Phong trào #metoo không chỉ thuộc về thế giới người lớn, cô bé 11 tuổi trong bài viết dưới đây là minh chứng thuyết phục nhất kể câu chuyện về một thế hệ nữ giới tự “cứu” lấy mình.
Miguel Guadalupe – cây viết quen thuộc trên các chuyên mục xã hội của các báo Huffington Post, CNN, Fatherly vừa mới chia sẻ trải nghiệm đặc biệt của mình và con gái. Anh kể:
Cô con gái của anh Miguel Guadalupe |
Vài tuần trước, con gái tôi trở về chẳng mấy vui vẻ vì nghe được những lời lẽ sặc mùi kỳ thị giới tính. Những câu nói từ nhóm bạn trai có lẽ khiến con bé thật sự tổn thương.
Bé đang học lớp Sáu, 11 tuổi và trong giai đoạn khá nhạy cảm – giai đoạn giao thoa giữa trẻ con và người trưởng thành. Khoảnh khắc biết con gái mình bị ức hiếp bởi những lời nói của những đứa trẻ nam, thật tình tôi đã mất bình tĩnh.
Suy nghĩ bật ra một cách thật tự nhiên ngay lúc ấy là xông đến trường và làm cho ra lẽ. Tôi sẽ báo với ban giám hiệu, báo với giáo viên chủ nhiệm, buộc những đứa trẻ đã xúc phạm con gái tôi phải xin lỗi. Chuyện ấy chẳng khó tí nào.
Nhưng tôi đã không làm vậy. Nếu làm thế, mọi việc có vẻ như được thu xếp ổn thỏa, nhưng sau đó sẽ là gì? Tôi từng là một cậu bé nghịch ngợm, thích chọc phá bạn bè mà đôi khi chẳng lường trước hậu quả. Những cậu bé đã dành lời không hay cho con gái tôi chắc cũng thế.
Có thể chúng muốn gây sự chú ý, muốn khẳng định mình là nam giới, trêu đùa là cách chúng nghĩ sẽ tôn lên vẻ nam tính của mình. Quá sớm để tôi can thiệp vào câu chuyện của con.
Tôi chọn cách ngồi xuống trò chuyện cùng con gái. Tôi không nghĩ mình có thể giúp được con giải tỏa cảm xúc khó chịu lúc ấy. Tôi chỉ biết mình phải giúp con nhận thấy chính con mới là người phải giải quyết gút mắc trong lòng.
Tôi hỏi con về cảm xúc lúc ấy và hỏi con có dự định gì không. Con bé bắt đầu chia sẻ. Tôi có nhắc con về phong trào #metoo với thông điệp hãy nói ra và tuyệt đối không đổ lỗi cho bản thân. Con đã nói ra được tất cả suy nghĩ, cảm giác ức chế ra sao.
Con khẳng định sẽ hành động. Tôi không đóng góp bất cứ ý kiến nào với cách con giải quyết vấn đề của mình. Con gái tôi chọn cách báo trực tiếp với giáo viên.
Kết thúc buổi trò chuyện giữa hai bố con, con bé khẳng định với tôi rằng, con hoàn toàn không còn suy nghĩ mình là nạn nhân yếu thế và con hoàn toàn có quyền lựa chọn cách phản ứng.
Những gì diễn ra sau đó khiến tôi bất ngờ và thật sự cảm thấy hạnh phúc. Nhà trường đã vào cuộc. Giáo viên đã tìm cách nói chuyện với các em nam sinh, về thái độ không thích hợp.
Phụ huynh các em cũng có những buổi gặp và trò chuyện riêng với giáo viên, không căng thẳng mà hoàn toàn dựa trên sự tôn trọng. Các em sau đó đã xin lỗi con gái tôi. Quan hệ của bọn trẻ sau đó chuyển biến tốt đẹp đến không ngờ.
Nhóm bạn thân của con gái tôi từng khuyên con bé đừng báo với giáo viên mà hãy tự cẩn thận, tránh xa những cậu bạn ấy. Những cô bé này lo rằng con gái tôi sẽ bị tẩy chay, bị gây hấn, bị đổ lỗi, như cách mà hầu hết những cô gái bị “quấy rối” và nhiều người xung quanh vẫn nghĩ. Nhưng không, con gái tôi chọn cách nói ra.
Vợ chồng tôi hiểu quyết định ấy không đến dễ dàng, là cả quá trình đấu tranh giữa suy nghĩ được gì và mất gì của con bé. Tôi và vợ mình may mắn đã chú ý rất nhiều đến nỗ lực giúp con vun đắp giá trị bản thân.
May mà cha dã tìm ra hướng để con tự giải quyết rắc rối.Hình minh họa |
Khi đưa lên bàn cân được gì và mất gì trong câu chuyện của mình, con gái tôi đã quay trở lại những giá trị bản thân mà con đã cam kết, chủ động đẩy mâu thuẫn mình đang đối diện đi đến tận cùng bằng cách tôn trọng chính mình cũng như tôn trọng thái độ thay đổi của những cậu bạn.
Là những phụ huynh, chúng ta không bao giờ muốn con mình phải đối diện với những “cú sốc” tinh thần quá sớm. Với những cô con gái đang lớn, trải nghiệm không vui của con càng khiến các ông bố dễ “điên tiết”. Nhưng, trên tất cả, chúng ta hãy cho đứa trẻ cơ hội can đảm đối diện với thử thách của chúng.
Thiên Anh (theo Fatherly)/Phunuonline
Bình luận (0)