyển sinh cũng cho phép các trường tự xây dựng đề án tuyển sinh, cách thức tuyển sinh riêng phù hợp với đặc điểm của ngành đào tạo.
Việc các trường ĐH tự xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2018 theo các tiêu chí đảm bảo chất lượng cũng là một thay đổi lớn để các trường thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội. Ngoài ra, một trong những quy định của Bộ GD-ĐT áp dụng từ năm nay là các trường phải công khai tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp để thí sinh biết và cân nhắc lựa chọn đăng ký xét tuyển.
Về tổng thể mà nói, quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT đã thực sự cởi trói cho các trường để đảm bảo tuyển sinh công bằng, minh bạch. Những trường, ngành tốt sẽ có nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển. Những trường, ngành chưa tạo dựng được uy tín tất yếu sẽ gặp khó khăn. Từ đó các trường cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng. Đây cũng là một trong những mục tiêu đổi mới giáo dục ĐH theo tinh thần Nghị quyết 29.
Công tác thi, đánh giá năng lực thí sinh để lấy kết quả tuyển sinh là hoạt động lâu dài, cần thực hiện chuyên nghiệp từ khâu ra đề đến khâu coi thi, chấm thi, công bố kết quả thi. |
Để kết quả thi khách quan, công bằng, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng cần có một số điều chỉnh như: tăng cường vai trò của trường ĐH trong việc tổ chức thi ở tất cả các khâu như coi thi, chấm thi, phúc khảo. Đồng thời phải xem đây là trách nhiệm của các trường ĐH vì chính các trường sử dụng kết quả này để xét tuyển; tăng cường việc kiểm tra, giám sát lẫn nhau giữa trường ĐH và các sở GD-ĐT trong toàn bộ quá trình tổ chức thi; tổ chức chấm thi tập trung, ít nhất là đối với bài thi trắc nghiệm, theo cụm hoặc cho cả khu vực; hạn chế tối đa việc chấm bài thi của địa phương để đảm bảo tính khách quan, công bằng; các khâu quan trọng liên quan đến thông tin của thí sinh như làm phách, quét điểm… cần áp dụng biện pháp cách ly để đảm bảo tính bí mật như đã thực hiện trong ra đề và in sao đề thi…
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cũng cho rằng, thời gian tới Bộ GD-ĐT nên đầu tư để xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn. Đồng thời rút kinh nghiệm hai năm vừa qua xây dựng bộ đề thi phù hợp, không quá khó, không đánh đố thí sinh, có tính phân hóa tốt để giúp các trường thuận lợi trong tuyển sinh.
Công tác thi, đánh giá năng lực thí sinh để lấy kết quả tuyển sinh là hoạt động lâu dài, cần thực hiện chuyên nghiệp từ khâu ra đề đến khâu coi thi, chấm thi, công bố kết quả thi. Với số lượng thí sinh rất lớn trên toàn quốc và nhu cầu lấy kết quả thi để xét tuyển của các trường ĐH, thiết nghĩ đã đến lúc cần thành lập một tổ chức khảo thí độc lập, khách quan để đánh giá năng lực của người dự thi và để sử dụng kết quả đánh giá này cho nhiều mục đích khác nhau.
Vĩnh Yên (ghi)
Bình luận (0)