Từ TP.Hà Giang ngược đường 4C lên cao nguyên đá Đồng Văn, đến bản Tráng Kìm (Quyết Tiến, H.Quản Bạ) sẽ thấy ngay dãy núi sừng sững cao nhất giữa trùng điệp núi nhọn hoắt lô xô.
Toàn cảnh tổ 2, bản Pờ Chừ Lủng nhìn từ trên cao
Trên đỉnh cao nhất của dãy núi đó, bao năm nay tồn tại một bản người Mông gần như bị lãng quên…
15 năm không xuống núi
“Pờ Chỉnh Lủng”, “Pờ Chù Lủng”, “Pừ Chừ Lủng”, “Pờ Chừ Lủng” – giữa 4 tên gọi của cán bộ, giáo viên xã Ngam La (H.Yên Minh, Hà Giang), tôi tin vào cái tên Pờ Chừ Lủng của cô giáo Phan Thị Thơ (Hiệu trưởng Mầm non Ngam La), bởi gần 10 năm công tác tại xã, ít nhất mỗi năm cô giáo đi bản 1 – 2 lần. Cô Thơ bảo: “Úi! Nhà báo không đi được đâu”. Thấy tôi cương quyết, cô Thơ đành nhờ thêm 5 giáo viên dẫn tôi lên Pờ Chừ Lủng.
Thầy giáo Lý Ngọc Tuân, Hiệu phó Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ngam La, nói: “Leo núi đá lên điểm đầu tiên, ít nhất là 4 tiếng, đừng mang nhiều đồ kẻo lại vứt đi” và bảo: “Anh là người dưới xuôi đầu tiên dám lên chỗ này!”. Từ điểm trường chính, ngồi xe máy gần 1 tiếng qua những con dốc dài vật vã, bánh xe bốc khói trượt trên đá, mới tới bản Sủng Hòa. 6 thầy, cô đưa 4 chiếc xe máy vào nhà dân gửi, rồi dắt tôi đi bộ hơn 1 km đường đá lổn nhổn, rẽ phải vào đường mòn dưới chân núi, cây cối kín bưng. Trước khi đi, tôi đã định vị ngọn núi, hỏi khắp nơi nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Cả bản đồ của Pháp và Bộ Tổng tham mưu xuất bản 1985, đều ghi tên núi đó là “La Cauronne, cao 1.769 m”.
Con đường lên bản lờ mờ dấu cỏ bị gãy, đá trắng mốc qua những vách đá người trên kéo, người dưới đẩy mông, những khe núi chỉ cần lỡ tay là lăn xuống vực sâu hút. Hết đá, đến thung lũng trồng ngô, cỏ dại tranh nhau ngoi lên với những thân ngô còi cọc gắng hút tí đất từ nền đá tai mèo. Hết thung lũng là những cánh rừng nguyên sinh trơn nhẫy đá xanh rêu, vắt loe ngoe ngóc đầu khi thấy hơi người…
Giữa đường đi, nghe thình thịch la hét trên đầu. Ngẩng lên mới thấy gần chục thanh niên thay nhau khênh cáng, trên võng là một người đàn ông nằm co như con tôm, tay bíu chặt cây tre đòn, chân phải băng vải trắng xỉn. Hỏi ra mới biết: Ông Lù Mí Co đi rừng, phạt dao vào ngón chân. Thầy cúng "hô hào" mọi cách nhưng vẫn sốt và chân thối, nên phải huy động thanh niên trong bản thay nhau cáng xuống y tế xã…
“Người Mông trên này sống tách biệt như người rừng. Ốm đau cỡ nào cũng cứ phải cúng. Những ai đã đưa xuống núi là cúng hết sạch các lễ”, cô giáo Thơ kể và thở dài: “Đa phần chỉ xuống đến TT.Yên Minh. Có người, 15 năm không xuống núi”.
Đoạn đường dễ đi nhất lên bản Pờ Chừ Lủng. ẢNH: MAI THANH HẢI
Liên lạc bằng thư, báo tin gõ mõ
Lù Mí Giáo 24 tuổi nhưng đã có 2 con gái học lớp 1 và mầm non. Giáo là đảng viên, Trưởng bản từ năm 2014, rất nhanh nhẹn hoạt bát nhưng khi hỏi chuyện gia đình vẫn nằng nặc: “Sau này sẽ phải kiếm đứa con trai nữa, kẻo khi chết không có đứa nào cho mình ăn”! Kể tình hình của bản, Giáo bấm ngón tay: “Tất cả có 53 hộ gồm 320 nhân khẩu, một nửa đi làm được, còn lại toàn ăn” và lắc đầu: “Diện tích rộng lắm, cán bộ xã nó đưa cho xem nhiều con số lắm, không nhớ đâu”, khiến thầy Lý Ngọc Tuân bật cười, giải thích: Diện tích tự nhiên khoảng 20 km2. Dân cư của bản sống rải rác ở 3 tổ, cách nhau khoảng 2 tiếng đi bộ đường núi rừng. Xa nhất là tổ 3, gồm 17 hộ dân nằm ở phía đông dãy núi. “Tổ 2 đông dân hơn thì đặt điểm trường liên cấp mầm non – tiểu học cho 56 học sinh (HS) mầm non toàn bản, 40 HS tiểu học của tổ 2 và 3. HS mầm non tổ 1 phải sang tổ 2 học, riêng lớp tiểu học 10 HS đặt tại tổ 1 thì dân không cho xuống trường chính, nên phải điều thầy giáo Lù A Quyết, 49 tuổi, lên dạy cắm bản”, thầy Tuân nói. “Tổ 1 có trưởng bản, công an viên sinh sống nên năm 2012 cấp trên đầu tư làm con đường cấp phối từ trung tâm xã lên tổ. Hơn 1 năm trời mở đường, giờ xe máy cũng không đi nổi vì sạt lở, cây to đá lớn phủ kín”, Trưởng bản Lù Mí Giáo thật thà kể.
