Hiện nay có không ít doanh nghiệp (DN) đảm nhận đào tạo nghề nhằm tạo nguồn nhân lực cho chính DN và xã hội. Sự tham gia của DN không chỉ giảm gánh nặng đầu tư ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) mà còn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Học sinh một trường TC thực hành nghề điện lạnh |
Nếu như trước đây tìm DN cho học sinh, sinh viên thực tập, thực hành rất khó thì nay đã có nhiều DN chủ động tìm đến các cơ sở GDNN đặt hàng hoặc hợp tác đào tạo. Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) nói: “Nhiều DN rất có trách nhiệm, bởi họ xác định tham gia đào tạo nghề là đào tạo cho chính lao động của DN”.
Người học thích thực hành tại DN
Trường học trong DN được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên cũng chỉ dừng lại ở các tập đoàn, DN có đầu tư mảng đào tạo nghề và con số này chưa nhiều. Trong đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐ-TB&XH cũng khuyến khích DN nước ngoài tham gia lĩnh vực GDNN.
Mặc dù hiện nay các trường TC-CĐ nghề đã đầu tư trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, hầu hết người học đều cho rằng thực hành ở trường không hiệu quả và thú vị bằng thực hành ngay tại DN.
Nguyễn Văn Tuấn (sinh viên Khoa Công nghệ ô tô Trường CĐ Kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ) chia sẻ: “Cũng một bài thực hành, thiết bị đào tạo như nhau nhưng môi trường tại DN sẽ giúp người học tiếp thu bài nhanh hơn. Không phải người thợ cả ở DN giỏi hơn giáo viên của trường nhưng thực tế, người thợ cả có nhiều kinh nghiệm trong xử lý cũng như trang bị kỹ năng cho người lao động mà DN cho là cần thiết”. Cùng quan điểm, Ngô Thanh Hòa (sinh viên Trường CĐ Nghề số 7) khẳng định những buổi thực hành tại DN thú vị hơn nhiều khi làm ở trường. Cụ thể là người học được tiếp xúc trực tiếp với máy móc hiện đại, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, giải quyết ngay những tình huống gặp phải trong thao tác, vận hành sản xuất… “Ở trường, một nhóm từ 5-7 sinh viên thực hành trên một thiết bị, trong khi đó đến DN thì chỉ 1 hoặc 2 sinh viên/thiết bị, lại được thực hành nhiều lần trong ngày”, Hòa đưa ra dẫn chứng.
Trong khi đó, ông Trần Văn Thành (kỹ thuật viên nghề sửa chữa ô tô) đúc kết, giờ thực hành của người học có hiệu quả hay không là do lý thuyết của người đó vững đến đâu. Nếu không nắm chắc lý thuyết thì dù môi trường thực hành có tốt, người hướng dẫn nhiệt tình đến đâu thì cũng bằng không. Ông Thành nói tiếp: Học nhanh hay chậm là do ở người học chứ môi trường thực hành, thực tập chưa hẳn quyết định. Có thể tâm lý người học được “thoát” ra môi trường lý thuyết khô khan, nặng nề và được tiếp xúc với môi trường DN như chính họ đang đi làm có lương vậy nên thoải mái.
“Lâu nay học sinh, sinh viên vẫn phải học thực hành trên những thiết bị, máy móc cũ nhưng ra trường tay nghề các em rất khá, tuy một số kỹ năng còn hạn chế, đặc biệt là kỹ năng nghề. Tuy nhiên, đó là ở giai đoạn DN chưa nâng cấp, đầu tư đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, dây chuyền sản xuất, máy móc hiện đại được trang bị ở DN, chính vì vậy nhà trường cũng phải đầu tư tương xứng”, ông Thành cho biết.
Giảm gánh nặng ngân sách
Trước đánh giá trên của chính người học, bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) cho rằng đó là tâm lý chung của hầu hết học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở GDNN. Bởi dù thiết bị đào tạo thực hành ở nhà trường có hiện đại như thế nào cũng khó có thể theo kịp DN. Chính vì thế, như một số trường TC-CĐ khác, Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương đã ký kết hợp tác với 3 DN để triển khai mô hình đào tạo kép với 30% lý thuyết tại trường và 70% thực hành tại DN.
“Hợp tác với DN triển khai mô hình đào tạo kép khá tốn kém, trong khi đó sắp tới đây các trường sẽ thực hiện cơ chế tự chủ. Để hợp tác hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ của DN quan tâm đầu tư nguồn nhân lực lâu dài cho họ, từ đó có trách nhiệm chia sẻ về tài chính với nhà trường, giảm đầu tư ngân sách cho mua sắm trang thiết bị đào tạo”, bà Thủy đề xuất.
Ông Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM) cũng thừa nhận dù nhà trường có đầu tư trang thiết bị đào tạo song chưa thể đồng bộ đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, việc hợp tác với DN sẽ tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh, sinh viên đến tham quan, thực hành để xây dựng thương hiệu chung cho hai bên.
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) nhìn nhận ở một số ngành nghề, đặc biệt là các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, số ít giáo viên vẫn chưa tiếp cận được với những công nghệ mới. Đây là hạn chế lớn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nghề. Để người học thực hành tại DN đạt hiệu quả cao, ông Lâm yêu cầu các trường và DN phải ngồi lại bàn bạc, thống nhất các nội dung ký kết, trong đó không thể thiếu nội dung cùng nhau xây dựng và hiệu chỉnh chương trình đào tạo. Từ thực tế, DN sẽ chỉ ra những môn học (lý thuyết) nào là cần thiết, những môn hoặc học phần nào phải cắt bỏ, tránh tình trạng học nhưng không vận dụng gây lãng phí thời gian và tài chính.
T.Anh
Bình luận (0)