Đến thời điểm này, nhiều trường TC-CĐ thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tuyển sinh đủ và vượt chỉ tiêu.
Sinh viên Khoa Cơ khí Trường CĐ Nghề TP.HCM trong giờ thực hành nghề tiện |
Chọn học các ngành nghề mũi nhọn
Bà Phạm Quang Trang Thủy (Hiệu trưởng Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương) cho biết trường đã tuyển đủ chỉ tiêu ở các nghề từ khoảng đầu tháng 8. Các nghề được học sinh lựa chọn nhiều là cơ điện tử, cơ khí chính xác, bảo trì máy CNC, lắp cáp mạng thông tin và robot di động. Đây là những ngành nghề mũi nhọn mà các doanh nghiệp trong khu chế xuất – khu công nghiệp đang cần, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Nhiều học sinh có học lực khá, giỏi vẫn chọn trường nghề, điều đó cho thấy nhận thức của người học đã thay đổi tích cực. Ở môi trường học nghề, các em có thể phát huy năng lực, sở trường của bản thân và được lựa chọn vào đội tuyển thi nghề quốc gia, khu vực và quốc tế, qua đó khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng đắn”, bà Thủy nói. Tương tự, tại Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, số học sinh đăng ký vào trường có điểm thi THPT quốc gia khá cao, tương đương với điểm đầu vào ở các trường ĐH uy tín.
TS. Bùi Văn Hưng (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho biết trường đã tuyển sinh đạt khoảng 90%, từ nay đến cuối năm có thể tuyển vượt chỉ tiêu. Các ngành học sinh đăng ký theo học đông nhất là công nghệ ô tô, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, 9 nhóm ngành dịch vụ. Trong khi đó, ngành xây dựng và hàn có số hồ sơ đăng ký rất ít.
Bà Nguyễn Thị Lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức) thông tin trường đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu và học sinh đang hoàn tất thủ tục nhập học. Ngành nghề thu hút người học trong những năm gần đây của trường vẫn là bảo trì và sửa chữa ô tô, công nghệ thông tin, kỹ thuật điều khiển tự động, điện tử truyền thông…
Nằm trên địa bàn có nhiều trường nghề nhưng Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật Thủ Đức cũng không vất vả lắm để tuyển sinh cho năm học này. Ông Trần Ngọc Cường (Hiệu trưởng nhà trường) nói: “Những năm gần đây, hình ảnh GDNN được quảng bá, tuyên truyền nhiều, hơn nữa người học và phụ huynh cũng đã nhận thức được rằng học để có một nghề không lo thất nghiệp nên công tác tuyển sinh không quá khó khăn so với các năm trước”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, các trường CĐ Lý Tự Trọng, CĐ Nghề TP.HCM… cũng đã tuyển sinh đủ chỉ tiêu và đang hoàn tất thủ tục nhập học.
Đầu tư cho ngành tuyển sinh hiệu quả
Ông Đặng Minh Sự (Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho hay công tác tuyển sinh GDNN của TP đạt trên 70% chỉ tiêu, khá hơn so với thời điểm này năm 2017.
Trước kết quả tuyển sinh khả quan trong năm nay, ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đề nghị các trường TC-CĐ rà soát, thống kê ngành nghề nào tuyển sinh được và ngành nghề nào ít người học để có hướng sắp xếp lại, mạnh dạn bỏ ngành nghề tuyển sinh kém để dồn lực đầu tư cho ngành nghề tuyển sinh hiệu quả. Bên cạnh đó cần rà soát thế mạnh của từng ngành nghề, ưu tiên đầu tư các ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Đồng thời phải có kế hoạch dự báo nhu cầu thị trường lao động, tránh tình trạng đào tạo ồ ạt một ngành nghề nào đó dẫn đến dư thừa lao động như một số ngành nghề lâu nay.
Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức ngừng nhận hồ sơ một số ngành Từ ngày 20-8, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức đã có thông báo ngừng tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến các ngành thuộc hệ CĐ, trừ 5 ngành kinh doanh thương mại, tài chính – ngân hàng, quản trị kinh doanh, công nghệ kỹ thuật điện tử truyền thông và điện tử công nghiệp. Đối với trình độ TC, trường này cũng đã ngừng tiếp nhận đăng ký tuyển sinh ở ngành kỹ thuật điều khiển tự động. Lý do là trường đã tuyển đủ chỉ tiêu. Ngày 11-9 vừa qua, trường cũng có thông báo ngừng tiếp nhận đăng ký tuyển sinh trực tuyến ngành bảo trì và sửa chữa ô tô, đồng thời ngừng tuyển sinh trực tiếp và trực tuyến tất cả các ngành còn lại kể từ 11 giờ ngày 15-9. |
Để công tác tuyển sinh GDNN tốt hơn nữa, ông Lâm cũng yêu cầu các trường chủ động phối hợp với các hội ngành nghề để nắm rõ nhu cầu lao động mà doanh nghiệp cần trong năm, trong giai đoạn cụ thể để có giải pháp cung đủ cầu. Ở khía cạnh quản lý Nhà nước về GDNN, ông Lâm cho biết phòng GDNN đang xây dựng kế hoạch phân luồng và định hướng nghề nghiệp, cụ thể là đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TC và 30% học sinh tốt nghiệp THPT vào CĐ.
“TP.HCM hiện có 60 trường TC, 50 trường CĐ và 65 trung tâm GDNN, trong đó có rất nhiều trường cùng đào tạo ngành nghề giống nhau nên việc dôi dư lao động là điều khó tránh khỏi nếu không được dự báo kịp thời”, ông Trần Xuân Hải (Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm TP.HCM) khẳng định. Vì vậy, ông Hải kiến nghị Sở LĐ-TB&XH TP.HCM chỉ đạo các trường cung cấp số lượng học sinh – sinh viên ra trường mỗi năm, cụ thể ở từng ngành nghề để công bố trên phần mềm của trung tâm. Đây là kênh thông tin cho doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người học làm cơ sở để tuyển dụng, định hướng đào tạo và chọn ngành nghề phù hợp với thị trường lao động.
T.Anh
Bình luận (0)