Khi nói đến sách giáo khoa, thường có hai vấn đề lớn đáng quan tâm, đó là chương trình giảng dạy và nội dung giảng dạy (của một môn học cụ thể) như thế nào. Bởi không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước, sách giáo khoa vừa là một công trình khoa học khuôn mẫu vừa thể hiện quan điểm chính thức của Nhà nước về nhiều kiến thức mang tính nền tảng.
Học sinh tiểu học quyên góp sách giáo khoa tặng các bạn có hoàn cảnh khó khăn (ảnh minh họa). Ảnh: Y.H
Trong chừng mực nào đó, sách giáo khoa phản ánh nhận thức của chế độ cầm quyền về thế giới quan và các nhận định về tình hình các nước trên thế giới. Chẳng hạn, quan niệm về vai trò của đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến II của các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Việt Nam… cơ bản giống nhau nhưng sẽ khác nhiều so với cách nhìn nhận của Nhật Bản hiện nay…
Thời gian gần đây, vấn đề sách giáo khoa ở nước ta lại được bàn rất nhiều. Ban đầu là đề cập về chương trình, nội dung với Chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018), sau đó là các kiến thức trong sách (vốn đã gây tranh cãi không ít khi so sánh giữa một số bộ sách giáo khoa với nhau). Sau đó, nhiều người đã nhắc đến các yếu tố mang tính “mặt trái” của sách giáo khoa, như vấn đề liệu có “lợi ích nhóm” trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa, về giá cả của sách, về việc “tái sử dụng” sách, về việc cho thuê sách… Dù là “mặt trái” nhưng tất cả các vấn đề đều rất đáng bàn.
Có lẽ điều được nhiều người quan tâm là liệu sách giáo khoa có phải là một mặt hàng kinh doanh không, tức là người ta có tính toán yếu tố lời lãi trong việc in và phát hành sách giáo khoa không. Hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất phải xem sách giáo khoa là loại hàng hóa đặc biệt; trước đó, Bộ GD-ĐT đã có kiến nghị đưa sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng Nhà nước quản lý về giá. Điều đó có nghĩa rằng, việc xuất bản, phát hành sách giáo khoa phải tuân thủ những nguyên tắc về giá nhưng về cơ bản không thể xem nó là hàng hóa để kinh doanh như các mặt hàng khác, ít nhất cũng là so với các loại sách khác. Bởi đây là hàng hóa nhằm phục vụ một nhóm đối tượng công chúng đặc biệt, cho một mục tiêu đặc biệt có tính chất đáp ứng lợi ích của quốc gia, của toàn xã hội. Do đó, nếu tổ chức hoặc cá nhân nào có ý đồ trục lợi bất chính (ngoài quy định chung) trên sách giáo khoa thì cần phải được ngăn chặn và xử lý thích đáng. Cũng vì phục vụ một nhóm đối tượng đặc biệt, cho một mục tiêu đặc biệt nên cách phục vụ cũng phải đặc biệt. Một số hàng hóa khác có thể có nhiều chủng loại để khách hàng lựa chọn theo thẩm mỹ, nhu cầu và điều kiện kinh tế của mình nhưng sách giáo khoa thì không, chỉ nên có một và cũng chỉ có một giá, đáp ứng cho tất cả các khách hàng trong cả nước. Đương nhiên, với một số đối tượng khách hàng đặc biệt, như học sinh ở hải đảo, vùng biên giới, vùng cao…, Nhà nước phải có chính sách trợ giá nhằm bảo đảm trẻ nào cũng được trang bị sách giáo khoa đầy đủ, kịp thời. Do đó, cần thiết phải xây dựng giá của sách giáo khoa hợp lý với thu nhập của người dân, trong đó phải lấy mức sống ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn làm chuẩn.
