Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Dạy học sinh chưa ngoan như thế nào?

Tạp Chí Giáo Dục

Những học sinh chưa ngoan luôn khiến bạn bè e sợ, thầy cô e dè. Thế nhưng vẫn có những cách để giúp các em tiến bộ trong ý thức, học tập.
Nhiều vụ bạo lực học đường xảy ra có sự tham gia của học sinh chưa ngoan /// Ảnh cắt từ clip
Ngày 6.9, một học sinh (HS) lớp 9 Trường THCS Hòa Ninh, H.Di Linh, Lâm Đồng, bị 4 HS cùng trường đánh hội đồng dẫn đến vỡ gan. Bà Vũ Thị Lý, Hiệu trưởng trường, xác định nhóm HS tham gia đánh bạn đều là HS chưa ngoan.
Nhiều giáo viên (GV) thừa nhận, hầu như ở trường nào, bên cạnh những HS giỏi thì vẫn có một số ít HS chưa ngoan.
Không nên kỷ luật bằng cách đuổi học
Theo ông Lê Hữu Kha, GV Trường THPT Tây Sơn (Lâm Đồng), có nhiều yếu tố khiến HS trở nên chưa ngoan, nhưng phần lớn là vì thiếu sự quan tâm của gia đình, bố mẹ. Khi đó, HS dễ bị lôi kéo, dễ bị tiêm nhiễm thói hư tật xấu, dẫn đến hay gây gổ, trốn học, không chấp hành nội quy nhà trường…
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng tâm lý và truyền thông cộng đồng (TP.HCM), nhiều phụ huynh, GV dạy HS chưa ngoan bằng cách đánh phạt, la mắng là không đúng. Vì HS từ THCS trở lên đã chạm tới độ tuổi bắt đầu biết xấu hổ trước bạn khác giới, nên nếu phải chịu những hình phạt trước lớp sẽ coi đó như một sự xúc phạm, dẫn đến bị tổn thương, đâm ra “chán đời”… Những lời la mắng, thóa mạ của phụ huynh, GV sẽ càng làm HS hư hơn.
"Với các trường hợp HS chưa ngoan, không nên kỷ luật bằng hình thức đuổi học. Điều này thể hiện sự bất lực của nhà trường. HS mang “bản án” bị đuổi học sẽ không còn thiết tha với chuyện học. Đôi khi, chính việc bị đuổi học đó sẽ khiến HS phải ra đời rất sớm và có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác về sau", bà Linh nói thêm.
“Nếu gia đình giáo dục tốt thì thường HS sẽ khá hơn. Còn nếu HS ấy thường xuyên bị la mắng thì tình trạng chưa ngoan càng tệ hơn”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoài Thương, Trung tâm kỹ năng mềm Việt Tâm (TP.HCM), cho hay.
Làm bạn với học sinh
Nhiều GV thừa nhận, việc dạy các HS chưa ngoan rất dễ chán nản. Bà Trần Mỹ An, GV Trường THCS Hòa Xuân (Đắk Lắk), thú thật: “Khó khăn vô cùng nhưng nếu dùng lương tâm, tấm lòng để giúp HS thì sẽ tạo được những giá trị tốt thực sự”.
Theo bà An, để có thể cảm hóa được những HS chưa ngoan thì vai trò của GV chủ nhiệm rất quan trọng. Nếu gặp được GV chủ nhiệm thấu hiểu thì HS có thể chia sẻ những nỗi buồn, sự lo lắng và dần thay đổi.
Ông Lê Hữu Kha cho rằng để có thể giúp HS chưa ngoan vươn lên thì GV cần phải làm bạn với HS. Nghĩa là phải có sự quan tâm sâu sát, trở thành người bạn thân thiết với HS ấy, kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện buồn vui, khúc mắc của HS, gắn bó với HS bằng tình yêu thương thật sự.
 
Theo bà Thương, trong các lớp có HS chưa ngoan, GV nên tìm các phương pháp giúp đỡ, kêu gọi bạn bè khuyên nhủ, tập trung học tập, thúc đẩy mô hình “đôi bạn học tập”. Nên động viên những HS có mối quan hệ tương đối tốt, thân thiện với HS chưa ngoan để lôi kéo HS ấy trở lại việc học.
Ngoài ra, việc chú trọng tư vấn tâm lý học đường, tăng số lượng GV tư vấn tâm lý cũng có thể là cách để giúp nhiều HS chưa ngoan phát triển tốt hơn.
Xuân Phương/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)