Trước những thách thức trong kỷ nguyên số, vai trò của người thầy và trường học không còn “cũ kỹ, đóng khung” như xưa; mọi phương pháp sư phạm đều không còn đi theo lối mòn… Đó là lý do Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) tổ chức buổi tọa đàm “Định vị hình ảnh người thầy” vào ngày 21-8 vừa qua.
TS. Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen, thứ hai từ trái qua) cho rằng dù môi trường giáo dục nào, người thầy đáng trân quý vẫn là người thầy đáng trân quý |
Có thể nói buổi tọa đàm đã giúp những người làm công tác sư phạm nhận rõ hơn vai trò giáo dục của mình trong thời hiện đại, để thay đổi cho phù hợp!
Làm sao bắt con cá vàng leo cây cùng con khỉ?
Câu hỏi tưởng như vô lý nhưng TS. Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) cho rằng chính người giáo viên đang làm điều này. “Thầy cô dạy nhiều con người khác nhau về mọi thứ. Một lớp học 40 học sinh là 40 sự khác biệt, không có sự khác biệt nào là giống nhau. Vì vậy, chúng ta không thể dùng mãi một phương pháp để giáo dục toàn thể những khác biệt đó. Thế nhưng, dường như thầy cô chưa quan tâm đúng mức về vai trò này, chưa nhìn nhận đúng sự khác biệt của học sinh”, bà Phượng phân tích.
Trước thách thức này, theo bà Phượng, người giáo viên cần phải hết sức khiêm tốn, học hỏi và lắng nghe xem xã hội chuyển biến gì, học sinh của mình chuyển biến gì. Hiểu được mình làm thầy trong vai trò xã hội hiện đại…
Đồng quan điểm trên, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng (giảng viên Khoa Tâm lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định, chúng ta đang dùng phương pháp thời cổ đại để giáo dục cho tương lai. Nói một cách khác, xã hội đang chuyển biến không ngừng, đặt ra yêu cầu học sinh phải được trang bị các kỹ năng thích nghi và đón đầu cuộc sống. Muốn vậy, bản thân người thầy phải có khả năng thích nghi, biết lắng nghe và nhìn nhận sự sáng tạo, phản biện của học sinh. Linh hoạt trong cách đánh giá học sinh, đừng “đóng khung” mình và “đóng khung” học sinh trong bất kỳ một phương pháp nào.
“Trò giỏi hơn thầy” – áp lực của GD hiện đại
“Chưa bao giờ thấy thách thức như bây giờ!” – Đó là chia sẻ của cô Hoa Hồng (giáo viên môn vật lý Trường THPT Nguyễn Du). Hơn 20 năm đứng lớp, cô Hồng cho hay chưa bao giờ bản thân cô cảm thấy bất an và nhiều thách thức như bây giờ. “Nhiều khi tôi dạy một bài học mới mà cách giải của mình còn dài hơn cách giải của học sinh”, cô Hồng nói. Những lúc như thế, cô Hồng cho biết có cảm giác rất xấu hổ. Bởi học sinh, có thể các em đã hơn giáo viên ở việc tìm hiểu đa chiều và biết điều gì phù hợp với mình.
“Trong thời đại mà lời giải không còn của riêng thầy cô giáo, học sinh có thể dễ dàng tiếp cận với nhiều phương pháp dạy. Bản thân tôi nghĩ rằng, vai trò lúc này của người giáo viên là cần phải hướng dẫn học sinh được phương pháp học tối ưu nhất. Hơn nữa, người thầy cần phải học, học liên tục để cập nhận kiến thức, nâng cao kiến thức, để có thể thích ứng với học sinh”, cô Hồng bộc bạch.
