Tận dụng ao nước bỏ không, nhiều người dân ngụ phường Thới An (Q.12) đã thuê lại để trồng rau nhút cung cấp cho các chợ trên địa bàn TP.HCM và các khu vực lân cận. Nghề trồng rau nhúc vất vả nhưng bù lại giúp người dân có cuộc sống tự do, ổn định, nuôi con học hành đến nơi đến chốn.
Chị Trần Thị Thu Hồng đang tưới nước cho những bó rau nhút trước khi giao cho mối
Nghề trồng rau nhút giữa phố thị
Đến đường Lê Thị Riêng (phường Thới An, Q.12) sau đó rẽ vào một con hẻm nhỏ, đi thẳng vào đó mọi người sẽ bắt gặp được một chốn thôn quê thật thanh bình và yên ả ngay giữa một TP hiện đại. Ở đây, ngoài những cánh đồng rau và hoa, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những ao rau nhút xanh mơn mởn nổi bềnh bồng trên mặt nước. Hai bên đường là những chiếc lều dã chiến được người dân dựng tạm để làm nơi ngồi lặt rau nhút, tập kết thành đống để mang ra chợ bỏ mối. Đây được xem là nơi cung cấp rau nhút lớn nhất tại TP.HCM và các khu vực lân cận.
Khu vực này nhộn nhịp nhất là vào mỗi buổi chiều vì người dân ra đây để chăm sóc, thu hoạch rau nhút. Dưới nước các ông chồng luôn tay luôn chân hái từng đọt ra nhút quăng lên bờ. Các bà vợ thì luôn tay luôn chân lặt sạch, bó lại thành từng bó để kịp giao cho mối.
Đang luôn tay cắt từng đọt rau nhút, Trần Văn Minh (35 tuổi, quê Bến Tre) cho biết, mỗi ngày anh đều lội xuống ao nước sâu ngang hông cắt rau. “Tôi thuê khoảng 3.000m2 mặt nước để trồng rau nhút. Giá thuê 5 triệu đồng cho 1.000m2 trong một năm. Rau này rất dễ trồng. Tuy nhiên để rau phát triển cần phải tưới phân hai lần từ khi trồng đến lúc hái. Thời tiết nắng nhiều thì rau mọc đều, còn mưa rau chậm ra hơn”, anh Minh chia sẻ.
Ở Nam bộ, rau nhút mọc phổ biến ở vùng sông nước miền Tây. Nếu ngày xưa loại ra này mọc đầy ao không ai hái thì nay được chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng và có mặt ở khắp các nhà hàng, quán ăn mang đậm hồn quê. Rau nhút lặt sạch có thể chấm với kho quẹt, mắm kho hay dùng để nấu lẩu, luộc, làm gỏi, nấu canh chua… Ở quê, loại rau này thường có trong các bữa cơm gia đình. Tô canh chua rau nhút, kèm chảo cá kho quẹt ăn với cơm là hết sảy. Một món ăn quê dân dã nhưng đã đi vào ký ức của biết bao thế hệ.
Ngoài là món ăn bổ dưỡng, rau nhút còn có công dụng trị bệnh nên được nhiều người yêu thích, lựa chọn làm món ăn.
Anh Đinh Thanh Hiền cùng người con trai đang lặt rau nhút để giao cho mối
Nếu như trước đây, rau nhút cung cấp cho TP.HCM chủ yếu ở miền Tây thì những năm gần đây, thương lái không cần phải đi xa nữa mà có thể đến cánh đồng rộng mênh mông ở phường Thới An (Q.12) để thu mua rau nhút. Từ đây, rau nhút không chỉ có mặt ở các chợ TP.HCM mà còn tỏa đi các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và các khu vực lân cận.
Mang lại nguồn thu nhập ổn định
Trồng rau nhút vất vả nhưng đổi lại giúp người dân có cuộc sống tự do, nguồn thu nhập ổn định.