Trên cơ sở nhìn nhận như vậy, sách giáo khoa không nên in bằng giấy quá tốt, trình bày quá đẹp, bởi điều đó sẽ làm tăng giá thành, ảnh hưởng đến việc tiêu dùng của các hộ gia đình khó khăn. Dẫu có ý kiến cho rằng hiện nay điều kiện kinh tế đã được cải thiện nhiều, sách giáo khoa không chỉ nên bảo đảm về mặt nội dung mà cần đẹp, bền, thì điều này cũng rất cần cân nhắc. Mức sống của người dân đã được cải thiện qua từng năm nhưng không vì thế mà cần nâng chất về hình thức của sách giáo khoa (dĩ nhiên phải bảo đảm một tiêu chuẩn nhất định) mà có thể hướng sự cải thiện đó để nâng cao một số mặt khác của giáo dục, như tham gia đóng góp về nâng cao cơ sở kỹ thuật của giáo dục, từ trường lớp cho đến thiết bị dạy và học. Ngoài ra, khi mức sống người dân tăng cao thì có thể tham gia vào việc trả lương cho giáo viên (thông qua việc tăng học phí, nếu hợp lý) để tiếp tục tác động đến việc nâng cao chất lượng dạy và học.
Một vấn đề lớn đã được đặt ra là việc “tái sử dụng” sách giáo khoa như thế nào cho hợp lý, hiệu quả. Trước đây, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc truyền lại bộ sách giáo khoa từ người này sang người khác là rất cần thiết. Hiện nay, trước mỗi năm học, nhiều phụ huynh và giáo viên cũng đi vận động, quyên góp sách giáo khoa để tặng cho học sinh nghèo, học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Nhìn ở góc độ đó, việc sử dụng lại sách giáo khoa là cần thiết và tích cực, không chỉ tiết kiệm cho xã hội mà còn thể hiện tinh thần sẻ chia, nhân ái, đồng thời khích lệ sự giữ gìn cẩn thận của học sinh để dành làm một việc có ý nghĩa sau khi kết thúc năm học. Trước mắt, điều này vẫn nên được duy trì và khuyến khích để có thể giúp đỡ cho những trẻ khó khăn có thêm cơ hội được học tập tốt.
Tuy nhiên, nhìn chung, nhất là với sự phát triển của xã hội, chi phí trang bị một bộ sách giáo khoa (dù ở bậc học nào) so với thu nhập của hầu hết các gia đình ở nước ta hiện nay là khá nhỏ. Trong khi đó, sách giáo khoa hiện được biên soạn có xu hướng “cá nhân hóa”, tức cho người học được trực tiếp điền, đánh dấu, tô màu… vào sách (nhất là ở bậc tiểu học). Do đó, việc người học sau phải dùng cuốn sách đã có nhiều “vết tích” từ người học trước có thể không thực sự tích cực cả về mặt tâm lý lẫn hiệu quả. Nếu nhìn ở góc độ này, việc dùng lại sách giáo khoa có thể không phải là một giải pháp hay. Vì vậy, khi đặt ra vấn đề dùng lại thì cần có những định hướng phù hợp để học sinh không viết, vẽ quá nhiều vào sách (trừ những chỗ thật cần thiết).
Từ thực tiễn này, đề xuất Nhà nước bỏ ngân sách in (hoặc mua) sách giáo khoa để cho học sinh mượn hoặc cho thuê tuy là một ý kiến mang tính cộng đồng và chia sẻ cao nhưng có thể khó thực hiện. Vấn đề kinh phí để thực hiện việc này đương nhiên đáng bàn nhưng điều quan trọng hơn là việc quản lý, sử dụng nguồn sách này, tính hiệu quả của nó… Thậm chí, trong chừng mực nào đó, có thể dẫn đến việc hiểu nhầm là Nhà nước thực hiện việc bao cấp đối với sách giáo khoa.
Với các vấn đề của sách giáo khoa, khi dư luận bàn nhiều về những yếu tố “mặt trái”, thì có thể hiểu rằng người dân có phần thiếu niềm tin, chưa yên tâm về sách giáo khoa. Chính điều này cho thấy cách quản lý, định hướng các vấn đề có liên quan đến sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT là chưa thực sự thuyết phục. Do đó, Bộ GD-ĐT cần có nghiên cứu thấu đáo để giải quyết “bài toán” sách giáo khoa theo hướng phục vụ tốt, nhiều nhất, tiện lợi nhất, hiệu quả nhất cho đối tượng công chúng đặc biệt, là học sinh, chính là chồi non, là tương lai của đất nước!
ThS. Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)