Câu chuyện “trò giỏi hơn thầy”, theo TS. Bùi Trân Phượng, không còn là chuyện lạ mà đã trở thành một điều hết sức bình thường trong giáo dục hiện đại. Bởi học sinh với cái nhìn mới mẻ, sáng tạo cộng hưởng với điều kiện xã hội, về mặt này, mặt kia, các em biết hơn thầy, giỏi hơn thầy, điều đó là hoàn toàn bình thường. “Không có gì là xúc phạm, là xấu hổ cả. Thầy cô hãy chấp nhận điều đó và tạo điều kiện cho học sinh phát triển. Chấp nhận để tự nâng cao năng lực bản thân, không “ngạo mạn” với kiến thức của mình”, bà Phượng chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà Phượng cũng cho hay, không chỉ có giáo dục Việt Nam bất an mà sự bất an này ở toàn thế giới. Dù vậy, bà nhìn nhận nếu bản thân người giáo viên không “mua bằng bán điểm”, không bạo lực thì dù ở môi trường giáo dục thế nào, học sinh vẫn sẽ yêu mến mình. “Môi trường có thế nào đi nữa thì một người thầy đáng trân quý vẫn là một người thầy đáng trân quý. Không thay đổi được”, bà Phượng khẳng định.
Giáo viên phải định vị được mình
Nhìn lại vai trò của nhà trường, TS. Bùi Trân Phượng cho hay trước đây, nhà trường đóng vai trò là trung gian, trung chuyển kiến thức đến người học. Thế nhưng, một lần nữa với internet, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vai trò trung gian đó của nhà trường đang ngày càng đứng trên thách thức. Bởi thực tế, rõ ràng người học đã có thể bỏ qua trường học khi xu hướng homeschool – học tại nhà xuất hiện.
Hãy dùng “thân giáo” để giáo dục trò Tại buổi tọa đàm, TS. Bùi Trân Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen) nhấn mạnh: “Giáo dục hiện đại không còn quan niệm giáo dục là người lớn dạy người nhỏ, người lớn truyền kiến thức cho người nhỏ. Thậm chí, về mặt này, mặt khác, học trò giỏi hơn mình cũng không có gì là chuyện đáng xấu hổ cả. Một người thầy giỏi là một người thầy biết chấp nhận học trò giỏi hơn mình, coi đây là điều bình thường để tạo điều kiện cho học trò phát triển và khiêm tốn, không ngừng học hỏi. Hãy dùng “thân giáo” để giáo dục trò, như thế trò mới phục!”. |
“Có nghĩa là người thầy không còn là vị trí duy nhất nữa. Tri thức phát triển nhanh, mênh mông bao la như thế. Ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, các em cũng có thể học được tri thức. Học sinh chỉ cảm phục nếu người giáo viên luôn sẵn sàng học hỏi thêm cái mới, đón nhận cái mới. Bản thân thầy phải luôn hiếu học thì mới truyền được cảm hứng hiếu học cho trò”, bà Phượng nói.
Nhưng trên hết, theo bà Phượng, học sinh chỉ cảm phục người thầy có đạo đức. Xã hội có thể vinh danh người thầy bằng khen này, danh hiệu kia, nhưng học sinh không phục, không thương thì người thầy cũng chỉ đang “tầm gửi” trên bục giảng mà thôi!
Giữa ranh giới mong manh về vị trí của nhà trường, của người thầy không còn là độc tôn, TS. Nguyễn Thị Bích Hồng cho rằng hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ người giáo viên phải định vị được mình là ai. “Đã là thầy thì không phải là thợ. Đừng đến lớp với vai trò người thợ trong khi xã hội lại khoác cho mình tấm áo thầy. Chính người giáo viên, phải nhìn ra được công việc của mình là công việc thiêng liêng, phải xem mình là giới tri thức để hành động và sáng tạo. Càng trong xã hội hiện đại, càng phải thể hiện rõ vai trò của tri thức, không ngừng sáng tạo, phản biện, đổi mới. Tìm ra cái đúng mà dẫn dắt học sinh của mình”, bà Hồng nhắn nhủ.
Ở vai trò là nhà quản lý giáo dục, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho rằng khi xã hội thay đổi thì người thầy phải thay đổi, nếu không muốn “thua ngay trên sân nhà”. “Mỗi công việc, xã hội luôn đòi hỏi những tính chất khác nhau. Với nghề giáo, đó là đòi hỏi người thầy phải là tấm gương sáng. Tấm gương sáng không phải là hoàn hảo không tì vết. Tấm gương sáng ở đây là người thầy biết nhận ra mình sai, mình thiếu sót trước học sinh. Là việc không ngừng hoàn thiện chuyên môn và sống có tình”, thầy Phú chia sẻ.
Yến Hoa
Bình luận (0)