Y tế - Văn hóaThư giãn

Dạy con

Tạp Chí Giáo Dục

Trông vẻ mặt anh có vẻ như… quan trọng – mà hình như trong anh lúc nào cũng tỏ vẻ quan trọng thì phải(?). Vừa gặp mặt tôi là anh vào đề ngay:

– Này nhé! cậu có đồng ý với tớ là trẻ em ví như những tờ giấy trắng tinh không?

Tôi ậm ừ cho qua để chờ anh tiếp chuyện gì. Chỉ chờ có thế, anh tuôn liền:

– Bởi vậy chúng ta phải thận trọng đừng để “vấy” bẩn gì lên đó hết. Trong cách giáo dục trẻ em ngày nay, có rất nhiều bậc ông bà, cha mẹ vẫn có lối suy nghĩ và hành động nuông chiều thái quá các bé, chính điều đó đã làm cho các em lười học hỏi, tự lập, thậm chí ương bướng. Tác hại là sau này chúng dễ trở thành những đứa trẻ hư hỏng, quá quắt trong cách vâng lời dạy dỗ của người lớn. Nguyên nhân thì nhiều, song cũng không thể phủ nhận vì các bậc ông bà, cha mẹ cho rằng bé còn nhỏ, chưa biết gì, hoặc giả có thêm ý nghĩ hơi bị tiêu cực cười buồn khoán bảo “hay thế mới là trẻ con”.

Vẻ đăm chiêu, anh phán tiếp:

– Hiện nay, khi khoa học đã phát triển, việc nghiên cứu về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ nhỏ càng được chú trọng thì bên cạnh đó vẫn còn những gia đình có ông bà, bố mẹ vì lý do yêu thương con cháu thái quá nên luôn cho rằng con cháu mình còn nhỏ, chưa biết gì. Con cháu mình đòi hỏi cái gì là ngay lập tức đáp ứng, không chỉ là các món đồ chơi mà ngay cả trong các việc làm rất nhỏ của các bé…

Tôi cũng làm ra vẻ… quan trọng góp lời:

– Chính xác! không khéo từ sự yêu thương nuông chiều ấy mà dần dần, dẫn đến tâm lý ích kỷ, ỷ lại, cái gì muốn phải có bằng được. Việc gì muốn là bắt mọi người phải làm theo. Nhiều khi, đáng lẽ những đứa trẻ được chơi cùng nhau sẽ học hỏi, giao lưu và bộc lộ năng lực, sở trường thì chỉ vì thói ích kỷ mà giành giật đồ chơi với bạn, dẫn đến chành chọe, đánh đấm lẫn nhau. Lâu dần hình thành nên tính cách xấu. Nhưng, vì nuông chiều nên các bậc phụ huynh lại xuề xòa cho rằng thế mới là trẻ con.

Như “gãi” đúng chỗ ngứa, anh hả hê trút hết nỗi niềm:

– Điều này rất tai hại vì “Bé không vin, cả gãy cành”; Bé mà không dạy thì lớn lên sẽ không dạy bảo được. Do đó, cần nhìn nhận lại vấn đề một cách năng động hơn.

Từ khi bé lọt lòng, bé đã biết khóc khi chúng ta dỗ dành, biết nhìn theo, cười theo khi chúng ta làm trò cho bé, đến khi lớn hơn một chút, bé đã biết nghe và hiểu chúng ta nói gì và chúng ta đã có thể dạy cho bé từ khi bé lên 3 là vậy.

Bất chợt, anh quay qua chất vấn tôi liền vẫn với cái dáng vẻ đầy… quan trọng:

– À! mà thằng nhóc nhà của cậu có rơi phải vào tình cảnh này không???

Tôi vội vã chống chế, phản biện liền:

– Ậy! Ông hết quan trọng lại… đa nghi nữa rồi. Vợ chồng nhà tôi thì lúc nào mà chả thuộc lòng, ghi dạ châm bẩm câu tục ngữ: “Dạy con từ thuở lên 3” mờ…

– Ừ! cha ông ta để lại cho đời những câu ca dao, tục ngữ bao giờ cũng có cái lý của nó là ở chỗ đó!!!

Hunh Quý Khoa

 

Bình luận (0)

Y tế - Văn hóaThư giãn

“Dạy” con

Tạp Chí Giáo Dục

Trên đường từ trường học trở về, Ba Hăng suy nghĩ rất hung. Làm thế nào mà thằng cu Cò con anh, tên chữ là Nguyễn Văn Thông Minh lại trở nên một học sinh cá biệt, đến nỗi nhà trường phải cho mời phụ huynh đến… “méc”. Ba Hăng cảm thấy ê mặt lắm. Chắc phải “dần” cho thằng ôn con này một trận đích đáng. Í mà không được! Lúc nãy thầy giáo chủ nhiệm lớp có đề nghị anh nên nhẹ nhàng khuyên bảo, uốn nắn nó theo phương pháp giáo dục mới, và Ba Hăng đã hăng hái đồng ý ngay. Về đến nhà, Ba Hăng cố lấy giọng ngọt như đường hóa học, bảo con:
– Này, cu Cò, lại đây tía bảo. Tía vừa “làm việc” với thầy chủ nhiệm. Chà! Cần phải xem lại việc học hành của con mới được.
Vợ Ba Hăng đang ngồi kiểm tra tiền nong, quay sang góp ý:
– Bữa nay mới thấy ông quan tâm đến việc học tập của con, chắc… trời mưa bão quá! Lẽ ra, ông phải làm việc này từ lâu rồi chớ…
Ba Hăng sửng cồ:
– Thôi nín! Có im cho tôi dạy con không thì bảo? Lộn… xộn!
– Hả, ông nói ai lộn xộn? Suốt ngày ôm chai rượu, say sưa bét nhè hổng ngó ngàng gì đến nhà cửa vợ con. Bộ ông tưởng tiền lương của ông nhét đầy chai rượu chắc!     
– Tui làm ra tiền tui có quyền… nhậu, chẳng rộn chuyện tới ai!
– Sao không? Chu choa… Còn khoe bữa nay lên “làm việc” với thầy chủ nhiệm, nói hổng biết… xấu hổ!
Như bị chạm nọc, Ba Hăng xô bàn đứng dậy, xỉa xói:
– Nè, đậy nút cái hũ mắm thối ấy lại cho thiên hạ nhờ. Cứ chống mắt mà coi tui giáo dục con theo phương pháp mới…
Chị vợ bĩu môi:
– Hứ, nói cứ như… một người tiên tiến!
– Còn hơn bà, rỗi rỗi một chút là lê la đầu này đầu nọ hóng chuyện, bàn đề! Nói cho mà biết, cứ theo con này con kia đề đóm, có ngày bán nhà hổng hay à!
– Còn ông, cứ theo con ma men sai khiến, có ngày… bán giống gì?
– Nè, câm họng!
– Không. Họng ai nấy nói!
– Câm họng!
– Không. Thách ai dám “đụng” đến con này!
“Rầm!” , “Xoảng!”. Ba Hăng đạp ghế, vứt tập sách của cu Cò lăn lóc trên sàn. Trong chớp mắt, cu Cò nhanh chóng lỉnh đi ngay. Nó chạy ra quán cà phê video đầu ngõ, ở đó cu Cò có thể xem ké một bộ phim xã hội đen “ác liệt” và “tươi mát” hơn nhiều, lại không sợ… đĩa bay… chén chạy…
GIÁO RÒM