Những tài năng trẻ là lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu sinh, sinh viên giỏi… sẽ được hỗ trợ để chủ trì đảm nhận thực hiện các công trình, các đề tài, dự án và thương mại hóa sản phẩm, công nghệ mới.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2030.
Tại quyết định này, tài năng trẻ được hiểu là công dân Việt Nam đủ 16 đến 35 tuổi ở trong và ngoài nước đạt giải thưởng uy tín cấp quốc gia, quốc tế.
Tiến sĩ Trương Thanh Tùng, một nhà khoa học trẻ được tôn vinh ở Giải thưởng Quả cầu vàng. X.H
Đề án Phát hiện, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ Việt Nam giai đoạn 2022-2030 đặt ra mục tiêu cụ thể hằng năm có tối thiểu 70 % thanh niên được cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách, các hoạt động phát triển, bồi dưỡng, phát huy tài năng trẻ trên các lĩnh vực.
Đến năm 2025, cập nhật khai thác hiệu quả dữ liệu 10.000 tài năng trẻ Việt Nam trong và ngoài nước và năm 2030 sẽ cập nhật khai thác hiệu quả dữ liệu của 30.000 tài năng trẻ trên hệ thống cơ sở dữ liệu tài năng trẻ quốc gia.
Theo đó, năm 2025 cũng sẽ xây dựng vận hành Mạng lưới tài năng trẻ Việt Nam toàn cầu và Công viên số tài năng trẻ quốc gia. Đến năm 2030, sau khi được phát hiện, tôn vinh, có tối thiểu 60 % tài năng trẻ được bồi dưỡng, tham gia các hoạt động chia sẻ tri thức, hỗ trợ cộng đồng, tham gia phát triển kinh tế xã hội
Để phát hiện các tài năng trẻ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức các sân chơi học thuật, năng khiếu, tài năng, các giải thưởng, cuộc thi, hội thi trong các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, chú trọng phát hiện tài năng trẻ là lãnh đạo quản lý, nhà khoa học, doanh nhân, vận động viên, văn nghệ sĩ, nghệ nhân truyền thống, lực lượng vũ trang, người dân tộc thiểu số và tài năng trẻ Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, cần tổ chức hoạt động tập huấn hội trại, hội thảo, diễn đàn giữa các nhà khoa học đầu ngành uy tín trong và ngoài nước với các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, sinh viên giỏi, tài năng nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Từ đó chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về các kết quả nghiên cứu, gợi mở các ý tưởng và liên kết, hợp tác để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của quốc gia.
Học sinh, sinh viên, nhà khoa học trẻ cũng được khuyến khích phát triển kỹ năng nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế. Tiếp theo là các bộ ngành tạo điều kiện hỗ trợ các tài năng trẻ chủ trì đảm nhận thực hiện các công trình, các đề tài, dự án phát triển của ngành, địa phương, đất nước và cùng hỗ trợ kết nối thương mại hóa sản phẩm, công nghệ mới do thanh niên nghiên cứu phát triển.
Cũng theo đề án này, các tài năng trẻ sẽ được gặp gỡ đối thoại định kỳ với lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành. Cứ 5 năm một lần Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam toàn quốc sẽ được tổ chức nhằm tôn vinh các tài năng trẻ và các địa phương có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác phát hiện bồi dưỡng tài năng trẻ…
Theo Mỹ Quyên/TNO
Bình luận (0)