Buổi tối khi tôi lên đến điểm trường liên cấp ở tổ 2, Bí thư Chi bộ thôn cũng tên Lù Mí Giáo mang cái mõ ra gõ lốc cốc. Hỏi ra mới biết đó là phương tiện báo tin duy nhất, từ nhiều đời nay ở bản. “Trên bản không có sóng điện thoại nên mỗi lần họp hành, triển khai công việc, chúng tôi phải nhờ thầy cô giáo báo, hoặc qua người dân xuống núi đi chợ, trước cả tuần”, Chủ tịch UBND xã Ngam La Nguyễn Văn Thuận nói và cười: “Nhân viên bưu điện xã cũng không leo nổi. Công văn giấy tờ gửi thôn, đều cho vào túi ni lông nhờ dân đi chợ chuyển lên”. Mỗi dịp họp hành hiếm hoi, Trưởng thôn phải dành nguyên tuần đến từng nhà thông báo trước. Hai ngày đêm tôi ở bản, người dân bỏ cả việc đến tập trung ở điểm trường đông như hội, ai cũng cười hớn hở khi được chụp ảnh và xem hình.
Khênh người ốm xuống núi cấp cứu
Khát nước, thèm muối
Người Mông ở Pờ Chừ Lủng định cư trên đỉnh núi đá cao gần 2.000 m, nên thiếu nước cũng là điều dễ hiểu. Trẻ con sống trên miền lạnh đứa nào cũng môi hồng, mắt đen, má phính, nhưng chân tay, cổ ngực bám đầy ghét bẩn đen đúa. Không có suối, sông mạch ngầm, nguồn cung cấp nước chỉ trông mong vào những cơn mưa hiếm hoi tầm tháng 7 – 8 dương lịch. Đồ trữ nước bao năm nay là những hố sâu 2 – 3 m. Mưa to, chất thải động vật, xác chuột, rắn chết tràn hết vào. Mùa khô, thứ nước ấy xanh lét, tanh ngòm cùng với lá rừng rụng xuống, nhưng người dân vẫn phải nhắm mắt lấy làm nước uống, nấu ăn. Dịp sau Tết âm lịch nước thiếu tận cùng, các hộ phải cắt cử người đến hố vét từng tí nước, mang về để lắng đất đá, rồi nấu ăn. Có lúc người dân phải lật từng khe đá múc từng bụm nước. Thứ nước này rất độc do ngâm lá cây và những viên đá độc tròn như phân dê.
Đầu năm 2011, tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ xây dựng 1 hồ treo tại tổ 1 của bản. Sau gần 6 năm xây dựng, hồ đã đưa vào sử dụng nhưng dân không dám dùng nước vì tanh ngòm và nhiều chất bẩn. Đầu năm 2017, đoàn cán bộ của tỉnh vào thăm tổ 1, có hứa tặng 1 máy bơm để hút chất bẩn vệ sinh bể, chứa được nước mưa, nhưng đoàn về cả năm vẫn chưa thấy máy bơm. Đến thời điểm hiện nay, vật dụng trữ nước sạch hữu dụng nhất của các hộ dân trong bản là thùng nhựa to 400 lít được tặng, sau chuyến thăm của Bí thư Huyện ủy Yên Minh hồi đầu năm 2014. Tháng 6 vừa rồi, Sở TN-MT đến kiểm tra mẫu nước và cấm dân sử dụng vì ô nhiễm nặng.
Không có đường để vận chuyển vật liệu xây dựng, người dân vào rừng chặt cây gỗ to, xẻ thành miếng ván làm vách, lợp nhà. Người dân cũng không thể mang trâu bò lợn xuống núi bán lấy tiền mà xẻ thịt thành miếng nhỏ, gùi xuống núi. Nửa ngày xuống chợ, miếng thịt đã bị ôi. Cách đây mấy năm, Sở Xây dựng Hà Giang đỡ đầu xã Ngam La và tặng bản Pờ Chừ Lủng cặp bò. Dân bản mấy chục người phải xuống núi trói chặt con bò và mất cả ngày khênh lên. Giờ bò lớn, thương lái dưới huyện lên mua nhưng nói chỉ trả nửa tiền, nửa còn lại làm “bảo hiểm” phòng khi bò xuống núi, leo vách đá ngã chết không lấy được thịt! (còn tiếp)
53 hộ dân của bản Pờ Chừ Lủng đều là hộ nghèo. Cây lương thực chính và duy nhất là cây ngô địa phương, nên 100% hộ dân đều ăn mèn mén (bột ngô xay). Giáp hạt, nhiều gia đình không còn ngô để ăn. Mỗi con gà nuôi gần năm trời mới được 2 kg và người dân mang xuống chợ bán, lấy tiền mua muối, mỡ lợn về ăn hằng ngày. Hãn hữu lắm mới mua thịt gà đông lạnh từ Trung Quốc mang sang và thịt bạc nhạc giá rẻ. Do ăn uống kham khổ, người Mông Pờ Chừ Lủng thấp bé nhẹ cân và từ năm 1945 đến nay, chưa thanh niên nào của bản đủ điều kiện khám tuyển nghĩa vụ quân sự…
|
Mai Thanh Hải/TNO
Bình luận (0)