Trong câu chuyện hướng nghiệp sớm, học sinh có rất nhiều băn khoăn, thắc mắc về ngành nghề. Theo các chuyên gia tư vấn, những thắc mắc này là hoàn toàn phù hợp để người học có thêm cơ hội tìm hiểu về ngành nghề.
ThS. Phạm Doãn Nguyên trao đổi với học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (Q.1) trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức
Nghề và công việc, có gì khác?
Đây là câu hỏi có phần trừu tượng nhưng lại là băn khoăn của khá nhiều học sinh THPT trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề. Với băn khoăn này, ThS. Phạm Doãn Nguyên (Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Truyền thông, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM) cho hay, nghề là một sự bao quát, còn công việc là một lĩnh vực cụ thể. Trong một nghề có thể bao gồm rất nhiều công việc khác nhau. Hiện nay, phần nhiều các trường đều theo xu thế đào tạo đa ngành, liên ngành. Tức là, học một ngành nhưng được tích hợp rất nhiều kỹ năng khác nhau, cho phép người học ra trường có thể làm được nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, để làm được như vậy, đòi hỏi các em phải chủ động. Nhất là phải biết năng lực, sở trường của mình là gì, mình mạnh ở lĩnh vực nào để theo lĩnh vực đó.
Cụ thể hơn, TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM) cho rằng nghề là một khái niệm chung chung trong những lĩnh vực khác nhau. Trong khi đó, công việc lại là một nhánh nhỏ trong nghề đó. Công việc là thứ mà mỗi người gắn bó hàng ngày. Có những người có khả năng theo nhiều nghề khác nhau, ở nhiều công việc khác nhau. Nhưng cũng có những người chỉ có thể gắn bó với một công việc trong một nghề. Cùng trong một nghề đó nhưng người này có thể làm công việc này, người khác lại làm một công việc khác.
TS. Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) trao đổi thông tin với học sinh Trường THPT An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) Cuối tuần qua, chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 12 năm học 2019-2020 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP và ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM đã diễn ra ở 3 trường: THPT An Nhơn Tây, THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) và THPT Giồng Ông Tố (Q.2). Song song đó, chương trình cũng diễn ra ở nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (có sự phối hợp với Sở GD-ĐT Đồng Nai). Tại chương trình, các chuyên gia đến từ nhiều trường ĐH uy tín trên địa bàn TP.HCM đã cung cấp những thông tin hướng nghiệp bổ ích, thiết thực cho học sinh, qua đó giúp các em chọn lựa đúng ngành học, bậc học và trường học. Hoàng Anh |
“Thế giới ngày nay chuộng những người có khả năng ứng biến trong mọi công việc. Điều này đồng nghĩa với việc để thích ứng thì mỗi người cần phải có năng lực và kỹ năng trước nhu cầu thay đổi của thế giới. Theo đó, thế giới biến đổi từng ngày, nghề nghiệp và công việc cũng vậy. Điều quan trọng không hẳn là chúng ta xác định sau này sẽ làm một công việc gì mà là chúng ta học được những gì, học bằng cách nào”, ông Tùng nhấn mạnh.
Mới học lớp 10, làm sao biết được đam mê là gì?
Về băn khoăn này, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) giải đáp: Đam mê, sở thích là những điều mà mỗi người thường có rất nhiều, hình thành từ chính thói quen của mỗi người. Lựa chọn một công việc theo đam mê, sở thích sẽ giúp bản thân “dạo chơi” trong công việc, không phải chịu quá nhiều áp lực trong công việc. Thế nhưng, đam mê, sở thích thôi chưa đủ, khi lựa chọn ngành nghề cần phải gắn với năng lực bản thân. “Khi là học sinh lớp 10, mọi thứ dường như mới chỉ bắt đầu. Nhiều học sinh và cả phụ huynh quan niệm, còn quá sớm để nói chuyện tương lai. Tuy nhiên, đây chính là giai đoạn để các em định hình nên phương pháp, phong cách học tập, tìm hiểu và trải nghiệm ở nhiều lĩnh vực ngành nghề”, bà Mai phân tích.
Do đó, bà Mai khuyên rằng, trong giai đoạn đầu cấp này, mỗi học sinh cần chủ động tìm kiếm và không ngần ngại nắm bắt những cơ hội thử sức mình. Từ chính những trải nghiệm đó sẽ giúp người học biết được đam mê, sở thích và năng lực của mình để đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp sau này. “Các em còn những kênh tham chiếu khác là gia đình, thầy cô, bạn bè. Muốn biết mình mạnh ở đâu, có năng lực gì, tính cách hợp với ngành nghề nào thì sự trợ giúp của gia đình, bạn bè, thầy cô cũng rất cần thiết”, bà Mai cho biết.
Nhiều con đường để vào ĐH Đây là chia sẻ được ThS. Phùng Quán (Trưởng phòng Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG TP.HCM) gửi gắm đến các em học sinh THPT trong câu chuyện hướng nghiệp sớm. Theo ThS. Phùng Quán, trong bối cảnh hiện nay, vào ĐH không còn là vấn đề “khó như lên trời”. Ngoài phương thức truyền thống là sử dụng điểm thi THPT quốc gia, đa phần các trường ĐH đều sử dụng thêm những phương thức xét tuyển khác như: kỳ thi đánh giá năng lực của trường; kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM; xét tuyển bằng học bạ; xét tuyển thẳng; xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… “Điều quan trọng là các em phải biết năng lực của mình ở đâu, phù hợp với những phương thức xét tuyển nào để tận dụng. Thời điểm này, các em hãy cứ cố gắng học thật tốt, tìm hiểu và lựa chọn một ngành học phù hợp, kế đó là chọn một môi trường học tập phù hợp”, ThS. Phùng Quán khuyên. |
Tương tự, trong vấn đề “làm thế nào để xác định năng lực, đam mê khi là học sinh lớp 10”, ThS. Phạm Doãn Nguyên nhìn nhận, mỗi trường THPT đều có những sân chơi cả về kiến thức lẫn kỹ năng. Do đó, cách tốt nhất để tìm hiểu xem mình mạnh gì, có năng lực gì là tích cực tham gia trong các CLB đội nhóm, các hoạt động phong trào của lớp, của trường; những hoạt động thiện nguyện, hoạt động xã hội… “Ngoài kiến thức trong sách vở, các sân chơi rèn luyện bổ ích còn là kênh để học sinh trau dồi về kỹ năng cần thiết cho bản thân. Đó cũng là cách để các em tìm hiểu về nhiều ngành nghề trong xã hội, từ đó ươm lên những đam mê, sở thích, biết mình mạnh ở đâu để theo đuổi”, ông Nguyên khẳng định.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)