Sau thời gian học trực tuyến kéo dài, để tạo hứng thú cho học sinh khi đến trường, nhiều trường học tại TP.HCM đã xây dựng đa dạng, độc đáo các hoạt động giáo dục.
Học sinh khối 10 Trường THPT Nguyễn Du trong tiết học yoga
Yoga, nghệ thuật nhiếp ảnh “bước” vào nhà trường
Mỗi tuần 1 tiết, Anh Quân (Lớp 10A16, Trường THPT Nguyễn Du, Q.10) được học môn yoga trong trường. Là học sinh đầu cấp, trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến, Quân khá thích thú khi được tham gia vào môn học mới mẻ này.
“Yoga em đã nghe đến nhiều nhưng chưa bao giờ có ý định tham gia, luôn nghĩ đây là môn chỉ dành cho mấy bạn nữ. Thế nhưng, khi được nhà trường tổ chức giảng dạy, đưa vào thời khóa biểu, được tham gia em thấy môn học đã hỗ trợ em rất nhiều trong việc cân bằng năng lượng cuộc sống, suy nghĩ tích cực, giảm mệt mỏi… Phải nói đây là môn học hiện đang được cả lớp mong chờ nhất”, Anh Quân hào hứng.
Tại Trường THPT Nguyễn Du, yoga là một trong 3 môn học độc đáo được đẩy mạnh triển khai trong năm học này, đặc biệt khi học sinh trở lại trường sau thời gian học trực tuyến kéo dài. Cạnh đó còn có bộ môn kỹ năng sống, nghệ thuật nhiếp ảnh.
Các môn học đều được sắp xếp trong thời khóa biểu chính khóa, trong đó riêng lớp 10 được học cả 3 môn, lớp 11 và 12 được tiếp cận kỹ năng sống.
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nhà trường đứng trước thách thức làm sao vừa giảng dạy tốt chuyên môn, phòng chống dịch nhưng trên hết là tạo được sự thích thú, hào hứng, vui tươi cho học sinh khi đến trường để nâng cao “sức đề kháng” cho học sinh về cả thể chất lẫn tinh thần.
Từ thách thức này, các môn học độc đáo khi đưa vào giảng dạy được kỳ vọng sẽ tạo ra sự mới mẻ, mang đến “làn gió mới” để học sinh hòa nhập nhanh với môi trường học trực tiếp, thích ứng khi học tập trong bối cảnh dịch.
“Năm nay là năm đầu tiên nghệ thuật nhiếp ảnh được trường đưa vào giảng dạy cho học sinh khối 10. Bộ môn hướng tới tạo ra sân chơi cho học sinh, giúp các em nhận thức được vẻ đẹp nghệ thuật, rèn luyện đời sống tinh thần, biết cách sử dụng điện thoại thông minh để lưu giữ những hình ảnh, các ký ức đẹp xung quanh mình. Thông qua bộ môn cũng là cách nhà trường định hướng nghề nghiệp cho học sinh”, thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.
Về bộ môn kỹ năng sống, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú thông tin, mỗi khối lớp sẽ được tiếp cận với các nội dung khác nhau, lồng ghép thêm giáo dục giới tính. Đặc biệt, các bài giảng sẽ chú trọng hướng học sinh đến cách làm chủ cảm xúc, thông tin tích cực, biết cách chọn lọc thông tin tích cực trên mạng xã hội.
“Kỹ năng sống cũng giúp học sinh gỡ khó những vấn đề mà các em đang gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh, hướng học sinh cách thức phòng dịch. Khi chuyển giao từ học trực tuyến sang học trực tiếp, nhiều em gặp các vấn đề về phương pháp học tập, mối quan hệ bạn bè, sự hòa nhập trở lại… Các vấn đề này cũng được giáo viên hóa giải trong những tiết học kỹ năng sống”, thầy Phú bày tỏ.
Riêng yoga là môn học đã được Trường THPT Nguyễn Du đưa vào giảng dạy 6 năm nay song trong năm học “đặc biệt” bộ môn đã có sự điều chỉnh, như tập trung chỉnh sửa thế ngồi cho học sinh, hướng dẫn học sinh cách để mắt không mỏi, đặc biệt là tạo trường năng lượng để các em luôn vui vẻ, giảm stress, căng thẳng cho học sinh.
Xây dựng các tiết học mở
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, gần 2.000 học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) đã được học 2 buổi/ngày và được tham gia vào các CLB.
Thầy Ngô Hùng Cường (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho hay, việc triển khai CLB giúp nhà trường tận dụng “thời gian vàng” để giáo dục, rèn luyện học sinh, “bù đắp” những kỹ năng các em còn thiếu hụt trong thời gian học trực tuyến. Đồng thời tạo hứng thú cho học sinh khi đến trường.
“Các CLB được triển khai rất đa dạng để học sinh được lựa chọn theo sở thích, năng lực, bao gồm cả CLB học thuật như văn học, toán học, tin học… và CLB kỹ năng như CLB kỹ năng sống, CLB STEM. Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các CLB hoạt động dựa trên số học sinh đăng ký nhưng không quá 45 học sinh, sinh hoạt theo từng chủ đề phù hợp”, Phó hiệu trưởng Ngô Hùng Cường thông tin.
Trong khi đó, Trường THCS Minh Đức (Q.1) lại tận dụng ngay các thiết chế văn hóa sẵn có của trường để tổ chức các tiết học mở ngoài lớp học. Hoạt động này tập trung chủ yếu đối với học sinh khối 6 – là học sinh đầu cấp, giúp các em thích thú khi đến trường, dễ dàng thích nghi với môi trường THCS.
Học sinh lớp 6 Trường THCS Minh Đức thích thú trong tiết học STEM
“Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp; Giáo dục lịch sử địa lý địa phương là các bộ môn mới mà học sinh khối 6 được tiếp cận trong năm học này. Để đổi mới môn học, tăng cường tính thực tế nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch, trường thiết kế các tiết học trải nghiệm ngay trong sân trường, vừa thay đổi không gian lớp học, vừa giúp học sinh cảm thấy thoải mái trong thời gian đầu đến trường học trực tiếp”, cô Trần Thúy An (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ.
Cụ thể, một không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được trường phối hợp với Bảo tàng TP.HCM thiết kế ngay trong sân trường; những khu vực trồng nấm, hoa, vườn thủy canh được phân chia quanh khu vườn trường; những tiết học STEM làm quen với khoan cắt, lập trình… đã mang đến những trải nghiệm mới mẻ cho học sinh khối 6. Theo cô Trần Thúy An, thời gian đầu khi học sinh đầu cấp trở lại trường sau quá trình học trực tuyến kéo dài có vai trò cực kỳ quan trọng. Sự thú vị, mới lạ, không áp lực sẽ là một trong những cách tạo động lực để các em thích thú đến trường mỗi ngày.
“Thay vì chỉ tập trung giảng dạy kiến thức, tận dụng chính khoảng thời gian vàng học trực tiếp nhà trường rèn luyện các kỹ năng, phương pháp học tập trực tiếp ở trường THCS cho các em thông qua các tiết học có tính hoạt động nhóm cao. Khi hình thành được các kỹ năng này, các em sẽ chủ động hơn trong học tập, nhất là thích ứng nhanh với phương pháp học tập trực tiếp…”, cô An bảy tỏ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)