BV Bạch Mai (Hà Nội) là BV tuyến cuối ở miền Bắc. Theo đó hầu hết các ca bệnh nặng và nguy kịch ở những tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ đều được các BV tuyến tỉnh chuyển lên. Trung tâm Cấp cứu A9 chính là nơi tiếp nhận đầu tiên. Ở trung tâm này, sự sống và cái chết của người bệnh chỉ cách nhau trong gang tấc…
Trung tâm Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai
Nín thở chờ… “tử thần” bỏ đi
Tại Trung tâm Cấp cứu A9, bệnh nhân cấp cứu ban đầu được khám sàng lọc và đánh giá lâm sàng nhanh. Bác sĩ thu thập thêm một số thông tin như lý do đến khám, chức năng sống, tình trạng ý thức, dáng vẻ chung của bệnh nhân, khả năng đi lại. Tất cả thông tin bệnh nhân, các chỉ định điều trị… đều được ghi chép vào hồ sơ bệnh án.
Bệnh nhân sau phân loại được chuyển cấp cứu 1. Riêng những ca nguy kịch điều trị tại cấp cứu số 3, thở bằng máy và được theo dõi liên tục. Nhiều trường hợp đột ngột chuyển biến xấu, bác sĩ luôn phải trong trạng thái sẵn sàng.
Bố của chị Lê Thị Hiển (Thái Bình) cũng đã từng phải nằm ở cấp cứu 3 – Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai. Chị Hiển nhớ lại: “Đầu tháng 3, bố tôi thấy mệt trong người, chán ăn, mặt, tay chân bị phù. Thế nên chúng tôi đưa ông tới BV tỉnh khám. Tại đây các bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm cầu thận. Điều trị khoảng 2 tuần thì tình trạng phù đã giảm đáng kể, việc ăn uống cũng khá hơn nên BV cho xuất viện. Về nhà, ông bắt đầu làm những việc lặt vặt như quét sân, ra vườn hái rau, đi chợ mua thực phẩm tươi sống về sơ chế và nấu ăn… Những việc này ông vẫn làm trước khi nhập viện, cũng không phải là việc nặng nhọc gì nên chúng tôi không cản. Được khoảng một tuần thì chân trái của ông từ đầu gối trở xuống bắt đầu đỏ, nóng và sưng. Lúc đó chúng tôi chủ quan cứ nghĩ chắc bị con gì đốt. Nhưng chỉ một đêm thì chân ông sưng rất to, xuất hiện bỏng nước lớn chứa dịch màu sẫm nên gia đình vội đưa ông nhập viện. Tại BV, các bác sĩ ngay lập tức cho chuyển tuyến lên BV Bạch Mai. Nghe đến 4 chữ BV Bạch Mai là đã thấy sợ rồi vì ở đây toàn bệnh nhân rất nặng, bệnh nhân nguy kịch… Bố tôi nhập viện tại Trung tâm Cấp cứu A9 vào lúc chiều muộn. Lúc đó các bác sĩ cho biết, ông nhiễm một loại vi khuẩn gây hiện tượng viêm cân mạc hoại tử (dân gian hay gọi là vi khuẩn ăn thịt người, bởi vi khuẩn này gây viêm và phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ trong một thời gian rất ngắn – PV); tình trạng của ông rất nặng, đêm nay là đêm quyết định có qua khỏi hay không. Nghe bác sĩ nói vậy mà mấy anh chị em chúng tôi như muốn rớt tim ra ngoài. Ngay lập tức ông được lọc máu cũng như xử lý vết thương. Nguyên đêm đó, chúng tôi không ai ngủ được. Ngoài một người túc trực bên giường bệnh của ông, còn lại thì ngồi vật vờ ở ngoài sân phía trước trung tâm cấp cứu cầu mong chuyện không hay sẽ không xảy ra. Ngày hôm sau, khi bình minh ló dạng cũng là lúc chúng tôi nhận được tin vui của bác sĩ là bố đã qua cơn nguy kịch. Lúc đó chúng tôi mới thở phào nhẹ nhỏm…”.
