Ngày nay, xã hội hóa giáo dục không còn là câu chuyện mới. Trường công – trường tư trong quan niệm của mọi người cũng có nhiều biến chuyển theo chiều hướng tích cực nhằm tạo ra nhiều cơ hội học tập cho người học. Tuy vậy, bức tranh giáo dục đang dần nảy sinh nhiều yếu tố khác thuộc về cách tư duy, cách thực hiện. Ý kiến này là góc nhìn cá nhân của một người công tác trong ngành giáo dục về chế độ tuyển sinh đang diễn ra vô cùng khốc liệt hiện nay.
Hiện nay thí sinh chưa kịp nghỉ ngơi thư giãn sau kỳ thi THPT quốc gia với nhiều áp lực, căng thẳng, đã liên tiếp nhận được các lời “chào mời” từ các trường ĐH, CĐ thông qua nhiều hình thức: từ việc nhận được thư mời với “hình dạng” giấy báo trúng tuyển gửi qua đường bưu điện đến việc mỗi ngày nhận hơn 3-4 cuộc gọi điện thoại từ nhiều trường khác nhau. Cũng giống câu chuyện tiếp thị các loại hình sản phẩm khác như nhà đất, bảo hiểm, trang trí nội thất…, các chàng trai cô gái tuổi vừa 18 được nhân viên nhiều trường ĐH, CĐ tư vấn từ A đến Z về những ưu thế, lợi ích khi học tại trường. Và không quên kèm theo đó là các thông tin ưu đãi (được tặng ba lô, mũ bảo hiểm; được giảm giá nếu đóng học phí trọn gói 1 năm, 2 năm hoặc thậm chí là cả khóa học), các lời hứa hẹn (đảm bảo không tăng học phí suốt khóa học, “bao lo” việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường)… Ngay cả khi các em đã chọn được trường, vẫn liên tục bị làm phiền bởi các cuộc gọi tư vấn. Mỗi ngày 3-4 trường gọi đến, có lẽ, dần trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Thậm chí, để thêm phần… thuyết phục (và cũng là để tận dụng nguồn nhân lực), có trường yêu cầu giảng viên trực tiếp gọi điện thoại để “mời chào” thí sinh thay cho nhân viên/chuyên viên phòng, ban tuyển sinh!
Cạnh tranh nguồn tuyển đang diễn ra vô cùng khốc liệt giữa các trường ĐH, CĐ trong mỗi mùa tuyển sinh. Sự lo lắng về chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường lộ rõ đến độ những sinh viên đang theo học tại trường cũng cảm nhận được. Hoàn cảnh như vậy, lẽ nào không ảnh hưởng đến kết quả của việc dạy và học? Chắc chắn tâm lý của người trong cuộc không khỏi bị ảnh hưởng. Người dạy sẽ xuất hiện như thế nào trong các buổi giảng trước những sinh viên của mình khi các em cảm thấy nhà trường cần sinh viên ra sao?
Tuyển sinh là một trong những hoạt động khó có thể thiếu trong một cơ sở đào tạo. Tuy vậy, thiển nghĩ, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến cách thực hiện như thế nào để không phản cảm, không gây ức chế cho những người trong cuộc, và không tạo hình ảnh xấu trong dư luận xã hội.
Nhã Nhã
Bình luận (0)