Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có tất cả 37 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch (mức độ nguy hiểm đến đặc biệt nguy hiểm), giảm 3 vị trí so với năm 2017.
Năm 2018, thành phố phát sinh 5 vị trí sạt lở mới
Theo “Kết quả rà soát, đánh giá và phân loại các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn” của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, tính từ đầu năm đến nay, thành phố phát sinh thêm 5 vị trí sạt lở từ mức độ nguy hiểm đến đặc biệt nguy hiểm.
Các vị trí mới gồm bờ phải rạch Tra (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), sạt lở đường vào nhà máy Tân Hiệp, với mức độ sạt lở nguy hiểm. Vị trí thứ hai là bờ phải sông Chợ Đệm – Bến Lức (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh), mức độ đặc biệt nguy hiểm. Vị trí thứ ba, bờ phải rạch Bàu Le (thượng lưu cầu Bàu Le, xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), mức độ nguy hiểm. Vị trí thứ tư, bờ trái sông Sài Gòn, cách cầu Sài Gòn 4,5km về phía thượng lưu, thuộc khu đất số 61 Trần Ngọc Diện, P.Thảo Điền, Q.2 với mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Khu Quản lý đường thủy nội địa đang lập dự án hoặc đang hoàn tất các thủ tục về đầu tư công nhằm xây dựng kè tại hai vị trí trên. Riêng vị trí thứ năm ở Km 00+500, bờ trái, tuyến Tắc Ông Nghĩa (cách hạ lưu cầu An Nghĩa khoảng 400m) thuộc ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ với mức độ đặc biệt nguy hiểm, đã có dự án xây dựng kè do Ban Quản lý đầu tư dự án huyện Cần Giờ làm chủ đầu tư, hiện đang thi công.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có tất cả 37 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch (mức độ nguy hiểm đến đặc biệt nguy hiểm), giảm 3 vị trí so với năm 2017. Trước đó, đã có 8 vị trí được loại khỏi danh mục do khắc phục sạt lở: cơ bản hoàn thành công trình kè bảo vệ bờ hoặc di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm, có mức độ sạt lở bình thường.
Dẫn đầu danh sách địa phương có nhiều điểm sạt lở nhất là huyện Nhà Bè với 12 vị trí, trong đó có đến 8 vị trí mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Kế đó là huyện Cần Giờ với 6 vị trí và Q.2 có 5 vị trí…
Và sông Sài Gòn, chính là con sông có nhiều đoạn bờ bị sạt lở nhất trong tất cả các tài nguyên nước khác của TP.HCM, với 10 vị trí trải dài từ thượng đến hạ lưu, thuộc Q.Thủ Đức (có 4 vị trí), Q.Bình Thạnh và Q.2 mỗi quận 3 vị trí.
Đặc biệt, trên địa bàn Q.2, vị trí sạt lở được đánh số thứ tự 11 nằm trên bờ trái sông Sài Gòn, đoạn hạ lưu cách cầu Sài Gòn 500m, thuộc P.Bình An, được đánh giá mức độ nguy hiểm. Đây chính là vị trí bờ đối diện cụm dự án Vinhomes Tân Cảng, bao gồm tòa nhà 81 tầng Landmark và “công viên” Central Park. Hiện thành phố đang triển khai dự án xây kè dài 250m chống sạt lở đoạn bờ này.
Cũng theo Sở Giao thông Vận tải, từ nay đến cuối năm 2018, sẽ tiếp tục thi công hoàn thành 8 công trình nhằm kéo giảm số vị trí sạt lở trên địa bàn thành phố xuống còn 29 vị trí.
Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản của nhân dân tại các vị trí sạt lở và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kè phòng chống sạt lở bờ sông, Sở Giao thông Vận tải đề nghị các sở, ban ngành và UBND quận, huyện thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của UBND TP.HCM về tiến độ thực hiện các dự án kè bảo vệ bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn.
Quốc Ngọc/ PNO
Bình luận (0)