Ngày 27-6, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (KCNC) TP.HCM tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào KCNC năm 2022. Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM đã đến dự hội nghị.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá cao kết quả hoạt động, sự đóng góp của KCNC đối với nền kinh tế của TP và cả nước. Không chỉ đóng góp cho ngân sách, việc làm mà còn là định hướng phát triển mới để góp phần tái cơ cấu nền kinh tế TP và đất nước, như vậy có điều kiện gia tăng giá trị, nâng tầm chất lượng của nền kinh tế.
Ông Phan Văn Mãi cho biết, KCNC đã thành lập phát triển qua 20 năm cần nhìn lại những điểm được, chưa được và nhìn cả xu thế phát triển của giới để định hướng không chỉ cho khu mà định hướng phát triển khu gắn với phát triển kinh tế TP và đất nước. Qua đó, đặt ra vấn các đề cần thiết cho Chính phủ, TP.HCM để chuẩn bị sẵn sàng khung pháp lý, điều kiện phát triển trong thời gian tới.
Với 20 năm phát triển, có nhiều nhà đầu tư vào khu thành công theo đúng định hướng phát triển CNC để CNC dẫn dắt sự phát triển kinh tế TP và đất nước. Nhưng cũng nhìn thấy còn những dư địa để chúng ta tiếp tục cải thiện, tái cơ cấu để tài nguyên CNC được sử dụng tối đa nhất, không chỉ tạo ra giá trị cho KCNC mà còn tác động lan toả cho kinh tế TP và đất nước.
Trên cơ sở đó, với những định hướng phát triển TP.HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, khu vực, ông Phan Văn Mãi đề nghị KCNC cần có những góp ý định hướng phát triển các ngành CNC, công nghiệp, công nghệ thông tin, dược và các ngành nghiên cứu phát triển để TP xác định rõ hơn trọng tâm, từ đó có những khung pháp lý và chính sách phát triển để CNC trở thành một trong 5 trụ cột động lực TP.Thủ Đức, TP phía đông tương tác cao và TP.Thủ Đức là trung tâm động lực mới của TP.HCM.
“20 năm hình thành phát triển khu đã tạo dựng được nền tảng, nhưng 20 năm tới chắc chắn hướng đi, trọng tâm sẽ khác nên chúng ta cần có định hướng cụ thể để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới”, ông Phan Văn Mãi nói.
Ông cũng lưu ý, mô hình hoạt động của KCNC cũng dẫn đến các yêu cầu phải cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về thủ tục hành chính và các điều kiện hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Đây là những vấn đề mà khu nên tiếp thu, có kế hoạch hành động cụ thể để giải quyết. “Bởi nếu chúng ta bàn việc lớn mà không giải quyết việc cụ thể thì cũng bế tắc”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM (ngoài cùng bên trái) trao giấy chứng nhận và tặng hoa chúc mừng các nhà đầu tư
KCNC TP.HCM được thành lập năm 2002 với sứ mạng là xây dựng nền móng công nghiệp công nghệ cao cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung và tầm nhìn trở thành tiểu khu đô thị khoa học và công nghệ.
Đến nay, KCNC đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 163 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD (trong đó: nước ngoài (FDI) đạt 10,107 tỷ USD, trong nước đạt 1,961 tỷ USD). Trong đó có nhiều dự án của các tập đoàn, công ty công nghệ cao, như: Intel (Hoa Kỳ), Samsung (Hàn Quốc), TTI (Đức), NTT (Nhật Bản)… Các doanh nghiệp không chỉ hoạt động hiệu quả mà còn liên tục tăng vốn, đầu tư mở rộng sản xuất tại Khu, đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất nhập khẩu của TP.
Năng suất lao động tại Khu ước đạt 16,6 lần của cả nước. Bước đầu tại khu hình thành các hệ sinh thái ngành mạnh trong các lĩnh vực điện tử – CNTT, công nghệ sinh học – dược phẩm, cơ khí chính xác và tự động hóa và công nghệ vật liệu mới.
Với hội nghị xúc tiến đầu tư vào KCNC lần này được tổ chức với mục tiêu: Quảng bá và mời gọi đầu tư vào KCNC đến tổ chức quốc tế; công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư: Trung tâm Logistic KCNC, khu dịch vụ CNC, nhà xưởng thông minh cho thuê phục vụ các ngành công nghệ 4.0; khu R&D – Ươm tạo- Đào tạo, khu sản xuất CNC; hướng dẫn quy trình đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư vào KCNC; góp phần cùng TP thực hiện các giải pháp nhanh chóng phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid -19;…
N.Trinh
Bình luận (0)