Chị Trần Thị Thu Hồng (chủ một ao rau nhút) cho biết, gia đình chị từ Trà Vinh lên TP được gần 10 năm nay. Gia đình nghèo, ít đất nên khi hai vợ chồng ra riêng gia đình chỉ được chia có 1 công đất ruộng trồng lúa. Ngoài việc làm ruộng, vợ chồng chị còn thuê thêm đất để trồng hoa màu kiếm thêm tiền nuôi 2 đứa con nhỏ. Làm việc còng lưng, không dám ăn, dám mặc nhưng sau mỗi mùa vụ không những không dư giả nhiều mà có đợt còn lỗ vốn. Thấy vậy, hai vợ chồng chị quyết định gửi con cho nhà nội rời quê lên TP mưu sinh. Ban đầu chị đi làm công ty may, chồng chạy xe ôm. Tình cờ được một người quen giới thiệu nghề trồng rau nhút ở TP, vậy là vợ chồng chị liều mình thuê ao trồng thử. Đợt thu hoạch đầu tiên, hai vợ chồng hái được 100kg, bỏ mối 25 ngàn đồng/kg, tính ra thu về khoảng 2,5 triệu đồng. Thấy ngon, từ đó, vợ chồng chị theo trồng rau nhút tại đây cho đến bây giờ. “Với khoảng 1.000m2 mặt nước rau nhút, trừ chi phí này nọ, mỗi tháng chúng tôi thu về ít nhất 10-15 triệu đồng. Nhờ nghề trồng rau nhút, chúng tôi nuôi con được hai con ăn học đàng hoàng. Hàng tháng vợ chồng tôi còn gửi thêm cho nhà nội 2 triệu đồng để chi tiêu. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn tích lũy được một số vốn kha khá”, chị Hồng vui mừng chia sẻ.
Công việc trồng rau nhút giúp anh Hiền và vợ có được cuộc sống thoải mái hơn. “Nói dư ăn dư để thì tôi không dám nhận nhưng được cái là có đồng ra đồng vào và nuôi được đứa con tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin. Hiện con tôi đi làm cũng có thêm thu nhập”, anh Hiền vui mừng chia sẻ. |
Giống như chị Hồng, hơn 10 năm trước, anh Đinh Thanh Hiền (quê Vĩnh Long) và vợ lên TP mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Thấy không ổn, anh lân la thuê đất rồi trồng rau nhút bằng cách học hỏi những người đi trước. “Trồng rau nhút tuy cực nhưng làm chủ bản thân lại có thu nhập đều. Rau nhút rất dễ trồng. Có giống mang về cấm rễ xuống đất. Khi bám rễ, mua phân về tưới để rau sinh trưởng tốt. Tầm nửa tháng là thu hoạch dần. Để bán được giá cao và không phải thuê nhân công, mỗi ngày vợ chồng tôi hái một ít, lặt sạch mang ra chợ bán lẻ. Với khoảng 20kg/ngày, bán lẻ 40 ngàn đồng/kg, vợ chồng tôi thu về từ 800 ngàn đồng”, anh Hiền cho biết.
Nhờ khu vực trồng rau nhút, nhiều người ở đây cũng có được công ăn việc làm nhờ làm nghề lặt rau nhút thuê. “Người ta thuê tôi lặt 1kg rau nhút 6 ngàn đồng. Một buổi, tôi lặt được 20 kg cũng được 120 ngàn để chi tiêu trong gia đình”, chị Lâm Bích Hạnh chia sẻ
Khu vực trồng rau nhút trên địa bàn phường Thới An, Q.12 có diện tích canh tác khoảng 10ha, trồng quanh năm. Nơi đây chủ yếu là người dân từ các tỉnh lên TP mưu sinh rồi thuê đất trồng rau nhút. Những người rời quê lên TP đa phần đều có mong muốn tìm công việc khỏe, không phải chạm đến bùn lầy như ở quê như: làm công nhân, nhân viên… Nhưng với chị Hồng, anh Hiền cũng như những người dân trồng rau nhút khu vực phường Thới An, Q.12 lại thích làm nông. Với họ, nghề này không cao quý nhưng đổi lại được tự do, làm chủ thời gian và đặc biệt là có nguồn thu nhập ổn định.
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)