Không chỉ gia đình chị Hiển mà rất nhiều gia đình có người thân nhập viện tại Trung tâm Cấp cứu A9, BV Bạch Mai phải trải qua những giây phút kinh khủng như vậy. Họ chỉ biết nín thở chờ… “thần chết” bỏ đi. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn như gia đình chị Hiển. Bởi Trung tâm Cấp cứu A9 được mệnh danh là “chuyến xe định mệnh cuối cùng của người bệnh”…
Bảo vệ và kit test
Mặc dù số ca mắc Covid-19 ở nước ta đã giảm sâu, mỗi ngày chỉ còn 2-3 ngàn ca, nhiều ngày không có ca tử vong. Và ở ngoài cộng đồng, các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã được nới lỏng rất nhiều. Thậm chí với không ít người, khẩu trang cũng đang dần trở nên vướng víu. Tuy nhiên, trong BV thì khác. Riêng đối với Trung tâm Cấp cứu A9 – nơi mà người bệnh đang phải đứng giữa lằn ranh giữa sự sống và cái chết, nơi mà bác sĩ phải ngày đêm chiến đấu với “tử thần” để giành giật sự sống cho bệnh nhân thì các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trước đây vẫn không hề lỗi thời. Trong đó, bảo vệ và kit test là 2 trợ thủ đắc lực nhất để BV ngăn chặn Covid-19 tấn công người bệnh…
Vào một ngày đầu tháng 4-2022, chồng của bà Trần Thị Lương (tỉnh Nghệ An) được BV địa phương chuyển tuyến lên BV Bạch Mai. Tại Trung tâm Cấp cứu A9, chồng của bà Lương được test nhanh Covid-19 rồi nhập viện.
“Sau đó, tôi cũng phải làm xét nghiệm nhanh. Khi có kết quả 1 vạch, y tá phát cho tôi một cái áo dành cho người nhà bệnh nhân. Và chỉ những người có cái áo này mới được vào chăm sóc người bệnh”, bà Lương cho biết.
Cũng theo bà Lương, tuần đầu tiên nhập viện, chồng của bà nằm ở cấp cứu 1. Vì đây là nơi dành cho bệnh nhân nặng nên rất hạn chế người nhà bệnh nhân ra vào. Theo đó, “tôi và những người nuôi bệnh chỉ được vào chăm sóc người nhà ở những khung giờ nhất định. Cụ thể, buổi sáng sau khi vệ sinh cá nhân và cho người bệnh ăn thì phải ra ngoài để bác sĩ thăm khám. Trưa, chiều thì được vào cho người bệnh ăn uống. Thỉnh thoảng tôi cũng len lén vào để cho chồng ăn trái cây, uống sữa, uống nước, đi vệ sinh. Tuy nhiên chỉ vào được 15-20 phút là bảo vệ vào tận giường kêu ra ngay. Còn buổi tối thì người nhà được ở lại với người bệnh. Thời gian còn chúng tôi ngồi ở ngoài sân phía trước trung tâm cấp cứu, khi nào bác sĩ cần sẽ phát loa gọi. Cũng mừng là ở bên ngoài BV đã trang bị rất nhiều ghế gỗ, có mái che (che mưa che nắng) để người nhà bệnh nhân ngồi ban ngày và ngủ ban đêm. Không những vậy BV còn trang bị các trụ nước uống (nóng – lạnh), nhờ vậy mà chúng tôi giảm được nhiều tiền mua nước uống; trang bị nhà vệ sinh, nhà tắm có nước nóng lạnh để người nhà bệnh nhân vệ sinh cá nhân, tắm giặt…”, bà Lương cho hay.
Hơn 10 ngày chăm sóc mẹ ở cấp cứu 2 (dành cho bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch) – Trung tâm Cấp cứu A9 BV Bạch Mai, chị Bùi Hà Thanh (Hà Nội) kể: “Nhà tôi cách BV chỉ 7km nhưng muốn về nhà cũng khó. Vì mấy chị y tá nói, nếu gia đình muốn thay người dù chỉ nửa ngày thì người mới bắt buộc phải test, khi tôi quay vào cũng phải test lại. Vào đây rồi thì gần như không ra ngoài. Vì ra thì không khó nhưng vào lại là cả một vấn đề, phải qua rất nhiều cửa và luôn có bảo vệ canh… Nhiều lúc thấy cũng rất bất tiện nhưng bù lại yên tâm cái khoản phòng chống được dịch bệnh Covid-19. Tuy bây giờ ai cũng đã tiêm 3 mũi vắc-xin nên nếu có nhiễm bệnh cũng nhẹ. Song đều này chỉ đúng với những người khỏe mạnh, còn với người bệnh, nhất là những người đang phải nằm cấp cứu thì nguy cơ vẫn rất cao nếu chẳng may mắc Covid-19. BV làm khó cũng là có ý tốt cho người bệnh…”, chị Hà nói.
Triều Hòa
Bình luận (0)