Giấc mơ đưa trường học ở Việt Nam trở thành trường hạnh phúc đang từng ngày được thực hiện. Ở đó, mỗi ngày học sinh (HS) đến trường là mỗi ngày vui, giáo viên (GV) đến trường mỗi ngày là một niềm hạnh phúc. Và ở đó, những áp lực về giáo trình giảng dạy, về thay đổi sách giáo khoa… được “hóa giải” một cách khoa học.
GS. Hà Vĩnh Thọ (trái, nguyên Giám đốc Chương trình Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc dân Bhutan) chia sẻ về dự án “Trường học hạnh phúc tại Việt Nam”
“Nuôi dưỡng những cảm xúc tích cực và xử lý các cảm xúc mạnh mẽ của trẻ là những kỹ năng đầu tiên để giáo dục các em. Để lan truyền được những cảm xúc tích cực đó, trước hết GV phải luôn mang trong mình cảm xúc tích cực. Nói cách khác, đó phải là một người GV hạnh phúc. Và điều quan trọng nhất đó là GV dám chấp nhận thay đổi mình”, GS. Hà Vĩnh Thọ (nguyên Giám đốc Chương trình Trung tâm Tổng hạnh phúc quốc dân Bhutan) chia sẻ trong hội thảo “Trường học hạnh phúc ở Việt Nam – Giấc mơ trở thành hiện thực”, do Dự án trường học hạnh phúc ở Việt Nam tổ chức.
Đưa cảm xúc xã hội vào… nhà trường
Theo GS. Thọ, những vấn đề rất điển hình mà GV hàng ngày phải đối mặt đó là việc HS đến lớp không hoàn thành bài tập về nhà, việc HS không tập trung trong giờ dạy… “Theo cách truyền thống, thông thường GV sẽ la mắng HS. Thế nhưng, với cách làm này sẽ không có kết quả. Thậm chí còn khiến cho các em trở nên uể oải, chán nản. Thời đại này là thời đại của sự xao nhãng, phân tâm do từ nhỏ các em đã bị chi phối bởi quá nhiều sự kích thích. Hãy cho HS được nói ra cảm xúc của mình trong môi trường học đường. Từ đó sẽ rèn luyện ý thức và khả năng tập trung của HS từ chính nhận thức của bản thân. Xa hơn nữa, việc đưa cảm xúc xã hội vào trường học còn giúp GV nuôi dưỡng được những cảm xúc tích cực cho HS, giúp các em hình thành nên lòng biết ơn với cha mẹ, thầy cô và công nhận những điều tích cực từ bạn bè mình”, GS. Thọ phân tích.
Tuy nhiên, GS. Thọ cũng cho rằng để tạo ra trường học hạnh phúc thì những tác động ở trường là chưa đủ, còn cần đến sự đồng hành của gia đình, xã hội. Cụ thể, cha mẹ cần làm gương cho trẻ để các em nhìn vào đó học tập theo. Từ đó hình thành cho trẻ kỹ năng lắng nghe. Chính kỹ năng lắng nghe sẽ dẫn đến những kỹ năng sâu hơn như lòng trắc ẩn.
Trước tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, việc xây dựng trường học hạnh phúc là điều cực kỳ cần thiết. Nhưng để tạo ra một môi trường mà HS luôn cảm thấy đó như một gia đình, điều này theo GS. Thọ lại phụ thuộc rất nhiều vào thái độ tích cực của GV. Làm sao phải nhìn thấy được những thành công và phẩm chất mà các em có chứ không phải là nhìn thấy thứ mà HS mình đang yếu, đang thiếu.
GV phải là những người hạnh phúc
Dự án “Trường học hạnh phúc tại Việt Nam” được xây dựng lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, ứng dụng mô hình học tập cảm xúc và xã hội. Dự án kỳ vọng hướng đến mục tiêu hỗ trợ phát triển một khung chương trình rõ ràng và các phương pháp thực hành kỹ năng hạnh phúc cho hệ giáo dục tại Việt Nam, từ mầm non đến khi trưởng thành để “gieo mầm” hạnh phúc trong nhà trường. Dự án đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. |
Trong hội thảo, GV Trường Tiểu học Tuệ Đức (Q.12, TP.HCM) cho biết ở trường đã áp dụng hình thức “đưa cảm xúc xã hội vào trong nhà trường”, thế nhưng vấn đề đặt ra là “có nhiều em, đặc biệt là HS tiểu học và THCS thường xuyên bịa ra chuyện về gia đình để kể”. Trước băn khoăn này, GS. Thọ cho rằng chính GV phải làm tốt công việc chia sẻ cảm xúc của mình cho các em một cách thành thật nhất, phải dám chấp nhận thay đổi mình thì mới mong các em chia sẻ ngược lại.
Đã đưa những môn học nhập môn như quản lý cảm xúc, các kỹ năng sống hạnh phúc vào nhà trường từ cách đây 3 năm, ông Dương Trần Minh Đoàn (Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ) cho biết tỷ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng đã giảm hẳn, đồng thời mối quan hệ giữa sinh viên và giảng viên trong trường trở nên gắn kết, thấu hiểu. “Để áp dụng thành công, đầu tiên chính những người quản lý, giảng viên phải… đến trường với tâm thế hạnh phúc. Chính điều này sẽ tạo ra những cảm xúc tích cực cho sinh viên”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Trong lần đầu tiên triển khai “Trường học hạnh phúc ở Việt Nam” tại 6 trường công lập ở Huế (tháng 4-2018), ThS. Trần Thu Hà (thành viên của dự án, từng là giảng viên Trường ĐH Hoa Sen) cho biết thực trạng hiện nay là GV không biết giáo dục cảm xúc là gì trong khi đó lại bị quá tải bởi những giáo trình mới, SGK mới… “Có những GV nói rằng đang đến lúc chán nghề. Khi tạo ra được môi trường trường học hạnh phúc chính là giúp GV làm công việc của họ một cách nhẹ nhàng, hạnh phúc, không phải gồng mình trước những áp lực”, ThS. Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, để tạo ra môi trường trường học hạnh phúc thì trước tiên GV phải chính là những người hạnh phúc. Khi đó mới tạo ra vòng tròn lan tỏa theo vết dầu loang. “Người GV phải hiểu được cảm xúc của mình, phải mạnh dạn thay đổi bản thân thì mới có thể giúp thay đổi HS của mình”, ThS. Hà nhấn mạnh.
Yến Hoa
Bình luận (0)