Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ nhất là mạng internet đã và đang làm cho lượng tri thức con người tạo ra ngày càng nhiều và luôn thay đổi đòi hỏi quá trình dạy học cần phát triển mạnh tư duy sáng tạo của học sinh (HS).
Tuy nhiên, trong dạy học có không ít những rào cản tác động làm ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy sáng tạo ở người học.
Một là: học vẹt và thói quen tư duy nông cạn: Đây là cách học thuộc lòng, tái tạo lại kiến thức, lười suy nghĩ, suy nghĩ hời hợt ở HS. Điều này sẽ tạo ra thói quen lười biếng ở người học làm cho học sinh gặp khó khăn khi tiếp xúc với các vấn đề mới gặp phải.
Hai là: tri giác và suy nghĩ không sâu: HS không biết sử dụng hết các tính năng của các giác quan để quan sát sự vật hiện tượng, chỉ nhìn thấy những biểu hiện bề ngoài, không phát hiện ra cái bên trong vấn đề. Với thói quen này sẽ làm cho tư duy chậm phát triển khi gặp khó khăn người học dễ chán nản, lùi bước.
Ba là: luật lệ và truyền thông hà khắc, trói buộc con người trong xã hội, hành vi chuẩn mực trong tổ chức, cơ quan: Đó là những quy định cứng nhắc điều khiển nhận thức và hành vi của người học nhằm đạt được những cái chung trong tổ chức, nó làm cho HS không dám phá luật, bày tỏ quan điểm cá nhân. Do đó HS nảy sinh tư tưởng chấp nhận sự áp đặt, phục tùng vô điều kiện…
Bốn là: rào cản về tình cảm bao gồm các trạng thái tâm lý bất ổn hay sợ sệt, đặc biệt là sợ sai, sợ mất mặt khi bị chế nhạo, sợ khác biệt và rủi ro. Điều này làm cho HS không dám thể hiện mình dẫn đến cam chịu sống chung cho ổn thay vì tạo ra sự khác biệt giữa tập thể.
Năm là: cản trở về văn hóa như là ảnh hưởng của xã hội, những kỳ vọng cao của gia đình và những áp lực phải tuân thủ. Điều này sẽ làm cho HS sợ dư luận phán xét gây khó khăn cho mình nên không dám sáng tạo ra cái mới đành chấp nhận theo sự áp đặt của người khác.
Dạy học thực chất là dạy cách tư duy trong giải quyết các vấn đề khoa học, công việc của người dạy là dẫn dắt, định hướng người học tìm kiếm, tiếp cận, xử lý và ứng dụng tri thức. Phát hiện ra các rào cản cản trở tư duy người học sẽ giúp giáo viên biết tạo ra môi trường giáo dục thân thiện và phát huy hết tiềm năng trí tuệ của HS góp phần tạo ra những con người sáng tạo để thay đổi cuộc sống.
Nguyễn Thế Cường
(Giảng viên ĐH Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)